Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 21/12/2012 20:51'(GMT+7)

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Sáng 21/12, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hội ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo 'Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Từ tháng 2-1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề cập đến công tác giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Những nội dung chính trong ý kiến của Thủ tướng về công tác này là phải nhận rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt “phải dùng tiếng nói của dân tộc, lời nói, cách nói thông thường nhất, mộc mạc nhất, không chỉ có lợi ích lớn nhất là dễ hiểu mà còn có thể gây cảm xúc mạnh ở người nghe, người đọc.  Rèn luyện ngôn ngữ không tốt, chúng ta sẽ chịu những điều không tốt đối với sự phát triển của tư duy khoa học, sự phát triển của chính bản thân, nền khoa học nước ta. Cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vì tiếng Việt rất giàu và đẹp, gắn với xã hội ngàn đời này của dân tộc ta và là công cụ giao tiếp vô cùng quan trọng giúp chúng ta thực hiện các cuộc cách mạng ở Việt Nam và do chúng ta sử dụng tiếng Việt còn chưa tốt”.

Đứng trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, dư luận xã hội và nhiều người lo lắng, lên tiếng cảnh bảo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả, làm “vẩn đục” tiếng Việt. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, tiếng Việt đang bị làm hỏng, “sự xuống cấp trầm trọng của tiếng Việt” và “chúng ta phải có thái độ kiên quyết và rõ ràng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải hành động trước khi quá muộn”.

PGS.TS Bùi Hiền đã dẫn chứng ra rất nhiều những ngôn ngữ “lai căng” đang được sử dụng trên các trang điện tử hiện nay và khẳng định tiếng Việt hiện đâng có sự lai căng, nhí nhố, đánh mất đi trí tuệ, linh hồn và tâm hồn dân tộc Việt. Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có hơn. Nhưng mặt khác, tiếng Việt phải đối đầu với nguy cơ hòa tan mất bản sắc. Rất nhiều người, nhất là thanh thiếu niên, học sinh đã hăm hở chạy theo sự pha tạp ngôn ngữ như mốt thời thượng. Cần phải có những đối sách kịp thời và phù hợp để vừa phát triển và bảo vệ tiếng Việt. PGS.TS Bùi Hiền cũng nhấn mạnh với tư cách là ngôn ngữ chính thức của quốc gia, tiếng Việt vẫn không có được một bộ quy chuẩn nào được công nhận cấp nhà nước. Ông khẳng định tiếng Việt là trí tuệ, tâm hồn của dân tộc Việt, là công cụ sắc bén nhất để chiến đấu, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc, vận mệnh của cả dân tộc và đề nghị đưa luật ngôn ngữ vào kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội để giúp tiếng Việt hoàn thành sứ mệnh lịch sử vốn có.

ThS Đào Tiến Thi, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra ý kiến về ý định đưa các ký tự f,j,w,z vào bảng chữ cái tiếng Việt, theo hai hướng đưa thêm vào, hoặc thay thế một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt. Nếu đưa thêm các ký tự trên vào bảng chữ cái thì sẽ “không có chỗ”, hoặc cố tạo chỗ thì sẽ tạo ra sự chồng chéo đối với các ký tự đã có, dẫn đến rối loạn về chính tả. Nếu thay thế các chữ cái đó vào bảng chữ cái thì đó sẽ là cuộc cải cách chữ viết của dân tộc. ThS Đào Tiến Thi cũng nói rằng đối với tiếng Việt hiện nay, có nhiều vấn đề thiết thực cần được quann tâm như chuẩn hóa chính tả (I ngắn hay y dài), chuẩn hóa viết hoa (viết hoa danh hiệu, chức tước, tên cơ quan, tổ chức), cách viết tên riêng và thuật ngữ nước ngoài.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư, một tiếng Việt trong sáng phải là cơ bản và thuần nhất, có cách nói, cách dùng từ chuẩn với đại đa số, mang tư duy dân tộc. Nhìn cả quá trình lịch sử, tiếng Việt hôm nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo: giàu hơn và đa năng hơn trong việc thể hiện công cụ giao tiếp ở mọi lĩnh vực. Tiếng Việt chưa đến nỗi phải rung chuông báo động về sự mất trong sáng trầm trọng nhưng rõ ràng tiếng Việt có nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là, trong quá trình điều chỉnh và thu nhận, tiếng Việt đã có những điều chỉnh sai lệch, những cách nói thừa (đường quốc lộ, lộ nghĩa là đường), vay mượn thêm từ ngôn ngữ khác một cách tràn lan, nên phiên âm hay chuyển tự, để nguyên dạng tiếng nước ngoài… để tiếng Việt  không có nguy cơ bị bẩn đục, để đúng như lời của W.Humboldt  “ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”.

TS. Dương Kỳ Đức, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam bàn luận về hiện tượng chêm xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Ông khẳng định cần phải chấp nhận hiện tượng chêm xen từ ngữ ngoại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, cho biển hiệu, thông tin quảng cáo. Khuyến khích sự song ngữ của biển hiệu, tiêu đề theo cách tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau (khuyến cáo thực hiện quy định của nhà nước về sự song ngữ). Có quy định chặt chẽ, cụ thể cho các phương tiện thông tin đại chúng, văn bản của các cơ quan nhà nước, trong sách giáo khoa. Chỉ chêm, xen từ ngữ ngoại khi tiếng Việt thực sự không có cách diễn đạt tương ứng; với các cơ quan xuất bản, biên tập có biện pháp kỷ luật đối với những sai phạm có tính hệ thống.

Rõ ràng, tiếng Việt và các vấn đề về ngôn ngữ, chữ viết không thể chỉ giải quyết bằng các giải pháp chuyên môn mà rất cần đến những giải pháp về chính sách của Nhà nước. Tuy không nóng như các vấn đề kinh tế hay an ninh - quốc phòng nhưng những chính sách ngôn ngữ như phát triển tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và trật tự an ninh. Bên cạnh đó, sự thống nhất về chính tả còn thể hiện trình độ văn minh của đất nước và năng lực quản lý xã hội của cơ quan nhà nước.

Về các giải pháp chính để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng đề cập đó là:

- Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học, cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử.

- Tăng cường công tác biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là ngữ pháp và từ điển.

- Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về chuẩn hóa, về phát triển ngôn ngữ.

- Tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ 1975 đến nay.

Và để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh những giải pháp nêu trên, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Đó là:

- Chính phủ cần sớm ban hành quyết định chính thức về bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng dân tộc đã có chữ viết, về một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất.

- Để thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, Chính phủ cần giao cho một cơ quan cấp bộ phụ trách vấn đề ngôn ngữ và chữ viết.

- Để tạo cơ sở lâu dài cho công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc, Quốc hội cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ và chữ viết, có thể là Pháp lệnh hoặc Luật ngôn ngữ.

Tiếng Việt đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, một tiếng Việt chuẩn mực, hiện đại, đáp ứng được vai trò của ngôn ngữ quốc gia, vừa giữ được bản sắc của tiếng Việt, bản sắc văn hoá Việt Nam, vừa có thể tiếp nhận được yếu tố của ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài  đang là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hiện nay.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất