Thứ Năm, 21/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 25/10/2023 16:40'(GMT+7)

Bệnh sáo ngữ trong hội nghị

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

“Sợ nhất là những cán bộ trong hội nghị cứ thao thao bất tuyệt, sáo ngữ, xa rời thực tiễn mà không quan tâm đến người nghe, vừa mất thời gian vừa không có thông tin gì mới” - anh bạn tôi - một cán bộ ngành tuyên giáo cấp tỉnh, vừa tham dự một hội thảo trở về bày tỏ trăn trở. Minh họa cho điều ấy, anh còn nêu nhiều dẫn chứng rồi khẳng định: Bệnh sáo ngữ đang khá phổ biến ở nhiều cuộc hội họp; đây thực sự là mối nguy nếu không có giải pháp kịp thời.

“Sáo ngữ” theo "Từ điển tiếng Việt" là hành vi lời nói không tự nhiên, rập theo khuôn mẫu có sẵn mà không cung cấp thông tin cần thiết. Sáo ngữ xuất hiện trong hội nghị ngày càng nhiều, thoạt đầu thì nghe rất bùi tai, thuận chiều. Người phát biểu dùng những ngôn từ sáo rỗng, lặp đi lặp lại, nghe quen quen, thậm chí “ăn theo, nói leo” chủ trương, nghị quyết mà không có thực tiễn, cũng chẳng thấy thông tin gì mới mẻ.

Ví như, có đại biểu nọ đứng trước hội nghị với phần đông là bà con nông dân tham dự nhưng khi phát biểu lại toàn dùng những thuật ngữ như: “Phải xác định cho được một ngành kinh tế mũi nhọn”; “Phải xây dựng địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh”... Đó thật sự là cách dùng ngôn ngữ theo lối "đao to búa lớn", “đơm đó ngọn tre”, gây khó cho người nghe và không thể vận dụng, triển khai thực hiện. Bệnh sáo ngữ bắt nguồn sâu xa từ thói phô trương, hình thức, giáo điều, sính chữ, muốn chứng tỏ bản thân, thích khoe khoang thành tích, tô hồng báo cáo để che đậy cái “thùng rỗng”, yếu kém bên trong của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Bản chất của một cuộc hội nghị, đó là thảo luận, trao đổi ý kiến, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiến độ, chất lượng công việc. Nhưng hiện nay, không ít “hội nghị thành công tốt đẹp” lại nặng về hình thức; khâu tổ chức thì rình rang, "trống giong cờ mở", tốn kém nhưng nội dung lại coi nhẹ. Những vấn đề trọng tâm, khó khăn, hạn chế thì chẳng thấy được tập trung đối thoại, chất vấn thẳng thắn mà chủ yếu là tung hô, khoe mẽ thành tích của cơ quan, đơn vị và cá nhân.

Nhiều người ngán ngẩm bởi một kịch bản rập khuôn máy móc, sáo rỗng, thiếu dân chủ, thiếu khoa học, cứ lặp đi lặp lại, hết đại biểu này đến đại biểu khác như “ru ngủ” hội trường. Thậm chí, nhiều đại biểu xem hội nghị, hội thảo là dịp để nghỉ ngơi, xả stress; để tranh thủ làm việc khác; hoặc là cơ hội để giải ngân những khoản tài chính sau mỗi sự kiện. Thực trạng này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây lãng phí lớn, là nguy cơ làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Để tránh căn bệnh sáo ngữ trong hội nghị, trước tiên, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, trong hội nghị cần nghiên cứu kỹ tài liệu, chắt lọc, đi sâu vào vấn đề trọng tâm, thiết yếu để đóng góp trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm công tác thật sát với thực tiễn. Cán bộ, đảng viên phải luôn sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ trong từng lời phát biểu trước đồng nghiệp và công chúng; phải đề cao thực hành nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn, tránh hành vi nói mà không làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo, như ông bà ta răn dạy: “Nói chín thì hãy làm mười/ Nói mười làm chín kẻ cười, người chê”./.

PHẠM KIÊN (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất