Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 27/9/2009 9:2'(GMT+7)

Bí thư cấp ủy tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nét mới trong công tác tuyên giáo ở Đồng Tháp

Tranh luận- đối thoại sôi nổi tại Hội thảo đại biểu dân cư với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tổ chức ngày 24/9 tại Đồng Tháp. Ảnh minh họa

Tranh luận- đối thoại sôi nổi tại Hội thảo đại biểu dân cư với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tổ chức ngày 24/9 tại Đồng Tháp. Ảnh minh họa

Trong những năm qua, việc chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung với nhiều chính sách an sinh xã hội có hiệu quả, nhiều hoạt động thiết thực phát huy dân chủ xã hội. Quyền tự do dân chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, quyền được thông tin, được tham gia vào công tác quản lý nhà nước của nhân dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, tính phức tạp của công tác quản lý nhà nước cũng như công tác lãnh đạo của các cấp uỷ địa phương trong sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự chuyển biến đa dạng của tình hình xã hội cùng với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống pháp luật làm cho sự hiểu biết của nhân dân đối với công việc của các đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương ngày càng có khoảng cách lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tâm trạng, dư luận xã hội phức tạp, dễ tạo ra sự mất đồng thuận xã hội cũng như thiếu thống nhất trong hệ thống chính trị ở địa phương. Nhiều vụ khiếu kiện của nhân dân xuất hiện một phần do thiếu sót của các bộ thực thi công vụ, một phần do sự thiếu hiểu biết của nhân dân đối với công tác lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Một số công trình, dự án, một số vấn đề thật sự bức xúc đối với nhân dân, nhưng do cấp uỷ chưa nhận thức được tính cấp thiết đó nên chưa chỉ đạo kịp thời để giải toả dư luận.

Trước tình hình đó, năm 2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát động trong hệ thống Tuyên giáo của Tỉnh hiến kế sáng kiến, cách làm mới trong công tác tuyên giáo. Ý tưởng về việc tổ chức cho bí thư cấp uỷ đảng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân được khởi xướng, nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa triển khai được. Khi Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Hội nghị Trung ương năm (khoá X) về “công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” được ban hành, trong đó, một trong những giải pháp quan trọng trong công tác tư tưởng được Nghị quyết đặt ra là “Xây dựng cơ chế các cấp uỷ đảng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở với cơ quan làm công tác tư tưởng trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức bí thư cấp uỷ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, thí điểm cấp xã ở Lấp Vò, Lai Vung và thí điểm cấp huyện là Tân Hồng. Sau khi tổ chức thí điểm và rút kinh nghiệm, đã có thêm 5/12 huyện, thị, thành và 10/ 142 xã, phường thị trấn tiếp tục thực hiện. Hiện nay, tất cả các huyện, thị, thành và hầu hết các xã, phường, thị trấn thực hiện và đi vào nề nếp, thực hiện hàng quý hoặc 6 tháng.

Mô hình bí thư cấp uỷ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân được đề ra với mục đích là tạo ra một diễn đàn dân chủ để đồng chí bí thư cấp uỷ đảng của các địa phương gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhân dân, thông qua đó, phát hiện kịp thời những vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ giữa đảng bộ với nhân dân địa phương để có biện pháp tháo gỡ nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Trong hai năm qua, các cấp uỷ đảng đã xúc tiến được hàng trăm cuộc gặp gỡ trao đổi giữa bí thư đảng với nhân dân, qua đó đã phát hiện và giải quyết được nhiều vụ việc cụ thể về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống, vệc làm, tình làng nghĩa xóm…góp phần đáng kể trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữäa Đảng với dân. Đây cũng là một hoạt động góp phần giảm bớt những vụ việc khiếu kiện của nhân dân.

Mặt khác, hoạt động này còn có mục đích và tác dụng rất quan trọng về mặt tư tưởng. Thông qua những cuộc gặp gỡ này mà đồng chí bí thư và các cơ quan tham mưu của cấp uỷ, các cơ quan nhà nước, đoàn thể có dịp tuyên truyền được nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giải thích cho nhân dân hiểu đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và cấp uỷ địa phương, cũng như những khó khăn trong công tác lãnh đạo, điều hành để nhân dân hiểu và thông cảm. Từ đó, nhân dân hiểu về Đảng nhiều hơn, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng, đồng thuận xã hội. Như vậy, chính đồng chí bí thư cùng với các cơ quan tham mưu của cấp uỷ, các cơ quan nhà nước, đoàn thể đã trực tiếp làm công tác tư tưởng với dân. Đây chính là kết quả tích cực. Đây là việc mà các đồng chí công tác trong hệ thống tuyên giáo và các cấp uỷ mong muốn từ lâu: huy động cả hệ thống chính trị phối hợp làm công tác tuyên giáo với sự tham gia trực tiếp của đồng chí bí thư.

Đánh giá bước đầu kết quả mô hình hoạt động này, trong Thông báo kết luận số 329 ngày 25-4-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã nên rõ: …“Các cấp uỷ đã làm tốt công tác chuẩn bị cho buổi tiếp xúc, đối thoại, phân công trách nhiệm cụ thể và phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan, đa số chủ đề của các buổi tiếp xúc đối thoại được lựa chọn phù hợp, phản ánh đúng vấn đề xã hội bức xúc nên nhân dân tham gia nhiệt tình, có nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp. Các đồng chí bí thư chủ trì xử lý vấn đề nhân dân đặt ra khá rõ ràng, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết từng vấn đề cụ thể, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thời gian và địa điểm tổ chức tiếp xúc, đối thoại phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, thuận lợi cho nhân dân tham dự. Hệ thống truyền thanh thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau buổi tiếp xúc, đối thoại”.

Hiệu quả của mô hình đã được khẳng định qua những kết quả cụ thể ở các địa phương thực hiện tốt như Huyện uỷ Tân Hồng, Huyện uỷ Cao Lãnh, Huyện uỷ Châu Thành, Huyện uỷ Tháp Mười... Các địa phương đã duy trì được việc Bí thư huyện uỷ tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân định kỳ hàng quý ở các cụm xã. Nhiều xã, thị trấn cũng duy trì được chế độ tiếp xúc định kỳ. Các buổi tiếp xúc, đối thoại của các đơn vị này đã giải quyết được nhiều vấn đề thắc mắc của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.

Về kinh tế, các đồng chí bí thư cấp uỷ đã giải thích cho nhân dân hiểu rõ hơn về việc triển khai thục hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương, ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vấn đề liên kết “4 nhà” để giúp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, giải pháp phát triển bộ mặt nông thôn của địa phương, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản bảo đảm vệ sinh môi trường, giao thông đường thuỷ, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, vấn đề vật tư nông nghiệp kém chất lượng, vấn đề tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế...

Về văn hoá-xã hội, nhân dân đã được giải thích rõ những vấn đề về giáo dục, y tế, an ninh trật tự như vấn đề học sinh bỏ học, tín dụng sinh viên, học sinh, nông dân, về biện pháp xử lý vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn...

Chính thông qua giải đáp những việc mà nhân dân thắc mắc, các đồng chí bí thư cũng như các ngành chức năng phát hiện thêm những vấn đề bức xúc của nhân dân, những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành, thấy rõ hơn những vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết ngay. Cũng từ đó có thêm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu ban hành những chủ trương mới, điều chỉnh, bổ sung những chương trình, kế hoạch, quyết sách trên các lĩnh vực cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Việc tiếp xúc, đối thoại cũng giúp cho cấp uỷ đảng phát hiện thêm những ưu điểm cũng như những hạn chế của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực thi công vụ mà nhân phát hiện, phản ánh. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để đồng chí bí thư giải thích cho nhân dân hiểu hơn về công việc của đội ngũ cán bộ, tìm được sự đồng cảm của nhân dân đối với cán bộ.

Có nhiều sự việc đã được giải toả thắc mắc để đi đến đồng thuận thông qua những cuộc đối thoại. Chẳng hạn, khi nhân dân nêu lên những bức xúc trước sự chậm trể của một số công trình xây dựng giao thông, điện, đường, đồng chí bí thư cùng với các ngành chức năng giải thích, nhân dân mới hiểu sự chậm trễ đó là do việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn vì có một số hộ dân “kỳ kèo” quá đáng, nhưng các cơ quan chức năng thì không thể cưỡng chế vì khi cưỡng chế sẽ phát sinh một số vấn đề xã hội khác phức tạp hơn. Hoặc trong liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), qua việc đối thoại, nhân dân hiểu rõ hơn bản chất của những trường hợp thất bại trong việc liên kết này là chữ “tín” của người nông dân và chữ “tâm” của nhà doanh nghiệp. Ở một số hợp tác xã lúa chất lượng cao, sự liên kết đã gặp khó khăn bởi khi giá lúa thị trường tăng cao thì nông dân không thực hiện theo hợp đồng, không bán lúa cho doanh nghiệp mà đem bán cho thương nhân bên ngoài. Ngược lại, khi giá lúa trên thị trường giảm thì doanh nghiệp ép giá nông dân hoặc không mua lúa của nông dân với lý do hàng chưa bảo đảm chất lượng…

Những cuộc đối thoại cũng giúp cấp uỷ tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân đối với một số kế hoạch, quy hoạch của địa phương. Nhất là trong quy hoạch vùng chăn nuôi thuỷ sản. Qua việc giải thích của đồng chí bí thư, người dân hiểu rõ hơn về tính nguy hại của việc gây ô nhiễm môi trường khi nhân dân tiến hành tràn lan việc xây dựng các hầm nuôi cá ven sông mà không có biện pháp xử lý nước thải. Người dân đã đồng tình với quy hoạch của Nhà nước và thực hiện theo quy hoạch. Đối với những hộ đã vi phạm, đồng chí bí thư cũng đã giải thích cho nhân dân biết, sở dĩ chính quyền chỉ lập biên bản, giáo dục chứ chưa xử phạt vì nếu xử phạt thì buộc các hộ phải san lấp hầm trong khi các hộ này đã bị thua lỗ trong đợt sụt giảm giá cá vừa qua, thì các hộ này sẽ không thể gánh chịu nổi chi phí quá lớn.

Tóm lại, mô hình bí thư tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân là một hình thức công tác tư tưởng thiết thực theo Nghị quyết Trung ương năm (khoá X) được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây chính là một diễn đàn quan trọng để cấp uỷ làm công tác tư tưởng, là một trong những kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chủ trương của đảng bộ và chính quyền địa phương. Diễn đàn này chính là một biện pháp phát huy dân chủ xã hội, vì nhân dân có cơ hội thuận lợi nhất để tiếp xúc với người lãnh đạo cao nhất ở địa phương để giải toả những bức xúc của mình và cũng là cầu nối quan trọng để góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân./.

Kiều Thế Lâm

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất