Thứ Bảy, 5/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 10/6/2010 15:18'(GMT+7)

Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, Đảng bộ Hải Dương vững bước đi lên

Truyền thống vẻ vang

Ngày 10 tháng 6 năm 1940, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Tỉnh uỷ B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An và Quảng Yên) đã tổ chức thành lập Ban Tỉnh uỷ Lâm thời tỉnh Hải Dương tại thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách. Qua bảy thập kỷ xây dựng và trưởng thành, với những biến động lịch sử lớn lao của đất nước, các thế hệ cán bộ của Đảng bộ Hải Dương đã kế tiếp nhau, liên tục gánh vác và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của Đảng, của nhân dân giao phó trong các thời kỳ cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Ngay từ giai đoạn vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào Việt Nam để chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3-2-1930), ở Hải Dương đã có nhiều thanh niên giác ngộ sớm nên đã tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Hới, Trần Cung... Lớp cán bộ cách mạng tiền bối này đã về Hải Dương thực hiện vô sản hoá, thâm nhập vào thợ thuyền, dân cày để tuyên truyền, vận động cách mạng, gây dựng lực lượng nòng cốt, thành lập các chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tổ chức quần chúng công nhân, nông dân đấu tranh chống ách áp bức tàn bạo, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhiều cơ sở cách mạng đã hình thành ở mỏ than Mạo Khê, Tràng Bạch (Đông Triều), Thượng Cốc (Gia Lộc), Đọ Xá (Chí Linh), phố Cựu Thành (thành phố Hải Dương), Thanh Hồng (Thanh Hà) và một số nơi ở huyện Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo (thời kỳ này huyện Đông Triều, Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Hải Dương).

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa đầy một tháng, Hải Dương đã có hai Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Bắc Kỳ là Chi bộ mỏ than Mạo Khê, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập và Chi bộ Đọ Xá ( xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh) do đồng chí Trần Cung thành lập. Vào cuối năm 1930, Hải Dương cũng là địa chỉ ra đời tờ báo “Công Nông”- một trong những tờ báo Đảng sớm nhất lúc bấy giờ do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chủ biên và phát hành. Đến những năm 1936; 1937, bám sát vào sự lãnh của TW Đảng, nhiều tổ chức của Mặt trận Dân chủ được thành lập ở thị xã Hải Dương, các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Nam Sách, Thanh Miện, Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng, Vĩnh Bảo... Trong thời kỳ này, đồng chí Lê Thanh Nghị được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Dương hoạt động để thống nhất các phong trào Mặt trận Dân chủ trong phạm vi toàn tỉnh. Trước sự phát triển của phong trào, tháng 8-1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định cho thành lập ba Chi bộ Đảng Cộng sản ở Hải Dương: Chi bộ thị xã Hải Dương, Chi bộ Nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo). Từ đây, cuộc đấu tranh của nhân dân trong tỉnh đã được tiếp thêm sức mạnh mới. Sách báo công khai của Đảng, của các đoàn thể Dân chủ như tờ “Tin tức”, “Dân chúng”,“Đời nay”...được truyền bá rộng. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, trí thức liên tiếp nổ ra, tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy nước Ninh Giang, Nhà thương Hải Dương, mỏ than Mạo Khê và nông dân Thanh Hà, Vĩnh Bảo…

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Trung ương Đảng có sự chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình mới, thành lập Mặt trận Phản đế thay cho Mặt trận Dân chủ và chuyển trọng tâm hoạt động về địa bàn nông thôn. Tại khu vực Đông bắc bộ, Trung ương Đảng đã chỉ đạo thành lập Liên Tỉnh uỷ B trực tiếp lãnh đao chỉ đạo phong trào cách mạng các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai. Trong đó, Làng Tạ Xá ( xã Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương) được chọn làm trung tâm hoạt động. Từ đây, phong trào cách mạng ở Hải Dương phát triển lên một bước mới.

Ngày 10.6.1940 dưới sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Liên Tỉnh uỷ B tổ chức hội nghị thành lập Ban Tỉnh uỷ Hải Dương lâm thời tại nhà cụ Lê Thị Thạnh, thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách.

10.6.1940 đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại trong tỉnh, là mốc son đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về chất của phong trào cách mạng tỉnh nhà đồng thời cũng ghi dấu thêm một sự kiện quan trong trong lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, lãnh đạo, thể hiện Chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng của Đảng Cộng sản đã thấm nhuần vào nhận thức của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng công- nông, trí thức, dân nghèo thành thị trong tỉnh. Từ đây, hải Dương đã có một bộ tham mưu đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến các cơ sở tạo ra bước phát triển cao hơn. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương là sản phẩm của tinh thần yêu nước, kết hợp với chủ nghĩa Mác- Lê nin được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân...mang trong mình bản chất cách mạng của một Đảng chân chính , trung thành với lý tưởng của Đảng do Bác Hồ đã lựa chọn.

Sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của Ban Tỉnh uỷ lâm thời, phong trào cách mạng ở Hải Dương được đẩy mạnh với khí thế sôi nổi, rộng khắp. Nhiều nơi trong tỉnh thành lập được tổ chức Phản đế, Đội Tự vệ vận động nhân dân đấu tranh với nhiều hình thức khác nhau. Các địa danh như: nhà cụ Lê Thị Thạnh, nhà ông Nguyễn Văn Dĩu, Đình Đầu, Nghè Bến, Đống Sim (Hợp Tiến), Đồn Bối- Thượng Đáp (Nam Hồng), Nam Sách; Trại Chua- Hàm Ếch (Văn An-Cộng Hoà), Chí Linh; Kim Lang Can (Thanh Hà)... còn ghi mãi dấu ấn hoạt động của Tỉnh uỷ lâm thời Hải Dương trong những năm 1940-1941. Sau đó Đảng bộ đã gánh vác vai trò, sứ mệnh của mình, lãnh đạo nhân dân Hải Dương góp phần cùng nhân dân cả nước làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Phát huy truyền thống, chủ động vượt khó vững bước đi lên

Sau năm 1975, nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã đoàn kết, nêu cao tinh thần tự chủ, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Nền kinh tế luôn đạt được nhịp độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Chỉ tính trong 5 năm qua, tổng sản phẩm xã hội trong tỉnh (GDP) đạt mức tăng bình quân 9,7%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thị trường, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thuỷ sản, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Năm 1985 cơ cấu nền kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản- công nghiệp xây dựng- dịch vụ có các chỉ số (thứ tự) là: 53,2% - 20,4% - 26,4%, năm 2005 là: 27,1% - 43,6% - 29,3%, đến năm 2010, các chỉ số đã thay đổi thành: 24% - 44,5% - 31,5%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Hải Dương đã xoá được hộ đói, số hộ nghèo năm 2010 theo tiêu chí mới giảm còn 4,9%; thu nhập bình quân tăng từ 7,9 triệu đồng/người/năm 2005 lên 17,1 triệu đồng/người/ năm 2010; số hộ dân dùng điện trong sinh hoạt đạt tỷ lệ 100%. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá đạt được những bước phát triển căn bản; an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; diện mạo đô thị, làng xã ngày càng nền nếp, tươi đẹp, văn minh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới trên địa bàn Hải Dương khá toàn diện. Kinh tế- xã hội đã tạo ra được những tiền đề thuận lợi, điều kiện cơ bản cho giai đoạn công nghiệp hóa- hiện đại hóa tiếp theo. Người dân được hưởng lợi từ những kết quả côngcuộc đổi mới đã rất phấn khởi, càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào sự đúng đắn, khoa học và sáng tạo về con đường đi tới của cả dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Đảng bộ Hải Dương từ 14 đảng viên lúc đầu, qua 7 thập kỷ đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, nay đã có trên 9 vạn đảng viên sinh hoạt ở trên 764 chi, đảng bộ cơ sở của 16 Đảng bộ trực thuộc và đã trải qua 14 kỳ Đại hội (trong đó có 7 kỳ Đại hội hợp nhất hai tỉnh Hải Dương - Hưng Yên). Dù trong bối cảnh nào, đại đa số cán bộ, đảng viên vẫn thể hiện được phẩm chất tiên phong cách mạng, kiên định lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên cường trước mọi thử thách, không ngại gian khổ, hy sinh, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, mẫu mực trong đạo đức, lối sống, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Đảng bộ Hải Dương luôn luôn thể hiện là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam như một phần cơ thể sống, gắn bó mật thiết với nhân dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, qua đấu tranh xây dựng, Đảng bộ cũng tự nhận thấy rằng, hiện nay trong bối cảnh mới và trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, có một số cán bộ, đảng viên chưa từng trải trong đấu tranh gian khổ, không chịu rèn luyện đã bị sa ngã, thoái hoá, biến chất, biểu hiện ở những hành vi quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, gây bất bình trong nhân dân, làm tổn hại đến uy tín và truyền thống tốt đẹp của Đảng. Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về tăng cường xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ Hải Dương đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng, nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục, tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên đạt kết quả tốt. Đảng bộ không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn nhằm phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của Đảng trong thời kỳ mới.

Quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ Hải Dương trong giai đoạn tới là phải tập trung trí tuệ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế với tốc độ cao và bền vững, sớm đưa Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, Hải Dương phải vượt qua những khó khăn và thách thức lớn. Trong đó có những khó khăn chung do ảnh hưởng từ hậu quả quả suy thoái kinh tế, sự khủng hoảng nền tài chính thế giới và trong khu vực đối với nước ta mà Hải Dương là một bộ phận hữu cơ không tách rời. Tỉnh còn phải vượt qua những rào cản không nhỏ do những khó khăn riêng như quy mô kinh tế còn nhỏ bé, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, nhất là khu vực nông thôn; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp do chưa được đào tạo hoặc cần phải đào tạo lại; số lao động thiếu việc làm do thu hồi đất và những nguyên nhân khác với số lượng không nhỏ trong khi cơ hội có việc làm và ổn định thu nhập lại rất ít ỏi. Một số vấn đề về xã hội chưa được giải quyết triệt để. Năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ, viên chức trong hệ thống chính trị chưa ngang tầm công việc… đang là những trở ngại lớn đến quá trình phát triển của tỉnh.

Để xứng đáng với vai trò lãnh đạo và sự tin cậy của nhân dân, Đảng bộ xác định rõ nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng, làm cho mỗi một tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình để trau dồi phẩm chất, năng lực và trách nhiệm; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy dân chủ gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng trong sạch, vững mạnh. Từ đó, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Những nhiệm vụ mà Đảng bộ đang tập trung chỉ đạo, trước hết là tiếp tục bám sát mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, thực hiện hoàn thành các nhóm giải pháp phát triển kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng; nhóm giải pháp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và bảo đảm an sinh xã hội; nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn theo nguyên tắc minh bạch, chất lượng và thân thiện với môi trường; củng cố quốc phòng – an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Thứ hai là, tập trung sức mạnh của cả Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh dấy lên phong trào thi đua sôi nổi thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phát huy hơn nữa truyền thống 70 năm cách mạng của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành với mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2010 và kế hoạch 5 năm 2005-2010.

Thứ ba là, chuẩn bị và thực hiện tốt nhất Đại hội Đảng các cấp, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV vào đầu quý IV năm 2010, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào đầu năm 2011; tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở cấp độ cao hơn, chất lượng hơn và lấy việc noi gương Bác, làm theo Bác làm trọng tâm công tác.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của một vùng quê văn hiến và cách mạng, với những thành tích vẻ vang và kinh nghiệm quý báu mà Đảng bộ và nhân dân Hải Dương thu được trong 70 năm xây dựng, trưởng thành; với sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự điều hành, quản lý chặt chẽ, năng động của chính quyền các cấp; sự đoàn kết, hưởng ứng tích cực của các đoàn thể, các tổ chức xã hội, tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân Hải Dương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của năm 2010 và những năm tiếp theo, góp phần cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam ngày càng mạnh giàu, phát triển trên con đường xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Mạnh Hiển, UVTV, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất