Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 30/12/2010 14:28'(GMT+7)

Tây Ninh: Đời sống người dân biên giới được cải thiện

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dù phong trào được thực hiện trong toàn cộng đồng khu dân cư, nhưng hiệu quả và tác động của cuộc vận động mang lại rõ rệt nhất chính là cuộc sống người dân vùng biên. Sau 15 năm, toàn tỉnh Tây Ninh có 436/495 ấp đạt chuẩn văn hóa, 93,8% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa và 99,3% cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đạt cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh. Người dân khu dân cư, ấp văn hóa đã đóng góp 47,2 tỉ đồng giúp đỡ, tương trợ nhau, trợ vốn không tính lãi trên 51 tỉ đồng cho 86.925 trường hợp có điều kiện sản xuất, kinh doanh; xây dựng được 10.683 căn nhà đại đoàn kết từ phong trào “ Ngày vì người nghèo"… Chính những kết quả chung đó đã tạo tiền đề giúp cho đồng bào biên giới, dân tộc ít người có điều kiện vươn lên trong sinh hoạt và sản xuất. Trong khoảng 5 năm trở lại, các cấp chính quyền, mặt trận luôn kết hợp phong trào với phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ các tôn giáo sinh sống. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát vùng biên giới, kết hợp với hướng dẫn cách làm kinh tế, giúp dần xóa nghèo mang tính bền vững cho địa phương. Thông qua các tổ chức hội, hướng dẫn cho người dân làm kinh tế mới, nên hiện nay trong sản xuất của đồng bào Khmer không còn tình trạng thu hoạch lúa non, sống chung với trâu bò (chuồng trâu năm trong sàn nhà ở). Chính quyền vận động bà con làm chuồng trại riêng, tận dụng nguồn phân thải để làm phân bón, vì vậy năng suất lúa cũng cao hơn trước. Các ấp cũng vận động các hộ không sinh con thứ 3, tất cả trẻ em đến tuổi đều được đến trường đi học…

Trước đây, do phần lớn người dân khu vực biên giới là người nơi khác đến lập nghiệp, hoặc đồng bào Khmer, nên cuộc sống khó khăn. Nay, trong đồng bào dân tộc, những hủ tục và cách thức sản xuất lạc hậu đã được loại bỏ, điều đó giúp bà con làm ăn khấm khá hơn. Hiện nay các khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống như ấp Kà Ốt, Sóc Con Trăn (huyện Tân Châu), Hòa Đông A, Thạnh Động (huyện Tân Biên)… người dân đã bỏ được những tập tục lạc hậu, thực hiện những tập quán mới, dùng nước sạch, từng bước xóa bỏ nhà vệ sinh trên ao hồ… Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Đơn cử như ấp Kà Ốt – xã Tân Đông, huyện Tân Châu, hiện nay tất cả bà con trong ấp đều đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, kết quả có trên 98% hộ được xét công nhận gia đình văn hoá. Mặc dù là một ấp gần giáp biên giới, nhưng nhân dân ở đây đều đã làm các công trình nhà vệ sinh, sử dụng nước sạch nông thôn. Trước đây, mỗi năm nông dân Kà Ốt chỉ sản xuất một vụ lúa, mỗi ngày chỉ làm một buổi rồi nghỉ, do đó đời sống rất khó khăn, nghèo đói triền miên. Được các cấp vận động, hướng dẫn và tạo điều kiện về vốn, nhà ở nên trong những năm gần đây, đồng bào tại ấp đã yên tâm làm ăn, chuyển sang làm một năm ba vụ, ngày làm đủ 2 buổi. Vào những thời gian rãnh rỗi, bà con còn tích cực đi làm thêm như: Cắt mía, thu hoạch củ mì... để tăng thu nhập. Đặc biệt, bên cạnh cây lúa, bà con đã “chịu” trồng cây cao su, mía, mì…

Với những kết quả thiết thực của cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh để phong trào đi sâu vào khu dân cư nhằm tạo điều kiện cho đồng bào ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Dù là xây dựng đời sống văn hóa toàn cộng đồng, nhưng nó đã lan tỏa cả chiều rộng và bề sâu, giúp cải thiện đời sống người dân biên giới cả về vật chất lẫn tinh thần./.

TN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất