Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 26/8/2008 10:16'(GMT+7)

Thực hiện nếp sống mới trong việc tang, việc cưới, lễ hội ở Đà Nẵng

Chùa Tam Thai  tọa lạc ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, trong khu vực Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Chùa Tam Thai tọa lạc ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, trong khu vực Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Thực trạng việc tang ma, cưới xin, lễ hội ở Đà Nẵng.

Đà Nẵng là vùng đất có truyền thống, nhưng xét cho cùng vẫn còn là một thành phố trẻ. Từ năm 1997 sức hấp dẫn của Đà Nẵng được tăng lên khi có những bước chuyển khá táo bạo trong việc lựa chọn con đường riêng để phát triển. Diện mạo Đà Nẵng thay đổi khá nhanh và được xem như là một địa phương để lại nhiều ấn tượng trong cả nước, trong đó nổi bật về chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Những kết quả đó ngày càng bộc lộ khi Đà Nẵng kiên trì thực hiện từng bước chương trình “5 không” và gần đây là “3 có”.

Là vấn đề quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần, sự vận động của tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội ở Đà Nẵng cũng không nằm ngoài các qui luật của nhu cầu văn hóa tinh thần vốn đa dạng và phong phú. Tuy nhiên so với các tỉnh ở miền Trung thì sự vận động và biến đổi của tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội ở Đà Nẵng vẫn có những khác biệt trong quá trình phát triển.

Về tổ chức tang ma, sự vận động này về cơ bản vẫn nằm trong quỹ đạo của 2 trục chính là phong tục tập quán truyền thống và luật pháp của nhà nước. Cách đây vài năm, Đà Nẵng đã tổng kết việc thực hiện vấn đề tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội và đã đạt được những kết quả đáng quan tâm.

Ở phương diện pháp luật, đa số người dân thành phố Đà Nẵng đã tuân thủ các thủ tục cần thiết khi đăng ký, kê khai, báo tin, báo tử …ở xã phường. Trong quá trình diễn ra lễ tang không để xảy ra mất trật tự công cộng, gây bất ổn chính trị xã hội và làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục. Về cơ bản các bước của lễ tang chỉ diễn ra trong 3 ngày (ngoại trừ một số trường hợp kiêng kỵ như chết đúng ngày trùng, chết đường chết chợ…) với các bước trình tự như: liệm, nhập quan (tắm rửa người chết đặt vào quan tài, thành phục, phúng điếu, di quan, an táng, mở cửa mả, tuần tiết (làm tuần 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, 1 năm (giáp năm) và 3 năm (mãn khó). Ngoài ra còn có một số lễ nghi khác như lễ cầu siêu, hò đưa linh, lễ xin đường… thậm chí còn có một số lễ đặc biệt khác do cái chết diễn ra không bình thường như: “chết không toàn thây”, chết đường chết chợ”…

Tuy nhiên, vấn đề tổ chức tang ma ở Đà Nẵng vẫn còn một số biểu hiện lệch lạc, mê tín, gây phiền phức rất nhiều đến môi trường văn hóa của cộng đồng. Chẳng hạn như có gia đình kéo dài lễ tang đến 6 ngày và đi kèm với thời gian đó là đội kèn rên rỉ suốt ngày đêm. Một số gia đình còn quan niệm rằng tổ chức lễ tang càng to, càng lâu mới có hiếu với ông bà, cha mẹ, mới thể hiện được tình cảm với người thân. Điều đáng nói là những trường hợp này thường rơi vào những người giàu có, đặc biệt là một số cán bộ đảng viên có chức có quyền. Ngoài ra còn có một số thầy cúng lợi dụng lúc tang gia bối rối để trục lợi, gây thêm khó khăn cho những gia đình vốn nghèo khó.

Cưới xin ở Đà Nẵng hiện nay cũng vận hành theo xu hướng hiện đại trên cơ sở kế thừa truyền thống, nghĩa là kết hợp một cách hài hoà giữa qui định của pháp luật với truyền thống dân tộc. Theo điều tra của UBND thành phố Đà Nẵng, phần lớn các cặp vợ chồng đều đăng ký kết hôn trước khi cưới, nhưng tỷ lệ này vẫn chưa thật cao (chỉ mới 76%), vẫn còn một số trường hợp cưới nhưng không đăng ký kết hôn (3,7%) và vẫn còn nhiều đôi nam nữ sống chung nhưng không đăng ký kết hôn, không cưới.

Một điều đáng nói là trong khi ở một số nơi khuyến khích lễ cưới tập thể thì ở Đà Nẵng lại không mặn mà với hình thức này. Điều này có nguyên nhân ở chỗ các lễ cưới tập thể vẫn chưa có sức hút, mới nhưng không hay trong khi sức mạnh của truyền thống vẫn còn đang có ý nghĩa quan trọng trong gia đình, dòng họ.

Thời gian gần đây, lễ cưới ở Đà Nẵng đã có xu hướng thương mại hoá. Tính chất thiêng liêng bị giảm sút và thay vào đó là sự phô trương thanh thế, phô trương mối quan hệ đồng thời trục lợi từ quà cưới trong các phong bì. Trong những năm gần đây, nhiều lễ cưới ở Đà Nẵng buộc phải tổ chức ở những nơi rộng rãi như Công viên nước vì số lượng khách mời quá đông, có tiệc cưới lên đến 1.200 người, nhiều gia đình tổ chức cưới từ 3- 4 ngày. Điều dở khóc, dở cười là nhiều đám cưới chủ nhân và khách mời không biết mặt nhau, cô dâu chú rể chưa xuất hiện thì nhiều bàn tiệc đã xong. Quà cưới cũng mất hết ý nghĩa mà thay vào đó là những chiếc phong bì nhàu nát, lạnh lùng và vô cảm.

Cùng với tổ chức tang ma, cưới xin thì lễ hội ở Đà Nẵng cũng có những chuyển biến khá mới mẻ theo hướng hiện đại. Nếu như tổ chức tang ma, cưới xin chịu sự ràng buộc chặt chẽ của gia đình, dòng họ thì lễ hội lại được mở rộng ra ở không gian lớn hơn như làng xã, hoặc lớn hơn làng xã.Mức độ hoạt động và ảnh hưởng của lễ hội có qui mô hơn, được quảng bá nhiều hơn. Về cơ bản lễ hội Đà Nẵng có 2 dạng: lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại. Hoạt động của hai loại hình này có nét khác biệt cả về chức năng tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nhu cầu phục vụ nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với lễ hội truyền thống thì ở Đà Nẵng có một số lễ hội tiêu biểu và nổi bật như lễ hội Cầu ngư ở Thanh Khê, lễ hội Quán Thế Âm ở Hoà Hải, lễ hội đình làng ở Tuý Loan…Các lễ hội này theo định kỳ lại xuất hiện như một thời điểm mạnh để củng cố, bồi đắp sự kết dính cộng đồng thông qua việc tưởng niệm các vị thần thánh., những người có công khai khẩn đất đai, lập làng…Đây cũng là nơi các giá trị văn hóa phi vật thể có cơ hội được thăng hoa để khẳng định diện mạo văn hóa Đà Nẵng.

Khác với lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại diễn ra vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn hoặc quảng bá du lịch. Kinh phí cho những lễ hội này rất đáng kể nhưng mức độ ảnh hưởng của nó chưa cao. Nếu so với lễ hội truyền thống thì từ kịch bản, kinh phí đến diễn viên, người tham gia có sự khác nhau đáng kể.

Cái được của lễ hội hiện đại ở Đà Nẵng là quảng bá rộng khắp đất nước để thu hút khách du lịch, nhưng lại thiếu bền vững vì nó chưa trở thành nhu cầu thực sự của người dân địa phương bởi lẽ tính chất sân khấu của lễ hội hiện đại không làm tăng thêm sự cộng cảm của những người tham gia lễ hội.

Nhìn chung việc tổ chức cưới xin, tang ma, lễ hội ở Đà Nẵng về cơ bản diễn ra tương đối thuần nhất theo luật pháp của nhà nước và phong tục tập quán của dân tộc. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tổ chức cưới, tang quá rườm rà, lãng phí, thương mại hóa bị dư luận phê phán. Điều đáng quan tâm là trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc cưới, việc tang và lễ hội ở Đà Nẵng nếu không được quản lý tốt sẽ đi theo vết xe đổ của các thành phố lớn mà sự mê tín tỷ lệ thuận với sự giàu có và tính chất thương mại hóa sẽ từng bước làm hoen ố thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Một số giải pháp.

Ngày 12-1-1998, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 27- CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Chỉ thị nêu rõ: “Những năm gần đây, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang chế thị trường, chúng ta có phần buông lỏng chỉ đạo, quản lý trên một số lĩnh vực xã hội, xem nhẹ việc giáo dục lối sống và nếp sống, thiếu sự hướng dẫn kịp thời về phong tục, thiếu những qui định cụ thể của Nhà nước đối với việc cưới, việc tang lễ hội, nên đã để phát sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh trong xã hội. Nhiều gia đình, trong đó có cả những cán bộ có chức có quyền, vì động cơ hiếu danh, vụ lợi, tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, phô trương, có những trường hợp thực chất là bán cỗ thu tiền. Mê tín dị đoan cùng nhiều hủ tục, kể cả một số hủ tục mới hình thành do thói đua đòi, và do cách học theo nước ngoài thiếu sự phê phán, chọn lọc, đang có khuynh hướng phục hồi và phát triển ở nhiều nơi...”. Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên cơ sở bảo tồn có chọn lọc, gạn đục khơi trong những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, kiên quyết loại bỏ dần những biểu hiện lỗi thời, lạc hậu, tổ chức cưới xin, tang ma, lễ hội một cách lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí, chống lại xu hướng kinh doanh trục lợi, xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.

Từ tinh thần chủ đạo trên thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các mô hình tổ chức cưới, tang hay lễ với ứng các yêu cầu sau:

- Đúng pháp luật: Thực hiện đủ các thủ tục kê khai, đăng ký ở xã, phường; cưới phải có đăng ký kết hôn, tang phải có báo tử.

- Giữ đạo lý: Giữ gìn đạo lý gia đình: kính trọng tổ tiên ông bà, hiếu đễ với cha mẹ, chung thuỷ, không chạy theo tiền bạc, của cải, không hám danh, hợm của.

- Hoà hợp với cộng đồng: Tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội phải tôn trọng những giá trị chuẩn mực chung của cộng đồng, thể hiện được sự tương thân tương ái, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn khi đám cưới, lễ hội hoặc có tang.

- Hợp với thời đại: Cách thức tổ chức các tiệc cưới , lễ hội hay đám tang cần phù hợp với xu thế hiện đại tránh tình trạng phục hồi mê tín dị đoan mà phải thật sự văn minh, khoa học, tiết kiệm, lành mạnh.

Để thực hiện tốt những vấn đề trên cần có những giải pháp sau:

1. Tiếp tuc nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp dân cư về vị trí, vai trò quan trọng của việc cưới xin, tang ma, lễ hội cũng như những tiêu cực cần loại bỏ trong đời sống văn hóa tinh thần.

Chúng ta biết rằng việc tổ chức cưới xin, tang ma, lễ hội là chuyện tế nhị của gia đình cho nên để thực hiện nếp sống văn minh đô thị chúng ta phải đặc biệt coi trọng giải pháp tuyên truyền, định hướng giá trị cho mọi tầng lớp dân cư chứ không nên chỉ quá máy móc dùng biện pháp hành chính để giải quyết. Trong tác phẩm Đời sống mới được viết năm 1947 Bác Hồ đã phê phán việc làm nóng vội là thấy ai mua vàng mã đều giật lấy đốt hết cho nên đã làm hỏng việc.

Để nâng cao nhận thức, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong đời sống xã hội về giá trị của việc cưới xin, tang ma, lễ hội cũng như mặt tiêu cực của nó. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng một mặt nêu gương người tốt, việc tốt đồng thời phê phán người xấu, việc xấu đối với với những hiện tượng như khoa trương, thương mại hóa, lãng phí…đặc biệt là đối với những cán bộ, đảng viên. Để làm được điều này các cơ quan truyền thông cần có cơ chế “độc lập tương đối” để tránh những áp lực cần thiết khi những người có chức, có quyền cố tình ém nhẹm, bưng bít. Tại sao những đám tang, đám cưới phô trương, lãng phí, bán cỗ lấy tiền lại chỉ dừng lại ở những lời xầm xì mà không được công khai trên báo chí bằng nhiều hình thức?

Nên tổ chức các đợt tập huấn, học tập ngắn ngày (có thể lồng ghép với các cuộc vận động khác) cho đội ngũ cán bộ cơ sở từ quận huyện đến khối phố, thôn và những người làm dịch vụ về cưới xin, tang ma, lễ hội đồng thời định hướng dư luận về việc thực hiện nếp sống mới theo hướng tiết kiệm, lành mạnh nhưng vẫn đảm bảo được đạo lý dân tộc và hài hoà với những chuẩn mực cộng đồng.

2. Xây dựng và hoàn thiện qui chế về tổ chức cưới xin, tang ma, lễ hội, xem đây như là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng đời sống văn hóa.

Trong “3 có” của thành phố Đà Nẵng thì nếp sống văn hóa là mục tiêu vô cùng quan trọng để đánh giá bước phát triển thật sự của thành phố. Để có nếp sống văn hóa thì không thể không thực hiện tốt việc cưới xin, tang ma, lễ hội – một trong những bộ phận quan trọng hình thành nên môi trường văn hóa lành mạnh của tp Đà Nẵng.

Trước hết cần đưa việc cưới xin, tang ma, lễ hội ra thảo luận trước công chúng, lấy ý kiến người dân, sau đó xây dựng qui chế đưa vào hệ thống các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khối phố, làng xã văn hóa, cơ quan công sở văn hóa. Cần xem việc vi phạm các qui chế về việc cưới xin, tang ma, lễ hội cũng quan trọng như các tiêu chí khác (ví dụ như sinh con thứ 3) bởi lẽ các đối tượng vi phạm phần lớn là cán bộ công chức nhà nước. Đối với các trường hợp này nhất thiết phải “mở đường dây nóng” để cho mọi người dân có cơ hội nhiều hơn trong việc kiểm tra, giám sát của mình.

Một vấn đề cần lưu ý là các qui chế cần phải phù hợp với từng địa bàn dân cư, phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo, tránh rập khuôn máy móc, áp đặt một qui chế duy nhất khi các thành phần dân cư Đà Nẵng vốn đa dạng, phong phú. Chẳng hạn như việc tang ma, cưới xin của tín đồ Công giáo, Tin lành, Phật giáo sẽ khác với người không theo tôn giáo, của người thiểu số khác với người Kinh.

3. Tăng cường quản lý, điều chỉnh, giám sát đối với các dịch vụ liên quan đến việc cưới, việc tang và lễ hội đồng thời phát huy vai trò gương mẫu, chủ động của các tổ chức chính quyền, đoàn thể, cán bộ đảng viên.

Chúng ta biết rằng nhu cầu tinh thần trong việc cưới xin, tang ma, lễ hội là rất quan trọng, nhưng những nhu cầu đó lại bị phụ thuộc, bị động rất nhiều vào đội ngũ thầy cúng, thầy bói và các dịch vụ về cưới xin, tang ma, lễ hội. Thực tế cho thấy các lễ thức về việc cưới xin, tang ma, lễ hội đã đốt hàng tỷ đồng cho việc mua sắm vàng mã mà quên đi sự lãng phí thái quá. Chẳng hạn, theo điều tra, trong Tết Quý Mùi, ở Hà Nội nhân dân đã lãng phí 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Vì vậy, cần quản lý tốt các dịch vụ vàng mã, vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân vừa giữ trong sạch môi trường do đốt quá nhiều vàng mã.

Mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể cần nêu cao tinh thần gương mẫu trong quá trình xây dựng nếp sống mới. Chúng ta phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa văn minh nhưng không gương mẫu và hướng dẫn tận tình thì người dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện qui chế mới. Điều tra cho thấy có tới 95% số người được hỏi cho rằng UBND thành phố Đà Nẵng cần đưa ra những hướng dẫn, qui định cụ thể về việc cưới xin, tang ma, lễ hội để từng bước thực hiện trong từng khu phố dân cư. Điều này cho thấy ý thức của người dân Đà Nẵng cũng rất cao đối với việc cưới xin, tang ma, lễ hội. Điều quan trọng là các cấp các ngành phải biết phát huy tối đa truyền thống văn hóa này bằng chính sự gương mẫu của mình./.

TS. Nguyễn Ngọc Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất