Không phải đợi đến khi dư
luận ồn ào tranh cãi có hay không việc quảng cáo rượu trá hình nhưng khá
lộ liễu trong phim "Lửa Phật", thì chuyện quảng cáo trong phim mới được
đem ra mổ xẻ. Thời gian qua, các màn quảng cáo trắng trợn, thiếu nghệ
thuật, ngày càng xuất hiện nhiều trong phim Việt.
Không tài trợ, miễn làm phim!
Hầu hết các nhà sản xuất (NSX) đều
cho biết, không có tài trợ ai dám làm phim? Thời buổi kinh tế khó khăn,
cái gì cũng tăng giá: cát xê diễn viên, tiền đầu tư cho bối cảnh, đạo
cụ… nhưng tiền nhà đài trả cho một tập phim vẫn giữ nguyên giá từ cách
nay gần 10 năm (180 triệu đồng/tập – nếu đạt yêu cầu của đài về lượng
người theo dõi hoặc quảng cáo; còn nếu không đạt, nhà đài còn trả ít
hơn).
Phim điện ảnh (đề tài hiện đại)
giờ đây ít nhất cũng 5-7 tỷ đồng/ phim. Thế nên, NSX nào cũng cố gắng
tìm tài trợ với mong muốn có thêm kinh phí, giảm gánh nặng cho phim. Có
NSX, đạo diễn sẵn sàng tuyên bố: Nếu không có tài trợ sẽ không làm phim.
Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng cho biết: “Chúng tôi
thường mời các nhãn hàng tham gia tài trợ ngay khi triển khai dự án làm
phim, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc, họ không được can thiệp vào nội
dung phim, không được yêu cầu NSX phải mời diễn viên này, đạo diễn nọ.
Với từng bộ phim, chúng tôi lại có mức thỏa thuận khác nhau. Thường ở
mức từ 5 đến 10 triệu đồng/tập và trả lại cho họ từ 5 đến 15 phút quảng
cáo trong toàn bộ bộ phim (30 tập)”. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ:
“Phim có tài trợ là rất mừng, vì như thế người làm phim đỡ bị áp lực về
kinh phí mà đạo diễn có thêm tiền đầu tư cho những cảnh khó, tăng thêm
tiền cát xê cho các thành phần tham gia làm phim”.
Nói về việc một sản
phẩm mỹ phẩm xuất hiện dày đặc và khá lộ liễu trong bộ phim Váy hồng
tầng 24, đạo diễn Minh Chung cho biết: “Đây là sản phẩm có trong kịch
bản, ngay khi triển khai làm phim. Chúng tôi quyết định chọn một sản
phẩm có thực trên thị trường và nhận được sự giúp đỡ từ nhãn hàng này.
Có thể nói, đây là bộ phim quảng cáo cho nhãn hàng mỹ phẩm này, nhưng là
sản phẩm có trong đường dây câu chuyện”.
Việc các sản phẩm có mặt
nhan nhản trong các phim Việt không là chuyện mới, nhưng vấn đề là những
hình ảnh ấy thường gây phản cảm vì sự thô thiển, lộ liễu; đôi khi còn
là sự vi phạm luật quảng cáo, khi cố tình quảng cáo cho những sản phẩm
cấm quảng cáo, mới là chuyện đáng bàn.
Khó chấp nhận vì phản cảm
Khán giả không khỏi nhăn mặt khi
chứng kiến một cảnh trong phim: Cả gia đình quây quần ăn tối, trên bàn,
ngoài thức ăn là một lọ kẹo cao su to đùng để đúng vị trí “đập” ngay vào
mắt khán giả. Vừa ăn xong, đứa cháu đứng lên mở nắp lọ kẹo, chia đều
cho mọi người trong bàn ăn, từ người già cho đến người trẻ, không quên
kèm theo câu nói: “Ăn xong nhai kẹo singum cho nó thơm miệng”. Một kiểu
quảng cáo quá thô thiển, phản cảm và chắc chắn phản tác dụng. Những kiểu
quảng cáo phản cảm như thế trong phim Việt hiện nay khá nhiều. Khán giả
dễ dàng nhận ra chai nước tương, nước ngọt, dầu ăn, chăn-drap-gối-nệm…
được quảng cáo trắng trợn trong các bộ phim Việt.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho rằng:
“Việc đưa sản phẩm tài trợ vào phim sao cho khéo léo, không phản cảm phụ
thuộc nhiều vào tài năng của đạo diễn và yêu cầu của bên sản phẩm.
Nhiều nhãn hàng đòi hỏi quá quắt, có khi làm ảnh hưởng đến câu chuyện và
nhân vật trong phim. Với những trường hợp này, tôi từ chối thẳng
thừng”.
Bà Bích Liên cũng chia sẻ: “Có nhà tài trợ để đạo diễn
tự do sáng tạo, nhưng cũng có nhà tài trợ đưa ra những đòi hỏi quá đáng,
bất chấp nội dung phim”. Đạo diễn Minh Chung nhìn nhận: “Đưa một sản
phẩm không liên quan đến câu chuyện vào phim đâu có dễ, làm sao cài cắm
để sự xuất hiện của sản phẩm ấy hợp lý là mong muốn của tất cả đạo diễn.
Tuy nhiên đôi khi, chúng tôi vẫn buộc phải đưa vào vì sự sống còn của
NSX”. Thật ra, khi khán giả dị ứng với những màn quảng cáo phản cảm
trong phim, đồng nghĩa với việc sản phẩm đó sẽ “mất điểm” trong mắt
người tiêu dùng.
Khán giả còn chưa hết khó chịu với các màn quảng
cáo thô thiển trong phim Việt thì nay lại thắc mắc với việc có hay
không chuyện quảng cáo rượu trong phim? Nếu đúng như thế thì quảng cáo
trong phim Việt hiện nay không còn là chuyện thô thiển, phản cảm, mà còn
là chuyện quảng cáo vi phạm luật.
Áp lực tìm nguồn kinh phí cho phim
đang là thách thức lớn với tất cả các NSX phim Việt. Có thêm kinh phí,
quảng cáo tinh vi, nghệ thuật trong phim luôn là mong muốn của không chỉ
NSX mà còn là của khán giả. Bên cạnh việc kêu
gọi các NSX, cần có sự nghiêm khắc của các cơ quan quản lý, may ra mới
khắc phục được phần nào sự quá đà, quá lố trong các màn quảng cáo trên
phim Việt hiện nay.
Như Hoa (SGGP)