Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 2/1/2013 10:46'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy giá trị đạo Hiếu trong gia đình truyền thống

              
Gia đình truyền thống Việt Nam hình thành và tồn tại trên cơ sở nền văn minh nông nghiệp lúa nước được bảo lưu và còn tồn tại khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Gia đình truyền thống là hình thức gia đình nhỏ, các thành viên gắn kết với nhau trên cơ sở quan hệ huyết thống trong đó có thể 3 đến 4 thế hệ cùng chung sống (tam, tứ, đại đồng đường).

Gia đình truyền thống có các ưu điểm như: có sự gắn bó cao về tình cảm, theo huyết thống, bảo lưu được các truyền thống văn hóa, tập tục nghi lễ, phát huy tối đa các gia phong, gia lễ, gia đạo. Các thành viên trong gia đình cố kết giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ. Cái hồn cốt của văn hóa đạo đức trong gia đình truyền thống là đạo Hiếu. Đó là giá trị văn hóa đạo đức rất căn bản của văn hóa gia đình mà chúng ta cần kế thừa và phát huy trong xã hội hiện đại.

Hiếu là cội nguồn của đạo lý, là cơ sở vững chắc của gia đình.Trong gia đình Việt Nam truyền thống, chữ Hiếu được tôn trọng, đề cao và mang giá trị  nhân bản sâu sắc. Hiếu là ý thức biết ơn của con cái đối với công lao sinh thành dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Trong các danh gia vọng tộc thường có gia huấn để dạy bảo con cháu về đạo đức nói chung và đạo Hiếu nói riêng.

Trong “Gia huấn ca” (1), Nguyễn Trãi cho rằng, đạo Hiếu là giá trị hàng đầu của con người. Người con có Hiếu phải kính trọng cha mẹ, đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ:

"Nghĩa cha sinh cùng công mẹ dưỡng

Thời đêm ngày tư tưởng chớ khuây

Hai công đức ấy nặng thay

Xem bằng bể rộng, coi tày trời cao”.

Điều thứ hai trong Quốc triều hình luật ghi rõ: "Bất Hiếu là một trong thập ác. Tội bất Hiếu bị xử phạt rất nặng: phạt roi, phạt tiền".

Theo quan niệm của Nho giáo, trong các quan hệ xã hội thì quan hệ vua tôi được xem là quan trọng nhất và đặc trưng cho mối quan hệ đó là chữ Trung. Nhưng người Việt Nam  đặt chữ Trung ngang hàng với chữ Hiếu. “Quân thần hai chữ trên đầu, Hiếu trung hai chữ giãi dầu lòng son”. Điều đó cho thấy nhân dân ta rất đề cao vai trò của chữ Hiếu và đặt lên hàng đầu trong những phẩm giá của con người. Phải có Hiếu mới có Trung, giữ vững đạo Hiếu trong gia đình có nghĩa là bảo vệ vững chắc chữ Trung với đất nước.

“Có cha mẹ mới có thân ta

Mới hay đọa chẳng ở xa

Có nên Hiếu tử mới ra trung thần”.

Trong “Sơ lược luân lý” của Trần Trọng Kim có nói rõ về đạo Hiếu: “Hiếu là gồm tất cả các cách của người con phải cư xử với cha mẹ cho phải đạo. Những cách ấy thì nhiều nhưng tóm lại chỉ cốt yêu mến, tôn kính, biết ơn, nghe lời và giúp đỡ cha mẹ”.

Đạo Hiếu trong gia đình truyền thống được xếp thành 3 bậc Hiếu hay còn gọi là Hiếu đại tam.

(1). Tiểu Hiếu là nuôi được cha mẹ lúc tuổi già

Người con hiếu thảo là nuôi dưỡng được cha mẹ lúc tuổi già hết mực chu đáo. Con cái tùy điều kiện, hoàn cảnh mà quan tâm chăm sóc tới bố mẹ già. Nếu nghèo khó thì:

“Đói lòng ăn bát cháo môn.

Để cơm dâng mẹ mẹ già yếu răng”.

 Nếu con giàu có thì:

 “Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”.

Phụng dưỡng bố mẹ già cốt ở lòng thành kính chứ không câu nệ về của ngon vật lạ. Con cái nuôi bố mẹ già mà không tự giác, không vui, đùn đẩy lẫn nhau, “mặt nặng mày nhẹ” thì bố mẹ cũng buồn đau trong lòng. Tiểu Hiếu tưởng là dễ thực hiện song thực hiện được cũng là rất khó, phải để tâm sức nhiều lắm mới làm được.

(2). Trung Hiếu là không làm điều gì khiến cha mẹ phiền lòng, lo lắng, xấu hổ. Con cái nuôi dưỡng cha mẹ nhưng không làm cho cha mẹ buồn phiền, lo lắng hoặc mang tiếng xấu với xã hội thì được xếp vào hàng trung hiếu. Nếu con cái không nghe lời cha mẹ chịu khó làm mà ăn chơi, đua đòi:

“Mẹ già hết gạo treo niêu/ Mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai”, để cho: “Mẹ sớm chiều ngược xuôi vất vả/ Con đãi ngày đám dưới đám trên”, thì mắc tội bất hiếu. Hơn nữa, nếu con cái xúc phạm cha mẹ như cãi lại, chửi mắng, ngược đãi thì càng làm cha mẹ buồn tủi, khổ đau. Người xưa có câu: “Một mẹ nuôi được mười con mà mười con không nuôi được một mẹ”, hiện tượng ấy không phải là ít trong xã hội phong kiến trước đây. Con cái trong gia đình nào như thế thì bị dư luận chê cười, lên án. Việc “con dại” dẫn đến “cái mang” là điều không ai muốn song nhiều khi không tránh được. Bố mẹ cũng rất buồn khi phải chứng kiến cảnh anh em trong nhà bất hòa, tranh cãi nhau:

“Ở trên ở chẳng xứng ngôi

Để cho ở dưới chúng tôi hỗn hào”.

Đồng thời anh em trong nhà phải hòa thuận, anh em trong nhà được ví như chân với tay, là máu mủ ruột rà. Con cái biết yêu thương đùm bọc, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, “rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần” là niềm hạnh phúc lớn nhất và cũng là niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ với hàng xóm, láng giềng. Nỗi đau lớn nhất của cha mẹ là phải chứng kiến cảnh anh chị em trong nhà bất hòa, gây gổ tranh giành, đánh cãi nhau. Vì vậy, anh em hòa thuận là điều cha mẹ luôn mong mỏi.

Con cái thảo hiền, ngoan ngoãn, trong nhà anh em trên bảo dưới nghe, đoàn kết yêu thương nhau là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Con ngoan là cha mẹ vui, cha mẹ già sống thêm được cũng là vì đó. Ngược lại, con hư làm cha mẹ buồn nhất. Những người con hư được xem là bất Hiếu, bị dư luận chê cười.

(3). Đại Hiếu là mang lại niềm vui, niềm tự hào, vinh danh cho cha mẹ. Làm cho cha mẹ luôn đẹp lòng, vinh hiển với xóm làng, xã hội là cách thể hiện lòng Hiếu thảo thiết thực nhất và có giá trị nhất. Đây là biểu hiện cao nhất của đạo Hiếu, là nội dung bao quát nhất của lòng Hiếu thảo, sự thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ từ lúc còn thơ trẻ đến khi về già.

Lòng tôn kính đối với cha mẹ là điều không thể thiếu ở con cái. Điều này được thể hiện trước hết ở việc giữ gìn phép tắc của gia đình” kính trên, nhường dưới”. Con cái phải biết cách phụng dưỡng cha mẹ. Trong giao tiếp  thì kính cẩn, nhẹ nhàng, lễ phép, chu đáo. Nếu cha mẹ có gì sai trái không được tỏ thái độ thiếu tôn kính, mà phải lựa dịp thuận lợi mà giãi bày, “cha mẹ nói sai ngày mai thưa lại”. Lòng tôn kính còn thể hiện ở chỗ, con cái luôn mong muốn điều tốt đẹp cho cha mẹ. Phan Bội Châu đã dạy “những điều gì tốt, trông cha mẹ nên; những tiếng hư hèn, trông cha mẹ khỏi”. Ngoài ra cách thể hiện lòng tôn kính còn ở chỗ con cái phải vâng lời cha mẹ, không sa vào tệ nạn hư hỏng, làm ảnh hưởng đến tương lai, gây nhiều tiếng xấu cho cha mẹ.

Là người con có Hiếu phải biết can ngăn khi cha mẹ làm điều sai trái, bởi người con có Hiếu phải có bổn phận giúp cha mẹ tránh sai trái. Trong sử sách còn ghi chuyện Trần Quốc Tuấn không thực hiện lời dặn của cha là Trần Liễu, vì điều đó ngược lại với đức trung, bất lợi cho nước nên không thể coi đó là bất hiếu. Nguyễn Trãi không theo cha sang Trung Quốc để chăm sóc cha, mà trở về Đông Quan nghĩ mưu đuổi giặc, đó là vì nghĩa lớn biết hy sinh cái tiểu Hiếu để thực hiện cái đại Hiếu.

Người xưa xem Hiếu là của báu, có cha mẹ sống để báo Hiếu là niềm hạnh phúc lớn lao. Vì vậy, cha mẹ ngoài niềm vui được con cái biết vâng lời, còn có niềm vui được con cái sống cùng cha mẹ để sớm hôm phụng dưỡng và đỡ đần những khó khăn vất vả, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu cha mẹ. Điều khiến cha mẹ đẹp lòng và tự hào nhất là khi con cái biết tìm cách lập thân hoặc tạo dựng nên sự nghiệp mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội, làm cha mẹ được vẻ vang. Vì vậy, học hành chăm chỉ để đỗ đạt là biểu hiện cao nhất của đạo Hiếu. Đó là kết quả của sự vâng lời, lòng kính yêu cha mẹ, là biểu hiện cụ thể của lòng biết ơn. Người con có Hiếu thường ngày đêm “dùi mài kinh sử” mong có ngày “cá chép hóa rồng”:

“Mai ngày treo biển đề tên

Khoa khôi lại gặp được thì thánh minh

Lộc giời tước nước hiền vinh

Báo đền đôi đức dưỡng sinh bất chầy”.

Xã hội hiện nay đang có những biến đổi hết sức sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa, do đó kéo theo nhiều biến đổi về gia đình và đạo đức gia đình. Hình thức gia đình truyền thống “tam, tứ đại đồng đường” có xu hướng thu hẹp lại nhường chỗ cho gia đình hạt nhân. Gia đình hạt nhân thường tập trung nhiều ở các khu đô thị, khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu và nhịp sống của xã hội hiện đại. Hầu như các gia đình trí thức, viên chức nhà nước, công nhân công nghiệp, bộ đội, công an… đều là gia đình hạt nhân. Tuy nhiên các gia đình hạt nhân vẫn có những nét đặc trưng của gia đình truyền thống. Các thành viên trong gia đình vẫn nhận được sự quan tâm chăm sóc của đại gia đình. Dù ở riêng hay ở xa, các thành viên trong gia đình hạt nhân vẫn hướng về gia đình truyền thống ở quê hương. Những ngày lễ tết, ngày hội làng, ngày nghỉ, họ thường về quê thăm ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, hương khói phụng thờ tổ tiên, báo công với quê cha đất tổ. Nhưng do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan trong xã hội hiện đại, đạo Hiếu trong gia đình truyền thống hay gia đình hạt nhân hiện nay có những biểu hiện lệch lạc đáng báo động. Một số không ít trong giới trẻ có lối sống tự do buông thả, ích kỷ, ít quan tâm tới người khác kể cả những người thân trong gia đình. Hiện tượng con cái bỏ mặc không quan tâm tới cha mẹ lúc già cả, đùn đẩy trách nhiệm không chăm sóc lúc ốm đau, thậm chí cãi lại, chửi bới, hành hạ cha mẹ khá phổ biến.

Nguyên nhân con cái không có ý thức thực hiện đạo Hiếu có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan là do giáo dục đạo đức trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình các bậc cha mẹ chưa thật chú trọng giáo dục đạo Hiếu cho con. Có hiện tượng cha mẹ thiếu gương mẫu, không dành nhiều thời gian cho con cái, dung túng hành vi tham lam ích kỷ, ngang ngược của con cái. Khi con cái có biểu hiện chưa tốt thì ít khuyên nhủ, nặng về trách mắng. Nhiều con trẻ không nhận được sự dạy bảo quan tâm chăm sóc thường xuyên của cha mẹ nên bỏ học, chơi bời lêu lổng. Sự buông lỏng giáo dục đạo đức gia đình của các bậc cha mẹ dẫn đến sự bất ổn trong cuộc sống gia đình.

Giáo dục đạo đức nói chung và đạo Hiếu nói riêng trong nhà trường cũng không được coi trọng. Nhà trường hiện nay nặng về truyền dạy kiến thức văn hóa, mà chưa chú ý nhiều đến luân lý đạo đức. Tình trạng xuống cấp đạo đức trong học sinh có chiều hướng gia tăng đến mức báo động. Nhiều học sinh chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ mà không quan tâm tới người khác, thái độ dửng dưng đến vô cảm trước những người xung quanh trong đó có ông bà, cha mẹ không phải là ít. Một bộ phận học sinh, sinh viên quen lối sống buông thả, xa dần các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; hình thành tư tưởng cá nhân ích kỷ, thói ăn chơi đua đòi và sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, nghiện hút, trộm cướp, thậm chí giết người khiến các bậc cha mẹ đau lòng, cả xã hội nhức nhối.

Tình hình đó khiến các bậc cha mẹ, các nhà quản lý giáo dục và cả xã hội không thể làm ngơ. Vấn đề đặt ra là cần phải làm thế nào để giảm bớt và đi tới chấm dứt các hiện tượng suy thoái đạo đức lối sống trong xã hội hiện nay. Đã đến lúc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức gia đình trong đó có giáo dục đạo Hiếu cho lớp trẻ.

Đạo Hiếu hình thành từ trong gia đình, chính vì vậy trước hết phải đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, đạo Hiếu trong gia đình. Giáo dục đạo Hiếu phải từ lúc còn thơ thông qua lời ru của bà, của mẹ, giống như trước đây các bậc tiền nhân đã từng làm. Con trẻ nằm trên nôi, hay trên tay bà, tay mẹ được nghe lời du ngọt ngào:

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".

Hay:

"Con ơi muốn nên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha".

Những lời ru ấy dần dần thấm sâu trong tâm hồn trẻ thơ, nuôi dưỡng tình cảm hiếu kính đầu tiên.

Để làm tròn đạo Hiếu – đạo làm con, cũng cần phải nhắc con trẻ ghi nhớ công lao nhọc nhằn của cha, của mẹ:

"Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta

Nên người con phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa".

Khi con trẻ tập nói, cha mẹ cần phải dạy con trẻ câu chào với hành vi cúi đầu lễ phép. Câu chào lễ phép là hành vi sơ khởi của đạo Hiếu.

Để dạy con cái có lòng hiếu thảo thì chính các bậc cha mẹ cũng phải là những tấm gương hiếu thảo với ông bà. Cha mẹ dù công việc bận cũng nên bố trí thời gian thích hợp để con cái có dịp về thăm ông bà ở quê, có dịp nghe ông bà kể chuyện cổ tích, chuyện về những tấm gương trung hiếu, hiểu được truyền thống của dòng họ, quê hương.

Việc thông qua nghi lễ thờ phụng tổ tiên để giáo dục lòng biết ơn tiên tổ cho thế hệ trẻ cũng rất cần thiết. Ngày giỗ tết là dịp nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những hoành phi, câu đối trong các gia đình, dòng họ chuyển tải nội dung giáo dục đạo Hiếu sâu sắc thì nên gìn giữ bảo tồn và truyền giảng cho các lớp con cháu. Có nhiều hoành phi, câu đối hay như:

“Hiếu nghĩa truyền gia”, “Văn hiến truyền gia”, “Ẩm hà tư nguyên”, “Đức lưu quang”, “Tổ tông công đức thiên niên thịnh; Tử hiếu, tôn hiền vạn đại vinh”... cần phải được bảo tồn gìn giữ.

Trong mỗi dòng họ thường có gia phả. Gia phả được coi là gia bảo của dòng họ, trong đó chứa đựng nhiều giá trị cao đẹp của đạo đức gia đình. Gia phả giúp cháu con tìm về nguồn cội, củng cố gia tộc, giáo dục đạo đức, củng cố gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước. Nhờ gia phả mà con cháu hiểu được:

"Người đời gốc ở đâu ra

Bẩm sinh khí mạch gốc là tổ tiên".

Hoặc:

"Hiếu là thờ phụng tổ tiên

Nghĩa là ghi nhớ không quên gốc nguồn".

 Con cháu biết ý nghĩa của gia phả sẽ có ý thức tiếp nối truyền thống gia đình, dòng họ. Việc xây sửa lại từ đường, nhà thờ họ, viết lại gia phả đều có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục đạo Hiếu cho con cháu.

Để giáo dục đạo Hiếu trong gia đình hiện nay cho thế hệ trẻ thì không chỉ dừng lại việc giáo dục trong gia đình mà cần phải mở rộng quy mô giáo dục tới nhà trường, các tổ chức xã hội và nhà nước.

Giáo dục đạo hiếu trong nhà trường nhằm hướng tới việc giáo dục những công dân tương lai vừa có tài, vừa có đức đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để giáo dục đạo Hiếu trong nhà trường cần có nhiều biện pháp phong phú, sinh động.  Ở bậc tiểu học cần lồng ghép các bài giảng có nội dung giáo dục luân lý đạo đức như kính trọng ông bà, cha mẹ, thương yêu giúp đỡ người khác, thật thà, dũng cảm, yêu lao động, ham học, lễ phép với thầy cô giáo… Cùng đó, nên có những câu chuyện về tấm gương hiếu thảo đưa vào chương trình môn đạo đức. Môn âm nhạc cũng có thể lựa chọn những bài hát có nội dung về lòng biết ơn đối với những người có công sinh thành, dưỡng dục như cha mẹ, ông bà, có công với đất nước, với cách mạng như các anh hùng liệt sỹ để nuôi dưỡng tình cảm hiếu kính ở các em. Ở bậc trung học phổ thông cần dạy tốt, học tốt môn Giáo dục công dân. Cần phải đổi mới nội dung môn học, bớt những vấn đề mang tính lý thuyết, học thuật sao cho phù hợp với đối tượng, dễ hiểu, dễ vận dụng. Nên chú trọng lồng ghép nội dung các môn học để có thể giáo dục lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, lối sống dản dị, lành mạnh, có kỷ luật, có thái độ trân trọng giá trị lao động, yêu thương giúp đỡ mọi người. Hình thức dạy môn này cũng phải phong phú, linh hoạt, nên bớt phần lên lớp mà tăng phần sinh hoạt ngoại khóa, gắn với các hoạt động của gia đình, xã hội. Các thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương về lòng hiếu thảo cho học sinh noi theo…

Không chỉ dừng ở gia đình và nhà trường, giáo dục đạo Hiếu cho thế hệ trẻ hôm nay còn cần phải mở rộng ra các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, và đặc biệt là tổ chức chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Thông qua các chính sách xã hội cụ thể, các hoạt động của mình các tổ chức chính quyền, đoàn thể, hướng dẫn, động viên, giáo dục các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Thanh niên tình nguyện"… quan tâm chăm sóc những thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với dân tộc, với cách mạng, những người già yếu, neo đơn. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng, người cao tuổi. Đó là những đối tượng có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan tâm chăm sóc người có công không những là tình cảm biết ơn mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, đoàn thể xã hội hôm nay."Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" vốn là đạo lý, là lẽ sống của dân tộc ta cần phải được tiếp nối thường xuyên không lúc nào xao nhãng.

Sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường với xã hội trong giáo dục đạo Hiếu cho thế hệ trẻ hôm nay phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, có kiểm tra đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm. Các biện pháp giáo dục đạo Hiếu cũng phải phong phú, đa dạng, phù hợp với các đối tượng, có hiệu quả đối với thế hệ trẻ chính là thiết thực góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đạo đức gia đình truyền thống trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của đất nước ta hiện nay./.

 

PGS.TS Trần Đăng Sinh

--------------

(1) Nguyễn Trãi: Gia huấn ca (Thi Nham Đinh Gia Thuyết đính chính và chú thích), sách giáo khoa Tân Việt, 1952, tr.35.


Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất