Thứ Sáu, 20/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Ba, 1/9/2015 11:32'(GMT+7)

Phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, diện tích tự nhiên gần 6.384 km2, dân số của tỉnh hiện nay là trên 650 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 64,9%. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh không chỉ phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, trình độ mà đã và đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng cũng như đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển của Lào Cai. Thành công trong phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số không chỉ khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn mà còn để lại cho Lào Cai nhiều bài học kinh nghiệm quý – là yếu tố quan trọng để Lào Cai phát triển bền vững.

Bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số


Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được tỉnh Lào Cai chú trọng thực hiện. Việc đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng thực trạng đội ngũ cán bộ tỉnh Lào Cai nói chung, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng là cơ sở cho việc xác định nhu cầu từ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng.

Việc thực hiện xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số được tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện liên tục trong nhiều năm, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đều có các đề án chuyên đề liên quan đến công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Đặc biệt trong nhiệm kỳ đại hội đảng bộ tỉnh khóa XIV (2010 – 2015), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã ban hành đề án chuyên đề về “Quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015”. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, dự kiến đến hết năm 2015, tỉnh Lào Cai có 8.696 cán bộ người dân tộc thiểu số (chiếm gần 30% tổng số cán bộ toàn tỉnh). So với năm 2010 tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số năm 2015 tăng lên như sau: cấp tỉnh có 1.176 người, chiếm 16,1%, tăng 0,8%; cấp huyện có 5.178 người, chiếm 28,9%, tăng 4,9%; cấp xã có 2.342 người, chiếm 66,1%, tăng 4%.

Từ việc xác định một trong những tiền đề quan trọng để thực hiện được mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng cao, trong những năm qua, Lào Cai đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở trường dân tộc nội chú các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường dân tộc nội trú cấp PTTH và THCS, 104 trường phổ thông bán trú chủ yếu dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hiệu quả, chất lượng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị các cấp ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm thực hiện Đề án số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2010 – 2015), Lào Cai đã đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho 2.030 người (đạt 92,7% mục tiêu Đề án); bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 12.290 lượt người; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch cho 239 người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý 280 người; đào tạo về lý luận chính trị cho 1.248 người; đào tạo tin học cho 916 người; cử tuyển đào tạo đại học theo địa chỉ con em dân tộc thiểu số tại các trường trung ương được 158 học sinh; đào tạo trung cấp, cao đẳng tại tỉnh được 1.420 học sinh.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đến nay tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm gần 50%. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp trong tỉnh; về cơ bản, các cơ quan cấp tỉnh, huyện đều có cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo khác nhau.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngoài việc thu hút ban đầu như bố trí chỗ ở, hỗ trợ lần đầu, phụ cấp thu hút,…,  Lào Cai đã ban hành các chính sách riêng của tỉnh hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao. Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức học thuộc các lĩnh vực then chốt, lĩnh vực các tỉnh đang cần. Bổ sung chính sách hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu khoa học trong các trường, các cơ quan nhà nước. Đến nay, ngoài việc thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về cán bộ dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù của địa phương trong đó có trên 10 chỉ thị, nghị quyết, quyết định đặc thù về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số như: Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 – 2016….

Việc xây dựng, ban hành, thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách về cán bộ người dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng giúp Lào Cai xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số để đào tạo, bồi dưỡng một các hợp lý, tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả. Tạo ra nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số đông đảo hơn, đa dạng hơn trong các lĩnh vực với trình độ ngày càng được nâng cao; kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với công việc, có động cơ phấn đấu, trau dồi nâng cao năng lực mọi mặt. Đây cũng là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước đối với công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng góp phần xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của Lào Cai. Ngoài ra, để góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Lào Cai đã kết hợp thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, phát triển ngành, nghề thủ công truyền thống kết hợp phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tạo việc làm cho lao động đối với vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, văn hóa; đầu tư khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, bản sắc văn hóa… phục vụ phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo.  

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số vừa là nội dung có ý nghĩa lý luận cơ bản trong tổng thể phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước, vừa là một vấn đề thực tiễn cấp bách trong giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tại Lào Cai. Thực hiện tốt công tác cán bộ người dân tộc thiểu số đã và đang góp phần quan trọng trong hành trình đưa Lào Cai sớm về đích, hoàn thành mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển khu vực trung du miền núi phía Bắc./.

Nam Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất