Nếu nói "cái răng cái tóc là góc con người", thì đối với một cuốn sách, cái bìa sách cũng có giá trị phản ảnh tương tự. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường sách bung ra loại sách "nhà nước và nhân dân cùng làm", tác giả nộp tiền quản lý phí và tự lo in ấn, phát hành, thì việc bìa sách ra sao, bìa sách thế nào dường như được khoán trắng cho tác giả.
Bởi vậy, ngoài chức năng làm đẹp, đã xuất hiện những hiện tượng đáng ngẫm ngợi dưới đây: Tạm gọi là những bìa sách làm ra để... "giải hạn", để khoe mẽ, để trả ơn và để... quảng cáo. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập tới một số bìa sách văn nghệ.
Công bằng mà nói, tập thơ ấy của nhà thơ C. là một tập thơ khá hay, song có điều rất lạ là ở bìa 4 của sách, đập vào mắt người đọc là hình ảnh một cậu bé chừng vài tháng tuổi, ở truồng, nằm chổng "cần câu" trong tư thế chuẩn bị... tè.
Bên dưới là dòng tên tác giả và năm sinh của anh. Thoạt đầu, mọi người ngỡ tác giả vì quá yêu con nên thay vì in ảnh mình, đã quyết in ảnh con mình, song hỏi ra mới biết đó chính là ảnh... tác giả chụp cách đấy hơn bốn chục năm.
Lại hỏi, tại sao anh cho in ảnh trên, thì được tác giả trả lời: Vì trong tập thơ có nhiều bài nói về cái chết, nên nếu không muốn để nó "ứng nghiệm" vào đời tác giả thì - theo lời khuyên của một ông thầy số "cao tay"- cần phải in ảnh trẻ con, và cái "cần câu" kia là biểu tượng cho... sự sinh. Tóm lại, đó là một cách để... "giải hạn".
Được biết, cũng có ý thức "giải hạn" khi nhận thấy, trong tập thơ của mình, kể từ cái tên lẫn nội dung có nhiều bài trực tiếp nói về cái chết, về "cõi khác", song nhà thơ H. lại có cách hành xử khiến bạn đọc dễ đồng cảm hơn. Ấy là, ngoài việc in tấm hình tác giả hiện thời ở mép gấp của bìa, anh cho in thêm ở bìa 4 một bàn tay đang giơ lên tấm hình cậu bé Trương Nam Hương lúc mới 2 tuổi - một cậu bé có gương mặt kháu khỉnh, ăn vận... lịch sự. Như vậy, tác giả không hề khiến người đọc vướng bận điều gì về cách sử dụng ảnh hơi trái với thông lệ của mình.
Với cô giáo M.D., giáo viên của một trường trung học thuộc quận Hai Bà Trưng, dường như việc in thơ chỉ mang tính kỷ niệm. Bởi vậy, ở bìa 4, cô cho in một tấm ảnh cỡ 9x12 có hình cô đang dạy ba cậu con trai học bài. Ba cậu bé gương mặt khôi ngô ngồi chăm chú nghe mẹ giảng.
Và ở trước ngực mỗi cậu bé, cô giáo M.D. cho khoanh tròn các số 1,2,3. Ở dưới bức ảnh, cô chú thích tên từng cậu bé, hiện học trường nào, thành tích học tập ra sao. Kể ra niềm tự hào ấy của người mẹ cũng chính đáng thôi, song nó không có tác dụng gì với độc giả của tập thơ ấy cả. Bởi họ mua sách để đọc thơ cô chứ không phải để biết cô hiện đã có chồng chưa, được mấy con, học lực của chúng ra sao.
Cũng in ảnh người thân nhưng đặc biệt vô duyên là trường hợp tác giả T. Đọc cái tên mạnh mẽ, ngang tàng của tác giả, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy ở bìa 4 của tập thơ mới của anh, thay vì một người đàn ông như họ hình dung, lại là hình một người phụ nữ đang cười ngặt nghẽo và ngồi trên lưng một chú ngựa.
Khi được hỏi: Tại sao tác giả không in ảnh mình, và người phụ nữ này có vai trò như thế nào với tác giả tập thơ, thì anh khùng khục cười giải thích "đó là cô bồ", hiện là giám đốc của một doanh nghiệp khá thành đạt. Anh cho trưng lên bìa 4 bức ảnh ấy, bù lại, tập thơ được nữ giám đốc tài trợ toàn bộ tiền in ấn.
Gần đây nhất, tác giả trẻ K. đã cho xuất hiện ở bìa cuốn sách mới xuất bản của mình tấm hình cô đang cởi (hay là cài lại?) khuy áo ở khu vực khá "nhạy cảm". Hẳn không phải ngẫu nhiên tác giả chọn bức ảnh này để trưng ra trước bàn dân thiên hạ, bởi ngay cái tên sách cũng được nhiều người cho là một cách "mồi" trai...
Suy cho cùng, những điều "chướng tai gai mắt" nói trên chỉ làm giảm lòng yêu mến của những người đọc đích thực đối với tác giả các tập sách đó mà thôi. Không còn là sớm sủa nếu lãnh đạo các nhà xuất bản không quản lý chặt chẽ khâu trình bày bìa của các ấn phẩm, nhất là các ấn phẩm do tác giả liên kết xuất bản.
Có người ví cái bìa của một cuốn sách có vai trò như trang phục của con người. Làm sao đừng để độc giả bị phản cảm ngay từ lần "tiếp xúc" đầu tiên/.
(Theo: Hà Khải Hưng/CAND)