Thứ Sáu, 6/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 25/10/2023 10:38'(GMT+7)

Có xứng là "công bộc, đầy tớ" của dân?

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong tiếng Việt, cách xưng hô là một biểu hiện cho văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Việc xưng hô mang tính khiêm nhường, tình nghĩa thể hiện sự kính trọng và thiện chí của người nói đối với người nghe. Ra đường cứ sang sảng "mày-tao" với người ít quen biết cho dù họ có nhỏ tuổi hơn mình bao nhiêu thì cũng dễ bị coi là kẻ thất học, dân “chợ búa”!

Ấy vậy mà mới đây, trong khi thực thi công vụ, một cán bộ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình không những phát ngôn thiếu chuẩn mực, xưng hô "mày-tao" với dân mà còn có những lời lẽ xúc phạm, kết luận hết sức hồn nhiên kiểu “ngoan thì cái gì cũng có” ("không lấy tiền, tao không cho nữa"...) khiến dư luận không khỏi giật mình về vị thế của người dân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ là người đại diện cho quyền lực nhà nước, là "công bộc, đầy tớ" của dân. Phẩm chất, trình độ, năng lực và thái độ ứng xử của cán bộ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Thời gian qua, cán bộ ở nhiều nơi đã phải xin lỗi dân về việc “giận quá mất khôn”. Không thể tự chủ được hành vi, ngôn ngữ của mình cho thấy ở một chừng mực nào đó phông văn hóa, năng lực giải quyết công việc của những người này “có vấn đề”. Chúng ta vẫn nói “đôi khi thái độ quan trọng hơn trình độ”, vậy mà dường như họ thiếu cả hai. Dẫu họ biết sai đã biết nói lời xin lỗi nhưng điều người dân thực sự cần sau đó là những giải pháp căn cơ giải quyết tận gốc vấn đề. Lời xin lỗi chỉ thực sự có ý nghĩa khi người thực hiện không “làm cho có”, mà phải xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cùng với hành động sửa lỗi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả". Những lời chỉ dẫn đó luôn có giá trị thời sự.

Tinh thần trọng dân, quý dân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần được đề cao. Thực tế, chúng ta đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát qua hệ thống camera, bảng đánh giá sự hài lòng của người dân tại các khu vực công, để cán bộ, công chức “biết sợ”. Nhiều trường hợp có hành vi thiếu chuẩn mực, ứng xử không đúng mực đối với nhân dân đã bị xử lý nghiêm minh. Thậm chí, Bộ quy tắc đạo đức công vụ được xây dựng, kỳ vọng sẽ hạn chế những hình ảnh không đẹp của cán bộ, công chức trong mắt người dân. Tuy vậy, nội hàm của đạo đức khó có thể đong đếm để quy định chi tiết bằng một văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật chỉ là vỏ bên ngoài các quy tắc, còn đạo đức là khi hành xử toát ra từ sự tận tụy, thể hiện từ cái tâm, sự cố gắng, đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ của cán bộ đối với người dân. Chỉ khi cán bộ tự ý thức trau dồi, nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công vụ mới là thể hiện sự tuân thủ giá trị tối đa của pháp luật.

Đó là những điều cần thiết để xây dựng một nền hành chính công liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy công quyền.

THU HÀ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất