Thứ Tư, 27/11/2024
Thể thao
Thứ Ba, 24/11/2009 9:17'(GMT+7)

Biết rồi, khổ lắm... nhưng vẫn phải nói

Liệu NHM có còn xúc cảm nếu ĐTQG toàn cầu thủ nhập tịch?

Liệu NHM có còn xúc cảm nếu ĐTQG toàn cầu thủ nhập tịch?

Rất tiếc, những ý kiến đó đẩy một sự việc vốn hết sức bình thường trong nền bóng đá trở thành vấn đề mang tầm vĩ mô, thậm chí bị coi là “vi hiến”. Vì thế, người viết xin phép được mạn đàm về đề tài tưởng chừng rất cũ và chẳng có gì bàn này.

Chuyện cũ viết lại

Cách đây 1 năm, khi làn sóng cầu thủ nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam ngày một lan rộng tại BĐVN, không ít lần báo chí đã đặt câu hỏi với lãnh đạo VFF. Đã có sự bức xúc từ dư luận, thậm chí chỉ trích cơ quan quản lý vì không đủ những rào cản có tính pháp lý để ngăn chặn những hệ lụy tiêu cực với nền bóng đá. Rất mừng là những người làm bóng đá đã ngồi lại với nhau để đi đến thỏa thuận mang tính bước ngoặt là từ mùa giải 2010, “chỉ có một cầu thủ nhập tịch được ra sân”.

Trước đây, vì không hạn chế ngoại binh “nhập tịch”, VFF đã chịu “búa rìu dư luận”. Nay quyết định vì tương lai của nền bóng đá được đưa ra thì nó lại bị một số người đả phá một cách quyết liệt. Đáng nói hơn, những ý kiến chỉ trích đó đã nhìn nhận vấn đề một cách không đúng bản chất muốn lấy áp lực dư luận làm thay đổi quyết định của những người làm bóng đá. Thật là khó hiểu!

Hãy vì tương lai!

Có người nói quyết định của VFF thách thức dư luận, vi phạm nhân quyền. Nhưng xin hỏi, dư luận ở đây là gì? Ai định hướng dư luận? Phải chăng dư luận là một số người đặt quyền lợi của mình lên trên tiếng nói thống nhất của đại đa số các đội bóng? Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải sòng phẳng trong cách xét đoán sự việc, bởi “một nửa chiếc bánh mì là nửa chiếc bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật”!

Một số ý kiến cho rằng, “luật” của VFF là trên luật, là “vi hiến”, bất hợp pháp. Trả lời báo Tuổi trẻ ngày 22/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Quy định của VFF không phải là văn bản quy phạm pháp luật do VFF là một hội nghề nghiệp. Và ở hiệp hội, người ta có thể thỏa thuận với nhau ở mức độ nhất định về những vấn đề sẽ đáp ứng chung lợi ích của hiệp hội”. Vậy là đã rõ, trong sân chơi của mình, những người làm bóng đá có thể cùng thỏa thuận nhằm đảm bảo lợi ích và tương lai của mình. Thực tế quy định kiểm soát cầu thủ “nhập tịch” cho thấy trách nhiệm với nền bóng đá. Vậy thì sao có thể nói, quyết định ấy thách thức dư luận? Hơn nữa, quyết định của VFF không phải tước quyền lao động, ngăn cản cầu thủ ngoại nhập quốc tịch Việt, mà thực tế là đưa ra những quy định về quyền sử dụng với các đội bóng. Không thể đánh đồng hai khái niệm này để dẫn tới một sự hiểu sai về quyền lợi của công dân.

Xung quanh vấn đề “nhập tịch” cầu thủ, nhiều người đưa ra ý kiến phản biện dường như vẫn còn rất lơ mơ về kiến thức luật pháp. Có người yêu cầu VFF phải khống chế, hoặc đưa ra những quy định ngặt nghèo về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho cầu thủ ngoại. Quyền năng của VFF không thể lớn đến thế. Quyết định cho phép một công dân nước ngoài khi đã hội đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thuộc về Nhà nước. Điều duy nhất VFF có thể làm là đưa ra những quy định để điều hành sân chơi của mình. Và nếu ai cảm thấy không chấp nhận điều lệ (không phải văn bản pháp quy) vốn có sự thống nhất thì có thể đứng ra ngoài.

Thử mường tượng ra một viễn cảnh nếu VFF thả nổi vấn đề cầu thủ nhập quốc tịch Việt thì BĐVN sẽ thế nào? Khi ấy, các đội bóng nhiều tiền sẽ chơi với 3 ngoại binh và 8 cầu thủ “nhập tịch”. Lúc đó, nền bóng đá của chúng ta sẽ còn lại gì? Một dân tộc giầu truyền thống như Việt Nam không thể chấp nhận một nền bóng đá thiếu bản sắc, thi đấu với 11 cầu thủ “ngoại”. Và NHM càng không thể chấp nhận nếu BĐVN vì thành tích trước mắt mà hủy hoại sự nghiệp đào tạo trẻ. Chúng ta có tự hào không nếu ĐTQG, ĐT U23 đi thi đấu ở nước ngoài với 11 cầu thủ “nhập tịch”? Chúng ta sẽ trả lời với tương lai thế nào về một nền bóng đá chỉ nghĩ đến việc hái ngọn? Câu trả lời xin được dành cho dư luận./.

Khắc Sơn - Báo Bóng Đá

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất