Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 22/8/2013 10:42'(GMT+7)

Văn hóa học góp phần phát triển xã hội, con người



Ngày nay, Văn hóa học đang trở thành một trong các ngành khoa học xã hội - nhân văn có vị trí, có vai trò quan trọng về sự tự ý thức văn hóa trong quá trình phát triển của các dân tộc. Có lẽ vì "sinh sau đẻ muộn", ngay sau khi môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam được triển khai giảng dạy trong các trường đại học, một cuốn giáo trình đã sớm được tổ chức biên soạn để truyền bá  một số chấm phá cơ bản về khoa học văn hóa, về bản sắc văn hóa Việt Nam và "hy vọng môn Văn hóa học và cơ sở văn hóa Việt Nam sẽ được khẳng định vị thế, như nó vốn cần có"... Giáo trình ra đời, tổ chức tập huấn trong nam ngoài bắc, xuất hiện một số bài báo ca ngợi. Nhưng rất tiếc cuốn giáo trình Cơ sở văn hóa đầu tiên đó lại là một công trình "đạo văn" theo đúng nghĩa đen của hành vi này. Dù bị phát hiện, bị phê phán, hơn mười năm nay, cuốn giáo trình đó vẫn được coi là tài liệu học tập của sinh viên các trường đại học! Và hàng chục năm sau ngày Văn hóa học "lên ngôi", số giảng viên, số tác giả nghiên cứu về văn hóa ở Việt Nam bỗng nhiên tăng vọt. Sách về văn hóa tràn  ngập trong các cửa hàng, mà nếu bỏ thời gian đọc kỹ, sẽ gặp ở đó không ít tri thức chủ yếu là xào xáo, mông má, sao chép...

Dù khoa học ngày càng chuyên sâu, thì Văn hóa học vẫn là bộ môn đòi hỏi người nghiên cứu phải có một hệ thống tri thức bách khoa, đa diện, đa dạng. Ngoài lý luận chuyên ngành, cần có sự am hiểu nhất định về lịch sử, tư tưởng - triết học, văn học - nghệ thuật, tín ngưỡng - tôn giáo, ngôn ngữ, kinh tế, địa lý... Tự thân văn hóa - đối tượng nghiên cứu của khoa học này đòi hỏi như vậy, chứ không phải là ý muốn của riêng ai. Nhưng phải chăng, do thiếu nhân lực, do chưa chuẩn bị đầy đủ từ khi triển khai môn học, nên ở Việt Nam sinh ra tình trạng người đào tạo chuyên ngành khoa học khác chuyển sang nghiên cứu - giảng dạy văn hóa học khá nhiều? Dẫn tới tình trạng người được đào tạo từ chuyên ngành văn học sang dạy Văn hóa học thường chỉ loanh quanh với kiến thức văn học; người được đào tạo từ chuyên ngành sử học sang dạy Văn hóa học thường loanh quanh với kiến thức của sử học; người đào tạo từ chuyên ngành ngôn ngữ học sang dạy Văn hóa học thường loanh quanh với kiến thức ngôn ngữ học... Với một số người từ triết học, xã hội học, dân tộc học,... chuyển sang, tình hình cũng như vậy. Có lẽ vì nhiều "nhà nghiên cứu văn hóa" không được đào tạo cơ bản về khoa học văn hóa song vẫn "làm văn hóa", nên ở một nhà trường nổi tiếng có tài liệu giảng dạy về văn hóa đã viết như sau:

"Cấu trúc của nền văn hóa mỗi quốc gia - dân tộc, có bốn lĩnh vực căn bản là: a. Văn hóa tài nguyên còn gọi là văn hóa vật chất: Bao gồm toàn bộ cảnh quan, môi trường sinh thái. Ðó là đất và trời - nghĩa là toàn thể cái thiên nhiên thứ nhất (thiên tạo và nhân tạo), làm nên môi trường sống của muôn loài, trong đó có con người như: Vùng trời, ở đấy hiện hữu các tầng khí quyển, các tầng mây, nắng, mưa, gió, bão, các hạt bụi mang điện tích âm hoặc dương của vũ trụ, của loại khí... Vùng đất - toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia bao gồm: núi, đồi, ao, hồ, sông, biển, các loại rừng cây, các loài sinh vật hiện đang sinh tồn và phát triển trên địa bàn, các cao nguyên, bình nguyên, đảo nổi, đảo chìm, tất cả các loại tài nguyên trong lòng đất. b. Văn hóa kỹ thuật, còn gọi là văn hóa hành vi: Bao gồm toàn bộ cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật - công nghệ của nền kinh tế đất nước như: các cơ sở sản xuất, các loại hệ thống giao thông, điện, lưu thông phân phối, các loại sản phẩm cho ăn, ở, phương tiện đi lại,... và các trang thiết bị vô thể, hữu thể khác phục vụ cho hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa ngoài văn hóa kỹ thuật. c. Văn hóa thân tộc, còn gọi là văn hóa cơ chế: Bao gồm toàn bộ tổ chức bộ máy xã hội và cơ chế vận hành của nó. Các thông tục; các phong tục tập quán; các định chế xã hội: gia đình, học đường, bệnh viện, công sở, cơ sở kinh doanh, thể chế chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, pháp luật,... d. Văn hóa tư tưởng hay văn hóa tâm thức: Bao gồm triết học, tôn giáo, văn học - nghệ thuật và những cơ sở hoạt động tâm linh khác".

 Như vậy thì chẳng lẽ "khí quyển, các tầng mây, nắng, mưa, gió, bão, các hạt bụi mang điện tích âm hoặc dương của vũ trụ, của loại khí?", cũng là văn hóa? Càng không hiểu tại sao "văn hóa kỹ thuật còn gọi là văn hóa hành vi", "văn hóa thân tộc còn gọi là văn hóa cơ chế", "Văn hóa tư tưởng hay văn hóa tâm thức"...? Chịu khó theo dõi, còn có thể bắt gặp tình trạng nghiên cứu văn hóa với rất nhiều ý kiến cười ra nước mắt. Như: một Giáo sư viết báo để dạy trẻ em: vì kính trọng Lý Bí nên cha ông chúng ta đã gọi quả bí là quả... bầu!; một nhà nghiên cứu văn hóa coi việc các đoàn nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn là đi... tiếp biến văn hóa!; một Giáo sư coi hai câu ca dao: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" là của... Nguyễn Công Trứ (!). Rồi mới ngày nào, có tờ báo viết rằng "tứ linh" trong văn hóa truyền thống Việt Nam gồm "long - ly - quy - hổ" thì đầu năm 2013, biên tập viên một đài truyền hình ở Trung ương thản nhiên khẳng định trên màn hình: Trần Hưng Ðạo là một trong "tứ bất tử" của văn hóa truyền thống Việt Nam!... Nói tóm lại, chỉ có thể kết luận rằng tình trạng nói bừa, phán bừa về văn hóa dân tộc đã đến mức báo động!

Dù tiếp cận với tinh thần lạc quan và dù cần khẳng định chúng ta đã đạt được một số thành tựu văn hóa, thì vẫn phải đối diện với một sự thật là: Hệ quả của tình trạng thiếu hiểu biết về văn hóa, sự áp đặt theo lối độc đoán các suy đoán văn hóa chủ quan, sự biến chất về văn hóa, sự thiếu chuẩn mực trong tổ chức đời sống văn hóa,... đã trực tiếp đẩy nhiều khu vực văn hóa của đất nước vào tình thế không vận hành phù hợp với điều mà văn hóa lý tưởng của chúng ta hướng tới. Sau mấy chục năm, một toàn cảnh phức tạp về văn hóa đang bày ra trước mắt chúng ta; sự sa sút, băng hoại, xuống cấp của một số khu vực văn hóa đã và đang trở thành nỗi lo của những người lương thiện khi hướng cái nhìn về tương lai văn hóa dân tộc. Hơn nửa thế kỷ trước, lòng yêu nước, nỗi âu lo vì sự tồn vong dân tộc và văn hóa dân tộc đã thúc đẩy Phan Chu Trinh cố gắng tìm ra lối thoát cho dân tộc và ông đã khởi xướng phong trào Duy tân.

Với bối cảnh lịch sử khi đó, khi đất nước còn dưới ách thống trị của thực dân Pháp, dù khát vọng của Phan Chu Trinh là chính đáng, cần được trân trọng thì vẫn không phải là một lựa chọn đúng, đơn giản vì không thể hiện thực hóa khát vọng của ông trong điều kiện nền độc lập của dân tộc bị tước đoạt và bộ máy cai trị thực dân sử dụng mọi thủ đoạn, kể cả thủ đoạn tàn bạo nhất, để duy trì vai trò thống trị. Tuy nhiên, sau một thế kỷ nhìn lại, cần khẳng định quan điểm: "1. Chấn dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học, bài trừ hủ tục xa hoa. 2. Khai dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người đều giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. 3. Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa..." của Phan Chu Trinh vẫn mang ý nghĩa tham vấn nhất định đối với chúng ta. Từ thực trạng văn hóa dân tộc, đã đến lúc và không thể muộn hơn, chúng ta phải đặt ra và giải quyết vấn đề chấn hưng văn hóa dân tộc một cách chủ động, toàn diện, triệt để.

Dường như đã và đang tồn tại một nghịch lý giữa các quan điểm cơ bản về vai trò và sự phát triển văn hóa với sự vận hành, thực hành các quan điểm này trong thực tiễn văn hóa. Thiết nghĩ, thực tế này có nguồn gốc từ tình trạng các quan điểm đúng đắn về văn hóa ở cấp vĩ mô đã không được nắm bắt, thấu triệt, triển khai một cách hợp lý trong hoạt động văn hóa. Thực tế cho thấy, các quan điểm đúng đắn đó đã được (hay bị) biến thành các khẩu hiệu, tiên đề lý luận của người quản lý, lãnh đạo mỗi khi đề cập tới sự nghiệp phát triển văn hóa hơn là hiểu biết về văn hóa một cách sâu sắc, có khả năng biến các quan điểm văn hóa thành hiện thực. Cần thừa nhận một thực tế: trong bộ máy hành chính chuyên trách từ Trung ương tới các địa phương, trong nhiều cơ quan lãnh đạo, quản lý, tổ chức sự phát triển văn hóa,... số người am hiểu vai trò của văn hóa, hiểu biết về tính đa dạng song phức tạp của văn hóa là không nhiều. Vì thế trong một số trường hợp, sự quản lý và điều hành, nếu không dựa trên một số quan điểm cứng nhắc thì cũng dựa trên quan niệm cảm tính, vai trò chủ thể trong văn hóa thường bị đánh đồng với tư cách lãnh đạo, quản lý.

Khi xem xét thực trạng văn hóa, chúng ta không nên chỉ đi tìm lý do từ ngoại cảnh, mà cần phải nhìn thẳng vào chính chúng ta, với tất cả hay - dở, đúng - sai, sáng suốt - sai lầm. Không có lý do gì để chúng ta tự làm suy yếu sức mạnh văn hóa của dân tộc trong thời đại mới, thời đại mà chúng ta đã nhận thức rằng, sự phát triển kinh tế phải đi cùng  với phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa, làm cho mỗi thành viên xã hội trở thành "con người văn hóa", là một quá trình lâu dài, nhưng vẫn phải tiến hành, phải hoạch định bằng hệ thống quan niệm nhân văn, khoa học. Vì thế, đã đến lúc cần nhìn nhận đúng về vai trò của Văn hóa học, để xây dựng những nội dung lý luận có ý nghĩa cụ thể, trực tiếp trong thực tiễn; đồng thời sớm xây dựng một đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy có tâm huyết,... để tri thức Văn hóa học thật sự thấm sâu vào đời sống văn hóa./.

 Nguyễn Hòa

Nguồn:Nhân Dân   
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất