(TG)- Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp phải nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong việc giấy chứng nhận đầu tư; kiên quyết không để xảy ra tình trạng chồng chéo trong các thủ tục giữa các đơn vị, để các nhà đầu tư đến với Bình Phước thuận tiện nhất trọng mọi thủ tục hành chính.
Ngày 08/01/2015, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề Hội nhập quốc tế - cơ hội và thách thức và công bố chính sách ưu đãi đầu tư tỉnh Bình Phước, tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Tuệ Hiền – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Lê Văn Châu – Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND, UBMTQVN tỉnh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; Lãnh đạo các ban Đảng, đoàn thể, các sở, ngành; Báo cáo viên cấp tỉnh; Lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh; Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh; Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa; hội doanh nghiệp trẻ; hội nữ doanh nhân; lãnh đạo các huyện, thị ủy, đảng ủy.
Báo cáo tại hội nghị do PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam triển khai chuyên đề Hội nhập quốc tế - cơ hội và thách thức. Đây là nội dung quan trọng, nhằm cung cấp cho lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhận biết được những thời cơ và thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trình bày những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới; cơ hội và thách thức của nền kinh tế nước ta trong qua trình hội nhập; những tác động trực tiếp của của quá trình hội nhập; định hướng mô hình phát triển và thay đổi cấu trúc tư duy - nhân tố quyết định thành công trong hội nhập. Đồng thời PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đã chỉ ra những thách thức từ nội tại cơ cấu kinh tế và những tác động trực tiếp của hội nhập. PGS.TS Trần Đình Thiên, nhận định: “Nền kinh tế của chúng ta hiện nay như là con kiến bé tí. Nếu mình chỉ cố gắng giúp để cho con kiến chạy nhanh, chạy nhiều bước thì chẳng giải quyết được gì khi xung quanh nó toàn ngựa và thỏ chạy rất nhanh. Do đó, vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta phải thay đổi cấu trúc để biến con kiến thành con thỏ”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: “Trong hội nhập, quan trọng nhất là phải làm sao biến con kiến thành con thỏ, đừng cố gắng quá nhiều trong việc tăng tốc con kiến”
Thời cơ thách thức kinh tế Việt Nam, cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 30 năm đổi mới: PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết: “Một xu hướng rất rõ là số doanh nghiệp nhỏ trong nước tăng lên rất nhanh. Hội nhập mà doanh nghiệp cứ “bé xíu” thì rất nguy hiểm. Cần phải đặt vấn đề tại sao doanh nghiệp trong nước cứ yếu đi? Khu vực doanh nghiệp Nhà nước thì kết quả cải thiện cũng không rõ ràng. Vay nợ tăng lên, khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh lên”
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh “Trong hội nhập, quan trọng nhất là phải làm sao biến con kiến thành con thỏ, nghĩa là phải thay đổi cấu trúc của con kiến, đừng cố gắng quá nhiều trong việc tăng tốc con kiến. Singapore ngày xưa cũng là con kiến nhưng dần dần họ thành con thỏ vì họ đã thay đổi cấu trúc của họ”.
Tại hội nghị PGS.TS Trần Đình Thiên đã nêu lên những thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với hiệp định TPP, có 12 nước tham gia, chiếm 40% GDP toàn cầu và chiếm 30% thương mại toàn thế giới, đây là một hiệp định mẫu mực của thế giới ở thế kỷ XXI, có sự lan tỏa rộng rãi, là một lợi thế cho Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nêu lên một số định hướng về bài toán phát triển của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, đó là: cần phải tập trung tận dụng lợi thế tài nguyên sẵn có của Bình Phước và kinh nghiệm của các tỉnh đã phát triển trước, để thu hút những nhà đầu tư lớn và hiệu quả để phát triển kinh tế Bình Phước trong thời gian tới.
Ngay sau buổi nói chuyện của PGS.TS Trần Đình Thiên, đồng chí Trần Ngọc Trai – UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng đã giới thiệu 7 điểm mới trong chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên thị trường tỉnh Bình Phước. Theo đó, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng nhất cho nhà đầu tư, ngày 6/1/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2016 thay thế cho Quyết định số 40/2013 về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước. 7 điểm mới trong chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước:
1. Địa bàn ưu đãi đầu tư: Theo quy định trước đây, trên địa bàn tỉnh có 9 huyện, thị xã thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư gồm Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Đồng Phú, TX.Bình Long, TX.Phước Long. Trong Quyết định mới được ban hành, đã bổ sung thêm huyện Phú Riềng, nâng tổng số lên 10 huyện, thị xã được ưu đãi đầu tư. Ngoài ra các khu công nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh cũng được xem là địa bàn ưu đãi đầu tư.
2. Lĩnh vực ưu đãi đầu tư: Theo quy định trước đây, không có danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, Theo Quyết định mới, đã bổ sung thêm danh mục lĩnh vực đầu tưu vào nông nghiệp, nông thôn.
3. Quy định mới cũng đã dành hẵn một chương để quy định về chính sách khuyến khích và ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa. Trong đó, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư chung, các cơ sở đầu tư lĩnh vực xã hội hóa còn hưởng các ư đãi về thuế đất cao hơn. Mức cao nhất là miễn toàn bộ tiền thuê đất. Mức thấp nhất là miễn 10 năm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư tại các đô thị.
4. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn được hưởng các ưu đãi về thuế cao hơn. Mức cao nhất là miễn toàn bộ tiền thuê đất. Mức thấp nhất là miễn 11 năm tiền thuê đất; được miễn giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng; được hỗ trợ đầu tư các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật.
5. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp: Hàng năm UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để duy tuy, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu kinh tế.
6. Để tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư và theo khả năng giải quyết của địa phương, UBND tỉnh còn vận dụng đưa vào quy định thêm một số hỗ trợ khác của địa phương như: hỗ trợ về quảng cáo trong vòng 3 năm đầu đi vào hoạt động, mỗi năm không quá 12 triệu; hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật về thủ tục đầu tư, kinh doanh miễn phí; hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch; hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho lao động.
7. Cam kết rút ngắn thời gian, giải quyết thủ tục hành chính và áp dụng cơ chế một cửa liên thông, một đầu mới tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục tại Sở Kế hoạch - Đầu tư và Ban Quản lý Khu kinh tế
Ngoài ra, để cải thiện cho môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng đã báo cáo cam kết đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng… sẽ giảm từ 135 ngày xuống còn 30 ngày. Bên cạnh đó, Ban sẽ chủ động giới thiệu đơn vị tư vấn cho nhà đầu tư và đơn vị tư vấn sẽ thỏa thuận ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, nhưng đơn vị tư vấn phải đảm bảo thời gian theo quy định của Ban.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp phải nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong việc giấy chứng nhận đầu tư; kiên quyết không để xảy ra tình trạng chồng chéo trong các thủ tục giữa các đơn vị, để các nhà đầu tư đến với Bình Phước thuận tiện nhất trọng mọi thủ tục hành chính./.
Anh Đức – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước