Trải qua một thời kỳ dài của lịch sử, trong cuộc đấu tranh kiên cường và bất khuất, nhân dân Việt Nam ta đã để lại cho hậu thế một di sản vô cùng quý giá vật thể và phi vật thể. Đó là những tài sản quý báu cả về vật chất và tinh thần, suy cho cùng là những sản phẩm kết tinh của trí tuệ tài năng mà con người Việt tạo ra từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập một vấn đề nghệ thuật điêu khắc trong kiến trúc cổ như nhà ở, đền, đình chùa, cung đình, lăng tẩm, miếu mạo,... là những giá trị nhân văn sâu sắc không thể thiếu được của con người và bản thân nó vừa có ý nghĩa cuộc sống vật chất, vừa có ý nghĩa về tâm linh, tư duy hướng thiện của con người. Vì vậy, nội hàm của kiến trúc ấy bao giờ cũng xuất hiện những kiểu dáng tượng hình văn hóa Việt cổ, cấu tạo, bố cục của nghệ thuật Á đông chứa đựng trong đó rất phong phú, đa dạng và hoàn hảo mang thuộc tính kiến trúc truyền thống, có mái cong mềm mại như cây lúa nước.
Do có nhiều biến cố của thời gian, xung đột của chiến tranh thời phong kiến và đã kinh qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thực dân Pháp, Mỹ và do hà khắc của thiên nhiên, vô thức của con người, trong nhiều thế kỷ qua những di sản kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá, gốm, đồng và gỗ đã bị hủy hoại, hư hỏng khá nhiều, gây tổn thất lớn cho văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nhiều đền chùa, đình, miếu mạo, lăng tẩm bị tàn phá hư hỏng nặng nề kéo theo đó là điêu khắc trong kiến trúc cũng bị mai một, sứt vỡ,... Những báu vật như mỹ nghệ đồ đồng, chạm trổ kỳ công, cấu trúc tạo hình đẹp, đồ gốm đất nung cho cung điện rất tinh xảo, nhiều pho tượng đá, gỗ, sơn son thếp vàng,... cũng bị ngoại bang phương Bắc, phương Tây lấy cắp về nước họ,...
Kiến trúc cổ Việt, trải dài từ Bắc đến Nam, trong đó, nghệ thuật tạo hình chạm trổ, đã để lại cho dân tộc ta một kho tàng hiện vật nghệ thuật khá phong phú và đa dạng.
Những con giống, hoa, trái, phượng rồng, mây nước được cấu trúc trong các cấu kiện như đầu đao, kèo, xà, cửa võng đình chùa, cung điện đều biểu hiện rõ nét về các quan điểm quan niệm về triết học khá sâu sắc về thiên nhiên, con người với triết lý phương Đông "thiên, địa, nhân" rất súc tích bằng phương pháp tượng hình. Mỗi một ngôi đình làng, ngôi đền đều có mục đích tôn vinh công đức đối với danh nhân hào kiệt, đối với một ngôi chùa tâm linh hướng thiện của đạo phật đều có những cấu trúc bố cục nội dung hình thức cũng khác nhau. Ở đó, cách biểu hiện, miêu tả nội dung đều gắn liền với quan hệ xã hội ở địa phương, vùng lãnh thổ không có nơi nào giống nơi nào. Những kiến trúc mái cong, thượng nương, nóc nhà của các kiến trúc cổ đều phản ảnh một vấn đề, một nội dung riêng vì thế cách thức bài trí nghệ thuật tạo hình cũng khác nhau.
Tất cả đó đều phản ảnh một nguyên lý chung là tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, mà nghệ thuật tạo hình tín ngưỡng, tâm linh trong kiến trúc cổ đã phản ảnh hết sức sâu sắc ý nghĩa đó của dân tộc Việt.
Thế nhưng đã có một thời do lý do này hay lý do khác mà nhiều địa phương đã phá vỡ, vứt bỏ đi hàng trăm pho tượng gỗ trong các đền, chùa được gọi là "bài phong". Nhiều tượng phật, phù điêu chạm trổ tinh vi dùng cho việc thờ cúng ở đền, đình, chùa bị mất mát vượt qua biên giới ra ngoài làm cổ vật cho ngoại bang sử dụng qua con đường buôn bán đồ cổ, thật đáng tiếc và đáng buồn. Ngày nay được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, những kiến trúc cổ, các tác phẩm điêu khắc, mỹ nghệ đang được bảo tồn đúng hướng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng đã xuất hiện những hạn chế đã và đang đặt ra:
Một là, việc tu bổ, phục dựng di tích kiến trúc cổ đã vô tình hoặc cố ý chỉ để ý đến việc làm cho đẹp, chạm trổ, điêu khắc vẽ vời theo lối mới, gắn kết với cái cũ mà không tôn trọng việc bảo tồn kiến trúc cổ. Mặc dù, Nhà nước đã có luật di sản và đã có hướng dẫn chuyên ngành về triển khai luật di sản của Bộ chủ quản nhưng việc kiểm tra đôn đốc của các ban ngành chính quyền tỉnh, thành nhiều nơi nhiều lúc còn vô cảm, hoặc thiếu hiểu biết nên nhiều tác phẩm nghệ thuật chạm, khắc phục chế những con giống hoa văn, họa tiết sai lệch bản gốc gây dư luận bất bình trong công chúng.
Hai là, vì lợi nhuận mà một số người bất chấp cả luật pháp bằng mọi cách tìm tòi khám phá, khai thác mua bán cổ vật một cách bất hợp pháp đã hủy hoại hàng loạt di sản quý giá nghệ thuật điêu khắc chạm trổ của ông cha đã bao đời sáng tạo để tôn vinh thờ cúng; trang trí ở các kiến trúc cổ nơi tâm linh hướng thiện.
Ba là, do quản lý lỏng lẻo di sản của một số chính quyền địa phương nên tình trạng "cha chung không ai khóc". Nhiều di tích kiến trúc cổ đã được xếp hạng nhưng cơ chế quản lý không rõ ràng, không có người trông coi quản lý di sản thường xuyên dẫn đến mất mát, trộm cắp khá nghiêm trọng. Hiện tượng mất cổ vật quý hiếm ngay trong các bảo tàng đền chùa, lăng tẩm thường xảy ra có những tượng phật, con giống bằng đá, gỗ, đồng cũng bị mất cắp mà không ai biết.
Cũng từ buông lỏng quản lý mà mưa gió, ánh nắng đã làm xuống cấp nhiều tác phẩm điêu khắc bị hư hại, nứt nẻ, biến dạng khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Tuy luật di sản ra đời hơn 10 năm nay nhưng vô tình hay cố ý người ta không làm theo luật, không theo những quy định về lộ trình cho việc tu bổ, tôn tạo, phục chế nghệ thuật cổ mà nhà nước và nhân dân ta đang quan tâm giữ gìn bảo tồn và phát huy tác dụng.
Để khắc phục những tình trạng trên, phải chăng cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước mà cụ thể là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có chủ trương điều tra xã hội học và kiểm kê toàn bộ các kiến trúc cổ trong đó có nghệ thuật điêu khắc đá, gốm, gỗ, đồng, mỹ nghệ, đồ thờ cúng bằng kim loại, trên cơ sở đó Bộ sẽ có những cơ chế chính sách thích hợp để bảo vệ, bảo tồn và phát huy tác dụng.
Để làm được điều đó ngoài quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, cần phải có kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan di sản và Tổng cục du lịch để đưa vấn đề nói trên vào phương án quản lý và quảng bá du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong ngoài nước. Qua đó, tăng nguồn thu phục vụ lại cho công tác bảo tổn, lưu giữ lâu bền giá trị nghệ thuật điêu khắc ở các di sản kiến trúc cổ mà ông cha ta đã sáng tạo ra hàng ngàn năm nay mới có được.
Hoàng Hoa Mai