Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thực hiện Luật Cán bộ và Luật Viên chức đã đạt được nhiều kết
quả, tuy nhiên, một số quy định của hai Luật này đã bộc lộ những hạn chế, bất
cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó
khăn, vướng mắc trong việc thực hiện...
Nhìn lại hơn 8 năm thi hành Luật Cán bộ, công chức và hơn 6 năm thi hành
Luật Viên chức cho thấy Luật đã tạo cơ sở pháp lý để hình thành cơ chế
quản lý, sử dụng riêng, phù hợp giữa đội ngũ cán bộ, công chức (những
người thực thi quyền lực nhà nước) và đội ngũ viên chức (những người
hoạt động nghề nghiệp phục vụ quản lý nhà nước và xã hội).
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thực hiện Luật đã đạt được nhiều kết
quả, đã bước đầu phân định rõ đội ngũ cán bộ với công chức, tách viên
chức ra khỏi cán bộ, công chức, quy định phù hợp với đặc thù hoạt động
và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và cán bộ cấp xã, công chức
cấp xã.
Công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bổ nhiệm có những chuyển
biến rõ rệt, từng bước đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong cải cách
hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao năng lực thực thi
công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ,
công chức…
Tuy nhiên, một số quy định của hai Luật này đã bộc lộ những hạn chế, bất
cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó
khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, đặc biệt là việc triển khai thực
hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong
nội bộ”.
Các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp
tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và
quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự
nghiệp công lập" đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý
cán bộ, công chức, viên chức…
Việc thi nâng ngạch chủ yếu giải quyết chế độ lương cho công chức
Bất cập đầu tiên phải kể đến, đó là Luật Cán bộ, công chức vẫn quy định
công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý
của đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật Viên chức và các quy định hướng dẫn thi hành mặc dù đã làm rõ một
bước đối tượng thuộc đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhưng vẫn có cách hiểu
khác nhau về “bộ máy lãnh đạo, quản lý” dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều
khó khăn.
Thực tế hiện nay, do đơn vị sự nghiệp không được thực hiện chức năng
quản lý và không thực hiện hoạt động công vụ (trừ một số đơn vị phục vụ
nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước) nên công chức trong bộ
máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập không được hưởng phụ cấp
công vụ và không được giao biên chế công chức.
Mặt khác, trong số công chức thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị
sự nghiệp công lập đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và thực hiện
hoạt động nghề nghiệp, rất ít trường hợp chuyển sang giữ ngạch công
chức.
Điều này dẫn đến những vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện
chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với những người này.
Ngoài ra, một số đối tượng như Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên
Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám
đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý
trong doanh nghiệp theo quy định của Luật cũng áp dụng các quy định về
quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật tương tự
như đối với công chức.
Điều này cũng dẫn đến những bất cập trong thực tế triển khai thực hiện
do bản chất thực hiện công vụ khác với hoạt động kinh doanh nên không
thể áp dụng chế độ đối với những đối tượng này như với đội ngũ công
chức.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc tuyển dụng công chức theo
quy định hiện hành được phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương. Qua
thanh tra, kiểm tra cho thấy công tác tuyển dụng còn chưa nghiêm, thiếu
tính khách quan, chưa thực sự tuyển dụng được người đáp ứng được các yêu
cầu của vị trí việc làm; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử
dụng lao động với thẩm quyền quyết định tuyển dụng; một số nơi, một số
lúc còn xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng.
Do chế độ tiền lương, thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung nên việc
thi nâng ngạch công chức hiện nay chủ yếu vẫn giải quyết chế độ cho công
chức về lương, chưa làm thay đổi về nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ của
người được nâng ngạch.
Công tác thi nâng ngạch cũng chưa thực sự bảo đảm tính cạnh tranh, đồng
thời cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt đã để lại dư luận không tốt về
chất lượng của các kỳ thi, chất lượng của người được nâng ngạch, các vấn
đề tiêu cực trong quá trình thi nâng ngạch...
Tư tưởng “hạ cánh an toàn”
Có thể thấy quá trình thực hiện các quy định về phân loại, đánh giá cán
bộ, công chức cũng còn nhiều bất cập do chưa có những tiêu chí cụ thể,
phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của cán bộ,
công chức.
Các văn bản hiện hành chưa tạo hành lang pháp lý cho việc đánh giá
nghiêm túc kết quả thực hiện công việc, từ đó dẫn đến sự cào bằng trong
công tác đánh giá cán bộ, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn
đấu của cán bộ, công chức, không có cơ sở để loại bỏ những người không
hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy công vụ.
Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự căn cứ vào
tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và hiệu quả
công việc thực tế của mỗi người.
Bên cạnh đó, các quy định về phân loại, đánh giá còn có sự khác nhau
giữa các văn bản của Đảng, giữa đội ngũ viên chức với cán bộ, công chức,
trong khi đó, công tác cán bộ là công tác của Đảng, cần bảo đảm sự tập
trung, thống nhất.
Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua, việc xử lý kỷ luật đối với một số trường
hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác nhưng
chưa bị phát hiện tại thời điểm đó và hành vi vi phạm chưa đến mức độ xử
lý hình sự gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý, thiếu sự đồng
bộ giữa thi hành kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ
hưu với kỷ luật về Đảng với tư cách đảng viên.
Một bộ phận cán bộ, công chức còn có tư tưởng “hạ cánh an toàn” dẫn tới
sự hời hợt, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ.
Các quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức trong hệ thống
chính trị nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng hiện không thống
nhất. Luật Cán bộ, công chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24
tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm và khi hết thời hiệu thì không
bị xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, trong thực tế, qua việc thanh tra, kiểm tra, việc tố giác của
quần chúng nhân dân, có nhiều trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng
hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng không chịu hình thức phạt tù, khi xét kỷ
luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu nên không xử lý được.
Trong khi đó, quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm
lại quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm là 5 năm,
10 năm hoặc không áp dụng thời hiệu đối với hành vi vi phạm đến mức
phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ, về an
ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử
dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
Nhiều hạn chế khác cũng được Bộ Nội vụ chỉ ra như đội ngũ cán bộ, công
chức cấp xã hiện chiếm số lượng khá lớn, tuy nhiên cơ chế quản lý, chế
độ chính sách, sự liên thông với đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp huyện
trở lên hiện còn nhiều bất cập.
Việc bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức ở mỗi xã, phường, thị trấn còn định tính, chưa hợp lý.
Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay được tổ chức chưa khoa
học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn và phù hợp so với thực tiễn phát triển
của đất nước, dẫn đến hoạt động của một số đơn vị hiệu quả thấp, thậm
chí không hiệu quả và gây thua lỗ.
Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng…/.
Chu Thanh Vân (TTXVN)