Chủ Nhật, 24/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 28/8/2023 9:46'(GMT+7)

Cái giá của “cảm ơn”

Toàn cảnh phiên tòa

Toàn cảnh phiên tòa

Tại phiên toà, đa phần lý lẽ mà các luật sư đưa ra bào chữa cho các bị cáo “quan chức” đều chủ yếu xoay quanh việc họ đã bồi hoàn gần như toàn bộ khoản tiền “cảm ơn”, hoặc đã thành khẩn khai báo... Nhìn lại phiên tòa, mỗi chúng ta khó có thể bị thuyết phục với lập luận rất non nớt của luật sư, thậm chí của chính các bị cáo đã bào chữa, rằng do tập trung quá vào công việc chuyên môn, nên không am hiểu pháp luật, hoặc nghĩ là chút quà cảm ơn, không nghĩ là khoản hối lộ. Thật khó tín được, bởi ở đây, số lần “cảm ơn” không chỉ dừng lại ở 1,2 lần mà là 515 lần với định lượng lên tới 165 tỉ đồng.

Người dân theo dõi phiên tòa nực cười, bởi cụm từ “cảm ơn” được các bị cáo được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều ngày, nhiều bản cung, lời khai; mà “nói trắng” ra, đó là hành vi “hối lộ”, “nhận hối lộ”. Đội lốt một hành động nặng về tinh thần, với nghĩa tích cực, biết ơn, xuất phát từ tấm lòng thường được bày tỏ với người đã giúp đỡ mình, sang một hành động với nghĩa tiêu cực đi trước để hối lộ, lót tay, chạy chọt, bôi trơn... cốt để “mua” lợi về cho mình. Nhìn rộng ra, không chỉ trong phiên tòa này, điều mà mỗi người dân băn khoăn, suy nghĩ là không biết từ bao giờ mà “cảm ơn” lại trở thành cái “lệ”,  “điều kiện” để mọi việc thông suốt trong nhiều công việc, gói thầu, lĩnh vực... Tiền, nhiều tiền, không phải là vài triệu, vài chục triệu mà con số tiền “cảm ơn” được lên tới hàng tỉ, chục tỉ và trăm tỉ. Những món quà lưu niệm, những bữa tiệc tùng không còn được đo đếm bằng 6,7,8 mà đến hàng chục con số. “Sức công phá” của những khoản vật chất được coi là “cảm ơn” đã làm cho những quy trình, luật lệ, quy chế bị “xé toạc”, thay vào đó là sự biến chất, suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người có chức, có quyền.

Suy ngẫm lại, vì sao “cảm ơn” lại thành cái lệ, mà là lệ xấu, “lệ” cần lên án, ấy nhưng vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều bước của không ít quá trình vận hành trong xã hội? Xét ở góc độ người “cảm ơn”, đó là tâm lý, muốn được việc phải có tiền. Ấy nên, từ việc to đến việc nhỏ đều vận hành theo phương châm “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Cứ thấy mắc, vướng là nghĩ ngay tới việc, do chưa có phong bì, chưa có khoản lót tay, bôi trơn thích đáng nên việc bị kẹt, khó “thông”. Chính cái thói quen “làm hư cán bộ” ấy đã làm cho không ít mối quan hệ, công việc, phần việc được quy đổi thành vật chất tương xứng. Để rồi người “được cảm ơn” thành “quen”, từ chỗ “quen nhận” tới chỗ “quen vòi”, quen được “cảm ơn”. Và khi “cảm ơn” đi trước để khai thông thì nó đã trở thành một mối quan hệ “ngang hàng”, được định giá cho chất lượng, phần việc, thủ tục, gói thầu... được triển khai phía sau theo kiểu “tiền nào của ấy”.

Thật xót xa cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí cán bộ lãnh đạo đứng trước vành móng ngựa chỉ vì cái gọi là “cảm ơn” với sức nặng vật chất quá lớn, để rồi phải thốt lên những lời xin lỗi muộn màng với nhân dân, với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Nhưng có lẽ không có một lời xin lỗi nào giúp họ xóa được vết nhơ bởi những “món cảm ơn” đầy vị đắng!

 

Song Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất