Sau thành công tuyến xe buýt phong cách Nhật Bản triển khai tại nội ô
thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tiếp tục xúc tiến thêm dự án
tuyến xe buýt nhanh phong cách Nhật Bản kết nối từ thành phố mới Bình
Dương với Ga Suối Tiên, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng vốn đầu tư cho dự án này lên đến trên 3.500 tỷ đồng, dự kiến vay bằng nguồn vốn ODA.
Dự án tuyến xe buýt trên nhằm kết nối trục giao thông từ Suối Tiên đến
thành phố mới Bình Dương có chiều dài 30,8km. Mục đích của dự án nâng
cao tính kết nối giữa các đô thị bằng việc triển khai tuyến xe buýt
nhanh và phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, cùng
với việc sắp đặt hợp lý các chức năng đô thị dọc tuyến sẽ hình thành
trục đô thị mật độ cao, tạo sự thay đổi trong phương thức giao thông.
Từ đó, tình trạng ùn tắc được ngăn chặn nhờ hạn chế phương tiện cá nhân
và gia tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công phát triển trong
tương lai.
Kinh nghiệm này lấy từ sự thành công tại tuyến xe buýt mang phong cách
Nhật Bản đang vận hành tại Bình Dương hồi cuối tháng12/2014.
Chiến lược dự án xe buýt nhanh đô thị nhằm chuyển đổi phương thức
giao thông từ phương tiện xe máy cá nhân sang phương tiện xe buýt công
cộng chất lượng cao thông qua hệ thống nhà chờ, bãi đỗ và giữ xe để từng
bước chuyển đổi thói quen đi lại.
Khi người dân đã quen với xe buýt nhanh trong đô thị, sẽ phát triển
lên giao thông công cộng cùng với lộ trình phát triển đô thị, dịch vụ
chất lượng cao dọc tuyến.
Ông Sakai Yoichiro, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tokyu tại Việt Nam,
thành viên đoàn khảo sát JICA cho biết lộ trình phát triển đô thị dọc
tuyến xe buýt nhanh đô thị trải qua 3 giai đoạn tương ứng với các mốc
thời gian năm 2020, 2030 và 2040, góp phần hình thành hạt nhân đô thị
Bình Dương đa chức năng, mật độ dân cư dọc tuyến, trở thành trọng điểm
của ngành công nghiệp, văn phòng chất lượng cao, khu chức chức năng
nghiên cứu và phát triển…
Dự án này do Tổ chức hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản) cùng Tổng Công ty
Đầu tư Phát triển công nghiệp-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên
(Becamex IDC) và Công ty Liên doanh Becamex Tokyu (vốn liên doanh Việt
Nam và Nhật Bản) nghiên cứu tính khả thi.
Tính khả thi của dự án được Tổ chức hợp tác quốc tế (JICA) đánh giá là
rất khả quan trong việc chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương
tiện công cộng ước tính tiết kiệm 3.000 đồng/người/ngày (gồm chi phí
nhiên liệu và tiết kiệm thời gian).
Cụ thể, theo tính toán của JICA từ Suối Tiên đi thành phố mới Bình
Dương, người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy với
thời gian di chuyển trung bình mỗi ngày là 30 phút, chi phí tương ứng
khoảng 18.000 đồng (chưa kể kinh phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa
chữa phương tiện).
Trường hợp thực hiện dự án, thời gian di chuyển sẽ giảm trung bình 5
phút/người nhờ hạn chế tình trạng kẹt xe, kẹt đường và chi phí cũng giảm
3.000 đồng/người/ngày. Như vậy, nếu triển khai thực hiện dự án, mỗi
ngày sẽ tiết kiệm cho xã hội 30 tỷ đồng.
Qua thẩm định, tỷ lệ hoàn vốn của dự án theo tiêu chuẩn trung bình thực
hiện bằng vốn vay ODA là 12% nhưng dự án này có tỷ lệ hoàn vốn đến 53%.
Cũng theo nghiên cứu trên, tổng chiều dài tuyến từ Suối Tiên đến thành
phố mới Bình Dương) gồm lộ trình 30,8km với 15 trạm dừng, dự trù giá vé
trung bình là 10.500 đồng/12km đầu và 522 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Như vậy, đến năm 2040 nguồn thu từ bán vé là 343 tỷ đồng, về khía cạnh
kinh tế, kết quả này bị âm khoảng 5,9%. Tuy nhiên, mục đích chính là để
chuyển dần từ việc sử dụng xe cá nhân sang công cộng.
Dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương thống nhất cao chủ trương và đang báo cáo lên Chính phủ./
Dương Chí Tưởng (TTXVN)