Chủ Nhật, 22/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 23/11/2009 13:53'(GMT+7)

Giã từ những ngày buồn?

Hy vọng lấy vàng ở Sea Games 25 được đặt lên vai ĐT quyền Anh nữ

Hy vọng lấy vàng ở Sea Games 25 được đặt lên vai ĐT quyền Anh nữ

Quá khứ trắc trở

Trước và sau năm 1975, tại các kỳ tranh tài ở SEAP Games và SEA Games, dù có nhiều cố gắng nhưng thành tích của quyền anh Việt Nam cũng chỉ dừng bước ở HCĐ, HCB.

Sau khoảng bảy năm gián đoạn và quên lãng, quyền anh mới chính thức được phép hoạt động trở lại từ cuối tháng 2/2002.

Cũng như môn đấu kiếm, quyền anh có mặt ở Việt Nam vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước và đều bị đứt quãng do tính chất đối kháng quá quyết liệt và kinh phí eo hẹp vào những năm 90.

Với quãng thời gian chuẩn bị ít ỏi và còn non yếu về nhiều mặt, quyền anh VN đã mạnh dạn hội nhập khu vực và tạo được ấn tượng mạnh khi giành 3 tấm HCĐ tại SEA Games 22 trên sân nhà (bằng số lượng cả ba kỳ SEA Games 1989, 1991 và 1993 gộp lại).

Hai năm sau, tại SEA Games 23 Philippines, các võ sỹ VN đổi màu huy chương đồng thành bạc và gia tăng số lượng huy chương (2HCB và 4HCĐ). Thành tích ấy ngỡ như là nguồn động viên lớn để mở ra niềm hy vọng mới cho quyền anh VN.

Thế nhưng, đến SEA Games 24 tại Thái Lan là một bước thụt lùi. Số lượng huy chương tăng (11 huy chương) mà chất lượng đi xuống (chỉ có 1 HCB và 6 HCĐ của nữ, 4 HCĐ của nam, trong đó một nửa số HCĐ giành được là từ kết quả bốc thăm) đã như một dấu hiệu cảnh báo về kế hoạch phát triển cũng như lực lượng VĐV kế cận của quyền anh VN.

So với nam, quyền anh nữ mới có từ năm 2004, nhưng chỉ một năm sau, Tạ Thị Minh Nghĩa và Vũ Thị Hải Yến đã xuất sắc giành HCB SEA Games 23 tại Philippines. Và giờ đây vẫn vậy, quyền anh Việt Nam vẫn trong tình cảnh “âm thịnh dương suy”.

Việc đoạt HCV là mục tiêu vô cùng khó khăn với các võ sĩ của chúng ta khi phải đọ sức cùng các nhà vô địch của Philippines và Thái Lan. Sau ba chiếc HCĐ ở SEA Games 22 trên sân nhà, đội tuyển boxing Việt Nam liên tiếp đặt mục tiêu có được chiếc HCV ở SEA Games 23 rồi 24 nhưng đều bất thành.

Kỳ vọng

Tại SEA Games 25, môn quyền anh sẽ thi đấu từ ngày 11-17/12 tại NTĐ Trung tâm Thể thao Lào thuộc Đại học quốc gia (Vientiane).

Không như SEA Games 24 khi “nước đến chân mới nhảy”, ngay từ đầu năm nay, đội ĐTQG quyền anh nam đã tập huấn tại Hà Nội dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Hùng và Lưu Hồ Điệp cùng chuyên gia Cuba Facundo Felizola Duany.

Trong lúc đó, ĐTQG nữ cũng tập trung tại Hà Nội do các HLV Vũ Đức Thịnh, Nguyễn Như Cường, Nguyễn Thị Thúy Hường và hai chuyên gia CHDCND Triều Tiên hướng dẫn. 

Tại SEA Games 25, quyền anh nam đăng ký tham dự sáu hạng cân nhưng chỉ đặt chỉ tiêu 1 HCB. Trong khi đó, quyền anh nữ chỉ tranh bốn hạng cân, nhưng với sự khởi sắc của những Vũ Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Phương, … nên quyền anh nữ vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu đoạt HCV.

Tại SEA Games 23 tại Philippines, Vũ Thị Hải Yến chỉ thất bại trước Thái Lan trong trận chung kết. Còn tại AI Games 3 mới đây, Nguyễn Thị Hoa cũng thua rất đáng tiếc với tỷ số sát nút 6-8 trong trận chung kết hạng 46kg với Mery Kom Hmangte (Ấn Độ).

Nguyễn Thị Phương thì oanh liệt vượt qua đối thủ rất mạnh từ Trung Quốc là Jin Mei Lin với điểm số 18-5 để lần đầu tiên giúp quyền anh VN giành vàng châu Á.

Việc quyền anh VN giành được 1HCV, 2 HCB và 4 HCĐ tại AI Games 3, xếp đầu khu vực Đông Nam Á, trên cả Thái Lan và Philippines vốn là hai quốc gia có tiếng của làng quyền anh nghiệp dư thế giới khiến niềm tin có vàng tại SEA Games 25 càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

 Tường Vũ - TienPhongOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất