Thứ Tư, 27/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 26/3/2011 15:50'(GMT+7)

Bảo vệ môi trường: “Tôi cần thức tỉnh”

Điều này nói lên rằng môi trường đã trở thành một vấn đề nóng bỏng, được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Một sự thật phiền phức” (An inconvenient truth, 2006) là tên một bộ phim tài liệu được dẫn dắt bởi cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, nói về vấn đề “ấm lên toàn cầu”. Bỏ qua một bên những gì liên quan đến khía cạnh chuyên môn, những gì còn lại trong bộ phim cũng đủ làm chúng ta xốn xang trong lòng.

Bộ phim đưa đến cho chúng ta cái nhìn không hẳn mới về vấn đề toàn cầu đang ấm lên nhưng là một cái nhìn thẳng thắn, chi tiết, khách quan đến lạnh người. Sự thật bộ phim mang đến cũng không có gì quá xa lạ, khó hiểu.

Nó chỉ đơn giản như “bạn có một quả bóng lớn được phủ sơn bên ngoài, độ dày của lớp sơn so với quả bóng cũng tương tự độ dày của tầng khí quyển trái đất so với Trái đất. Tầng khí quyển vô cùng mỏng manh đến mức chúng ta có thể thay đổi cấu tạo của nó”, hay “40% dân số thế giới lấy nước uống từ hệ thống sông suối mà hơn nửa trữ lượng được cấp từ nước tan ra của các sông băng. Trong vòng nửa thế kỷ tới, 40% dân số thế giới này sẽ phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng từ sự tan chảy ”… 

Cuộc sống càng phát triển, càng tiện nghi hiện đại thì con người dường như càng xa rời đời sống tự nhiên. Người thành thị chen chúc nhau khi ra đường, ngồi lì hàng giờ trước máy tính trong phòng máy lạnh, đánh mất sự tin tưởng vào lòng tốt của người khác và đánh mất sự công bằng với thiên nhiên.

Chúng ta hay có thói quen đặt lên bàn cân so sánh lợi ích giữa môi trường và sự phát triển kinh tế, rồi thấy cán cân kinh tế lúc nào cũng nặng hơn. Bộ phim An inconvenient truth đã khẳng định đây là một sự so sánh sai lầm. Vì lẽ đơn giản, nếu không bảo vệ môi trường Trái đất thì sẽ không thể phát triển kinh tế.

75 năm trước, trong phần tựa của truyện ngắn Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, nhà văn Hemingway đã viết: “Kilimanjaro là một ngọn núi phủ tuyết cao gần 5.850m và nghe nói đó là ngọn núi cao nhất châu Phi. Đỉnh phía tây của ngọn núi còn có tên “nhà của Trời”. Gần ngay chỏm núi phía tây có bộ xương một con báo đã lạnh cứng khô khốc. Chẳng ai giải nghĩa được con báo làm gì ở độ cao ấy”.

Có lẽ từ giờ trở đi hay nói chính xác hơn như trong bộ phim An inconvenient truth thì "trong vòng một thập kỷ nữa sẽ chẳng còn tuyết trên đỉnh Kilimanjaro”. Những dòng sông băng sẽ chỉ còn là những mảnh vụn. Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro rồi sẽ trở thành một hoài niệm, chỉ còn được lưu giữ trong những tấm bưu ảnh phai màu và trong những câu chuyện hư cấu. Đây hẳn là một sự thật đau lòng.

Gần đây hơn là bộ phim viễn tưởng Avatar (Thế thân, 2009) của đạo diễn James Cameron. Bộ phim mang đến cho chúng ta một viễn cảnh trong tương lai khi con người Trái đất xâm chiếm hành tinh Pandora vì nguồn tài nguyên phong phú của hành tinh này.

Dù đặt trong bối cảnh tương lai, nhưng những gì xảy ra trong Avatar lại mang vấn đề thời sự: chiến tranh vì dầu mỏ -  nguồn năng lượng, hay đó là sự phi nhân của con người trước thiên nhiên vì những lợi ích kinh tế.

Trong phim có một hình ảnh tượng trưng: Cây Thần của tộc người Navi, mọi người dân Navi đều có mối quan hệ tâm linh với Cây Thần. Thật thú vị khi chúng ta biết rằng đây không chỉ là một điều hư cấu. Sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên đã được thể hiện trong niềm tin của nhiều bộ tộc ngoài đời thực: nhiều dân tộc cổ sơ tin rằng ngoài linh hồn chính ra còn có một “bush soul” ( linh hồn rừng rú), linh hồn rừng rú đó nhập vào một con thú hay một cái cây, con thú hay cái cây đó cùng một tâm thần với con người. Ví dụ như: một người anh em với cá sấu thì vẫn có thể bơi lội trong khúc sông đầy cá sấu mà vẫn an toàn.

Khi xem Avatar, chúng ta sững sờ, trầm trồ trước vẻ đẹp của những khu rừng phát sáng vào ban đêm, những hòn đảo lơ lửng bay giữa không trung… Chúng ta nhìn những nhân vật tự do vui đùa, chạy nhảy trên những cánh đồng bao la xanh mướt, tắm lội trong những dòng suối mát lạnh trong suốt... Chúng ta khao khát được một lần đến Pandora, được một lần như những nhân vật đắm mình trong thiên nhiên; hay thật ra chúng ta khao khát điều mà chúng ta đã đánh mất trong thế giới thực.

Đa số mọi người có xu hướng chung là: mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng vì công việc hay cuộc sống, chúng ta hay đi du lịch đến những nơi hoang dã, lang thang trong những cánh rừng đang thay lá, bơi lội trong những dòng sông hiền hòa, hay nếu thích phiêu lưu hơn thì leo núi, cảm giác chinh phục khi đứng trên đỉnh núi nhìn trời mây như giải phóng hết mọi mệt mỏi ưu sầu tích tụ trong người. Trở về với thiên nhiên là hành động nguyên thủy nhất của con người như một đứa con trở về với người mẹ của mình: Mẹ thiên nhiên.

Ở phần kết của phim An inconvenient truth đã đưa ra những cách hành động cho mỗi chúng ta để bảo vệ môi trường: “Hãy mua thiết bị điện và bóng điện tiết kiệm năng lượng”, “Tái chế”, “Khi có thể, hãy đi bộ hoặc đi xe đạp, Sử dụng phương tiện giao thông công cộng”…

Những việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm, nhưng có lẽ cái chúng ta thiếu là quyết tâm để hành động. Nếu chúng ta nhìn nhận bảo vệ môi trường không chỉ là một hành động thuần túy có thể làm lúc này hay lúc khác, mà đây còn là một vấn đề đạo đức, một sự công bằng giữa chúng ta và thiên nhiên, thì đã đến lúc hoàn trả lại sự công bằng ấy.

Theo TRƯƠNG MINH QUÝ/ Tuoitre.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất