Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 28/7/2011 14:24'(GMT+7)

Nghệ thuật và giải trí đích thực

Sự hỗn loạn về những bài hát vay mượn, sao chép, không chỉ gây ra sự thất vọng, mà còn gây ra những bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa).

Sự hỗn loạn về những bài hát vay mượn, sao chép, không chỉ gây ra sự thất vọng, mà còn gây ra những bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa).

Âm nhạc và hoạt động âm nhạc là một lĩnh vực nghệ thuật có định hướng. Những người hoạt động âm nhạc, ngoài tài năng bẩm sinh, còn được đào tạo một cách cơ bản. Và qua hoạt động thực tế mới khẳng định được chính mình. Chính vì vậy, trong lịch sử văn hóa-nghệ thuật nước nhà, âm nhạc đã phát huy được sức mạnh của mình trong cuộc sống. Những bản nhạc, bài ca “đi cùng năm tháng” đã góp phần cổ vũ, động viên quân dân cả nước chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một nhạc sĩ đang công tác ở thành phố Đà Nẵng có nói rằng: “Âm nhạc đang bị tác động và chi phối bởi quy luật kinh tế thị trường. Điểm nhìn thấy rõ nhất là tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ đang có dấu hiệu bị phai mờ trước sự “lấn lướt” của ca nhạc giải trí!”. Ý kiến này đúng với thực trạng của tình hình “lẫn lộn” thật giả về hoạt động ca nhạc hiện nay.

Nghe những “ca khúc” được gọi là “nhạc trẻ” xuất hiện gần đây, mới thấy tiêu chí của âm nhạc bị đảo lộn, quy chuẩn bị xáo trộn. Sự hỗn loạn về những bài hát vay mượn, sao chép, không chỉ gây ra sự thất vọng, mà còn gây ra những bức xúc trong xã hội. Không ít khán, thính giả hoang mang trước những ca từ gây sốc như “... Một khi nói dối là mất tất cả. Là mất tất cả có biết không hả?...” (!)

Qua đây có thể thấy, tình hình hoạt động âm nhạc của nước ta hiện nay chưa có sự phân biệt một cách rạch ròi giữa “kỹ nghệ giải trí” và làm nghệ thuật đích thực. Sự “ra đời” của thứ “kỹ nghệ giải trí” tự phát thời gian gần đây thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng, tất yếu sẽ cho ra những “sản phẩm” không có giá trị nghệ thuật, nếu không muốn nói đấy là sự thấp kém, thô thiển, kệch cỡm...

Không có lý do gì để nói những hoạt động “sáng tác”, “biểu diễn” của một số người như đã trình bày trên là “nhạc trẻ”, là “nghệ thuật”. Lại không thể biện minh, đấy là loại hình giải trí tự phát. Bởi, mọi hoạt động khi đã hòa nhập, đã gắn với cơ chế thị trường, thì phải được quản lý theo luật; không thể để “tự phát” một cách tràn lan, dẫn đến hỗn loạn, ảnh hưởng đến một nền âm nhạc đích thực.

Để đưa những hoạt động có tính giải trí như đã nêu trên vào đúng “quỹ đạo”, nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước bằng luật định. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được tình trạng “quá đà”, biến tướng, tiêu cực, làm ảnh hưởng không tốt đến kỹ nghệ giải trí lành mạnh; làm lẫn lộn, hiểu nhầm của hoạt động âm nhạc, của “nhạc trẻ”. Cần có sự rạch ròi và phân minh là để trả lại vị trí đích thực của nghệ thuật âm nhạc.

(Đặng Trung Hội/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất