Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 28/12/2012 22:35'(GMT+7)

Quận Cầu Giấy: 15 năm góp phần xây dựng văn hóa thủ đô

Đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Internet)

Đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Internet)

Cầu Giấy là một quận ven đô của Hà Nội, thành lập từ năm 1997 trên cơ sở tách ra từ 4 thị trấn và 3 xã của huyện Từ Liêm. Từ một huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trong những năm gần đây, Cầu Giấy đã trở thành một quận nội đô với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự phát triển không ngừng trên các mặt kinh tế- văn hóa chính trị, xã hội đã đem đến một diện mạo mới cho đời sống tinh thần cũng như vật chất của nhân dân trong quận. Khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được triển khai cũng là lúc quận Cầu Giấy mới được thành lập với những khó khăn ban đầu khi nếp sinh hoạt của người dân địa phương vần còn mang đậm tính làng xã, các phong tục tập quán cũ vốn đã ăn sâu vào trong đời sống của mỗi người. Quá trình đô thị hóa nhanh với tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mật độ dân cư tăng, trình độ dân trí không đồng đều, tệ nạn xã hội có chiều hướng phức tạp… là những nguyên nhân khách quan làm mai một các giá trị văn hóa trong gia đình, trong cộng đồng dân cư.

Tuy mới được thành lập, còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Thường vụ Quận ủy đã nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết cũng như vai trò, vị trí của hoạt động văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên chủ động ban hành nhiều chương trình, hành động cụ thể: Chương trình 03-CT/QU của Quận ủy về việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được triển khai, quán triệt trên 100% các đơn vị và trên 92%; đảng viên ; Chương trình số 15-Ctr/QU (khóa II) về “Phát triển sự nghiệp văn hóa Giáo dục – đào tạo quận Cầu Giấy giai đoạn 2002- 2005”; Chương trình số 07-Ctr/QU (khóa III) về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thiết thực kỉ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”; Chương trình số 09-Ctr/QU (khóa IV) về “Phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh quận Cầu Giấy giai đoạn 2011- 2015”… gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Cùng với công tác chỉ đạo, Ban Thường vụ quận ủy cũng đã tổ chức sơ kết, tổng kết nội dung nghị quyết và các các văn bản quan trọng như: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Chỉ thị số 36-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chính sách dân số, KHHGĐ và xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH Thủ đô và đất nước”; Chị thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”…từ đó nhìn nhận, đánh giá đúng những ưu điểm, kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Trước hết cấp ủy, chính quyền coi việc xây dựng con người mới với những phẩm chất, đạo đức, lối sống mới là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục. Quận đã chỉ đạo, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị, cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quận. Triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp với đặc trưng của ngành, đơn vị như: ngành công an với phong trào “Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, công nhân viên chức với phong trào “Lao động giỏi, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, ngành Giáo dục với phong trào thi đua “Hai tốt”, ngành y tế với phong trào “Phục vụ nhân dân với 12 điều y đức”…Qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các mô hình văn hóa đã góp phần xây dựng con người mới trong thời kỳ CNH-HĐH với tri thức, năng động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái, có ý thức chấp hành pháp luật, đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Quận.

Xác định xây dựng môi trường văn hóa là điều kiện quan trọng để nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, nên Quận ủy, UBND quận tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân như phong trào “Người tốt việc tốt”, “Uống nước nhớ nguồn”, “ Thanh niên tình nguyện”, “Văn minh công sở”, “ông, bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đạt kết quả đáng ghi nhận như: Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (năm 2002 có 57% tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, năm 2012 là 75%); Phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” của Hội LHPN đã được đông đảo cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện kết quả năm sau cao hơn năm trước (năm 1998 đạt 88%, năm 2012 đạt 98,8%)…

Cũng trong 15 năm qua, Đảng uỷ, chính quyền quận đã làm tốt công tác đầu tư xây dựng, cải tạo các thiết chế văn hóa trên địa bàn như: nhà văn hóa, các điểm vui chơi tại các khu dân cư để phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của các tầng lớp nhân dân trong quận. Hàng năm, quận và các đơn vị đã đầu tư hàng tỉ đồng cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động được hàng chục tỷ đồng của các cá nhân, đơn vị trên địa bàn cho sự phát triển đời sống văn hóa của nhân dân. Từ khi mới thành lập, toàn quận chỉ có 01 nhà văn hóa, 01 Trung tâm TDTT cấp quận, 28 nhà họp tổ dân phố và công viên Nghĩa Đô. Đến nay, toàn quận có thêm 01 thư viện, 01 nhà truyền thống có diện tích trên 600 m2 với trên 1000 ảnh, hiện vật được trưng bày, 08 nhà văn hóa phường, 129 nhà văn hóa- nhà họp tổ dân phố, 104 sân chơi, 07 bể bơi 14 sân tenis, 02 sân vận động tại phường Nghĩa Tân, phường Yên Hòa và công viên Cầu Giấy…Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được phát huy, trong 15 năm qua, ngân sách cấp cho tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn được cấp là 50 tỷ đồng, huy động kinh phí xã hội hóa trên 140 tỷ đồng, điển hình như các di tích đình Đa Phú, chùa Trung Kính Hạ, chùa Quan Hoa…

Nhận thức vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động văn hóa văn nghệ luôn được quan tâm, triển khai sâu rộng dưới nhiều hình thức phong phú như: hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, sinh hoạt câu lạc bộ, phát huy tâm huyết sáng tác của các nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ trên địa bàn với các tác phẩm ca ngợi Quận Cầu Giấy… với 36 bài hát, 03 đĩa CD, phát hành trên 3.000 bản, xuất bản hàng chục tập thơ với số lượng 15.000 cuốn. Hiện toàn quận có 30 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật. Trong những năm qua, tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật của thành phố quận đã đạt được nhiều thành tích đáng kích lệ với 450 giải A1, 50 giải A2 và nhiều giải cá nhân xuất sắc…

UBND quận Cầu Giấy cũng đã chỉ đạo phòng VHTT phối hợp cùng các ngành chức năng, UBND các phường làm tốt công tác quản lý, kiểm tra hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh. Quận đã xây dựng đề án, quy hoạch điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn từ năm 2012-2015; tổ chức cho 100% hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Tăng cường tổ chức kiểm tra, đặc biệt trên lĩnh vực xuất bản, in ấn, băng đĩa hình, đĩa nhạc, internet, quảng cáo thương mại, xử phạt hành chính trên 700 trường hợp, thu trên 2,5 tỷ đồng…

Sự nghiệp giáo dục- đào tạo được mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất và quy hoạch mạng lưới trường học , nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phát triển đa dạng các loại hình trường, lớp. Hàng năm, quận đã giành hơn 30% ngân sách đầu tư cho giáo dục đào tạo, 100% số trường học trên địa bàn quận đã được kiên cố và hiện đại hóa, toàn quận có 28 trường đạt chuẩn quốc gia, 8/15 năm ngành giáo dục- đào tạo quận được nhận cờ thi đua xuất sắc của thành phố.

Để phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý của cán bộ nhân dân trên địa bàn, Ban Thường vụ Quận ủy đã xây dựng những chương trình, kế hoạch cụ thể giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo, Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận và các ban ngành chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của ngành văn hóa thông tin thường xuyên được củng cố, đảm bảo số lượng và chất lượng. Hàng năm, cán bộ văn hóa từ quận đến cơ sở đầu được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, quận ủy đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, MTTQ, các đoàn thể tổ chức nói chuyện thời sự, hội nghị chuyên đề gắn với nội dung “Đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch” giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chủ động phòng ngừa chống sự xâm nhập, phá hoại của các thế lực hòng chống phá Đảng và Nhà nước.

Từ những kết quả đã đạt được khi triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được đảng bộ quận Cầu Giấy thực hiện nghiêm túc từ quận đến cơ sở đã tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở địa phương. Qua thực hiện Nghị quyết, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia. Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Nghị quyết được tiến hành thường xuyên với các hình thức phong phú, phù hợp hướng về cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu đông đảo các tầng lớp nhân dân. Những nhiệm vụ và giải pháp lớn của Nghị quyết đã được các cấp ủy cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ đã thực sự trở thành động lực và tạo đà phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn quận. Nhờ đó, đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên, bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp phát triển đất nước./.

Đinh Lan Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất