Thứ Bảy, 5/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 13/6/2010 19:58'(GMT+7)

Bình Phước: Kết quả sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17 “Về phát triển thể dục, thể thao đến năm 2010” ở Bù Đăng

Thi đấu bóng bàn trong Nhà thi đấu đa năng huyện Bù Đăng.

Thi đấu bóng bàn trong Nhà thi đấu đa năng huyện Bù Đăng.

Sau khi có Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về phát triển thể dục, thể thao đến năm 2010”, Đảng bộ huyện Bù Đăng đã quán triệt đến từng chi, đảng bộ cơ sở nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên; chỉ đạo ngành Văn hóa-Thông tin tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm thu hút đông đảo quần chúng tham gia các hoạt động TDTT.

Xác định TDTT trong quần chúng là hoạt động tập luyện và thi đấu mang tính tự nguyện của nhân dân, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển hài hòa các yếu tố về thể lực, tinh thần và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, trong những năm qua cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX). Đặc biệt, ngành Văn hóa-Thông tin hằng năm đều xây dựng kế hoạch hoạt động của ngành, triển khai chỉ đạo các đơn vị như Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao, Ban Văn hóa-Thông tin các xã, thị trấn thực hiện tốt kế hoạch.

Hằng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin đều tổ chức đáng giá, chấm điểm việc thực hiện phong trào đối với các xã, thị trấn, trên cơ sở đó bình xét, đề nghị khen thưởng Ban Văn hóa-Thông tin các xã, thị trấn có nhiều thành tích và khen thưởng cá hộ gia đình, gương điển hình tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển phong trào TDTT.

Điểm nổi bật trong công tác phát triển TDTT ở huyện Bù Đăng chính là sự lớn mạnh rõ nét về phong trào TDTT quần chúng. Hiện nay, phong trào TDTT quần chúng phát triển nhanh ở các đối tượng, các ngành trong toàn huyện. Thông qua nhiều nội dung, hình thức tập luyện phong phú, đa dạng, trong 7 năm qua, phong trào TDTT đã từng bước trở thành nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã có 19,2% dân số tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 7,2% so với năm 2003), số gia đình thể thao hiện nay chiếm 8,5% tổng số hộ tham gia, tăng 3,5% so với năm 2003. Ngoài ra, để định hướng hoạt động phong trào, trung bình hàng năm, các xã, thị trấn đã tổ chức được gần 300 giải thể thao; thành lập được 6 CLB ở các bộ môn: Cầu lông, bóng đá, bóng bàn, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng... Qua đó, thu hút đông đảo quần chúng tham các hoạt động TDTT rèn luyện, nâng cao sức khoẻ.

Phong trào luyện tập TDTT ngày càng thu hút đông đảo đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, lực lượng vũ trang. Trong đó ngành Giáo dục-Đào tạo với phương châm “Mỗi người lựa chọn một môn thể thao phù hợp” và “Hội khoẻ Phù Đổng” được tổ chức hằng năm.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên công tác xã hội hoá hoạt động TDTT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát huy các nguồn lực trong xã hội thúc đẩy phong trào TDTT phát triển. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được đẩy mạnh, hình thành và phát triển nhiều công trình như sân bãi, nhà thi đấu... Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 1 nhà thi đấu đa năng, phục vụ các môn thể thao trong nhà, 1 sân vận động cấp huyện và 12/16 xã, thị trấn có sân bóng đá, 115 sân bóng chuyền (bao gồm cả các sân bóng chuyền tự phát của nhân dân), 2 sân quần vợt...

Thông qua việc quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện uỷ, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đã từng bước nhận thức rõ vị trí, vai trò, tác dụng của công tác TDTT đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Từ thực tiễn hoạt động, TDTT đã góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Trong 7 năm qua, phong trào TDTT của huyện đã đạt được nhiều thành tích quan trọng: Tổ chức hàng trăm giải TDTT ở địa phương, tham gia 50 giải thể thao cấp tỉnh và giành được khoảng 20 huy chương các loại trên tất cả các hệ thống giải, trong đó có hơn 10 huy chương vàng tại Đại hội TDTT cấp tỉnh.

Các hoạt động TDTT trong nhà trường cũng được quan tâm, chú trọng hơn. Ngoài việc tập TDTT nội khóa có giáo viên thể chất hướng dẫn, học sinh còn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tập luyện trong và ngoài nhà trường do các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, nhất là trong dịp hè, các hội thi… Hằng năm ngành Giáo dục-Đào tạo còn tổ chức “Hội khỏe Phù Đổng” các cấp học với những nội dung thi đấu phong phú nhằm tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho thiếu nhi địa phương, qua đó kịp thời phát hiện những em có năng khiếu TDTT để có hướng bồi dưỡng, đào tạo vận động viên tham gia các giải do cấp trên tổ chức...

Tuy nhiên, trong điều kiện địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế thì việc tiếp tục duy trì và phát triển phong trào TDTT cần có sự quan tâm, chung tay góp sức của toàn xã hội; tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác TDTT cơ sở; cần quan tâm và có những đề án lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế, các công tình TDTT để kịp thời đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể cho nhân dân địa phương; thực hiện tốt việc quy hoạch đất và đầu tư xây dựng các công trình TDTT nhất là ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Chú trọng nâng cao phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tích cực tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân tầm quan trọng của TDTT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT ở các địa bàn dân cư, nhằm huy động mọi tiềm lực trong nhân dân, thúc đẩy phong trào TDTT ngày càng phát triển, góp phần vào việc đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Hàn Phương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất