Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 30/8/2013 21:55'(GMT+7)

Chưa nhiều mảng sáng

Bạn đọc tham quan triển lãm sách, báo liên quan đến Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).

Bạn đọc tham quan triển lãm sách, báo liên quan đến Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).

Số lượng tăng, chất lượng... băn khoăn

Câu nói thời thượng “Cái gì không biết thì tra gu-gồ” giờ đây đã không còn là câu nói đùa với nhiều người. Quả thật, internet đang là một kho tài liệu khổng lồ, muốn tìm hiểu điều gì chỉ cần gõ “từ khóa” là xong.

Tuy nhiên, thông tin trên internet nhiều khi không chính xác vì người đăng tải chúng không bị ràng buộc trách nhiệm như viết một cuốn sách do một nhà xuất bản đứng ra in. Mặt khác, đa phần tài liệu trên mạng đều không phải tài liệu chuyên sâu mà chỉ mang tính chất dẫn nhập, muốn tìm hiểu kỹ thì việc đọc sách vẫn là giải pháp tốt hơn. Thêm vào đó, thư viện là nơi lưu trữ tài liệu xưa cũ, quý hiếm mà trên mạng "bói" cũng không ra.

Nói sơ qua vài lý do kể trên để chứng minh sự tồn tại và phát triển của thư viện công cộng ở nước ta là cần thiết. Càng cần thiết hơn khi trình độ dân trí nước ta còn thấp, việc nâng cao dân trí là điều quan trọng để giúp đất nước phát triển.

Theo báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 3 năm qua, các cơ quan chức năng đã chú trọng phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc sách cơ sở với gần 200 thư viện, phòng đọc sách cấp xã được thành lập; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách thông qua các cuộc triển lãm sách mới... Phát triển số lượng thư viện công cộng là điều cần tiếp tục thực hiện, nhưng vấn đề của thư viện công cộng là làm sao để thu hút người đọc tìm đến nhiều hơn. Vì theo thống kê của Vụ Thư viện thì chỉ có khoảng 10% dân số sử dụng các dịch vụ của thư viện và trung bình một năm mỗi người dân chưa đọc nổi một cuốn sách trong thư viện. Điểm yếu cốt tử của các thư viện cộng cộng ở nước ta, đặc biệt là thư viện ở các xã là sự thụ động trong cách thức hoạt động. Việc đọc sách là một thú vui, nhưng nếu không được kích thích thì thú vui đó cũng "ngủ yên"! Đáng tiếc là các thư viện công cộng mới chỉ làm nhiệm vụ chứa sách chứ chưa chịu tìm cách kích thích văn hóa đọc trong nhân dân.

Hiện thực hóa các giải pháp đổi mới


Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 có hỗ trợ mua sách cho 400 thư viện huyện. Số tiền mua sách chuyển về địa phương thực hiện, giúp cho nhiều địa phương chủ động nhưng một số địa phương chưa đảm bảo vốn đối ứng, phân bổ vốn không đúng hoặc điều chuyển cho các mục tiêu khác. Ngoài việc yêu cầu các địa phương tiếp tục bố trí vốn cho mục tiêu cấp sách vào kho luân chuyển của thư viện tỉnh, phải bố trí vốn để trang bị phương tiện cho công tác luân chuyển, thực hiện tuyên truyền phát huy giá trị sử dụng của sách báo.

Trong bối cảnh đa phần thư viện công cộng vắng người đọc, việc xuất hiện những thư viện tư nhân ở các điểm dân cư và đặc biệt là dự án tủ sách dòng họ, tủ sách tại các trường học đã phát huy hiệu quả, là một gợi ý đổi mới cho hệ thống thư viện công cộng. Thay vì chờ người đọc đến thư viện, các thư viện ở địa phương nên “ấn” sách đến tận tay người đọc. Tất nhiên, công việc nói trên mất thời gian lẫn công sức, cho nên ngoài chi phí mua sách thì Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ những người đi gây dựng phong trào đọc sách.

Mặt khác, ngành thư viện cần nghiên cứu cách phân bổ sách và chủng loại sách một cách hợp lý chứ không nên cào bằng như hiện nay. Với những khu vực mật độ dân cư cao, cần đầu tư chủng loại sách phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc. Ở những vùng dân cư thưa thớt, có thể sử dụng tiện ích của internet tại các điểm thư viện công cộng qua dự án mở rộng “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, đang triển khai ở 40 tỉnh trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện) cũng cho rằng: Một trong những giải pháp giúp thư viện công cộng phục vụ tốt người đọc trong thời gian tới là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện. Ngoài việc liên kết các thư viện để tra cứu danh mục, các cơ quan chức năng sẽ bắt tay với nhau để nghiên cứu, tìm ra giải pháp kỹ thuật đưa các bản sách điện tử được các nhà xuất bản cho phép phổ biến miễn phí trở thành tài nguyên chung. Bất cứ ai là bạn đọc của thư viện cũng có thể truy cập để tải về không mất phí.

Trong tương lai, hệ thống thư viện công cộng vẫn là một thiết chế văn hóa quan trọng, cần được quan tâm hỗ trợ. Nhưng để hệ thống thư viện phát huy hiệu quả thì ngành thư viện cần hiện thực hóa các giải pháp đổi mới; có như vậy mới thu hút được nhiều người đọc, khắc phục tình trạng thư viện chỉ là kho giữ sách./.

Trần Hoàng Hoàng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất