Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 8/10/2016 8:9'(GMT+7)

Bình Thuận: Hiệu quả từ chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học

Đó là những đánh giá được nêu ra tại Hội nghị tổng kết chương trình SEQAP tại Bình Thuận, do Sở giáo dục và đào tạo tổ chức chiều 7/10.

Chương trình SEQAP do Hiệp định tài trợ giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Tại Bình Thuận, chương trình được thực hiện từ năm học 2010 – 2011 với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục trường học qua việc xây dựng mô hình dạy học cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các nhóm đối tượng. Kết thúc năm học 2015- 2016, toàn tỉnh có 8 huyện, thị và 50 trường tham gia SEQAP với tổng số 72 điểm trường và gần 15.000 học sinh.

Giai đoạn 2010- 2016, tỉnh Bình Thuận đã huy động hơn 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đầu tư bổ sung hơn 170 công trình trường, lớp. Với sự hỗ trợ của SEQAP, hằng năm, khoảng 7.500 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ bữa ăn trưa. Chất lượng giáo dục bậc tiểu học trong thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh yếu ở cả ba nội dung đánh giá (tiếng Việt, Toán và xếp loại giáo dục) giảm mạnh, 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, gần 15.000 học sinh được học chương trình dạy học ngày hai buổi…

Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận: Một trong những mặt hiệu quả mà SEQAP đem lại đó chính là góp phần giảm sự chênh lệch phát triển giáo dục và đào tạo ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Gần 600 em học sinh lớp 1, 2 được trợ giảng tiếng dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện SEQAP tại địa phương như: cách huy động sự tham gia của cộng đồng để xây dựng thành công mô hình dạy học ngày 2 buổi; đổi mới phương pháp dạy học; vận động học sinh ra lớp… Đồng thời các đại biểu kiến nghị Ban quản lý SEQAP Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí bữa ăn trưa cho học sinh gnhèo, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các xã khó khăn và cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở vật chất như: nhà bán trú, công trình vệ sinh, thiết bị nhà bếp... nhằm tiếp tục duy trì công tác bán trú và dạy học cả ngày.

Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, góp phần thành công lộ trình kế hoạch dạy học ngày 2 buổi, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai các mô hình dạy học mới tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy ở các môn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy góp phần phát triển toàn diện cho học sinh./.

Hồng Hiếu/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất