Thứ Bảy, 28/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 10/7/2014 20:50'(GMT+7)

Bộ GD-ĐT: Điều chỉnh tuyển sinh đại học có hiệu quả tích cực

Thí sinh làm bài môn Ngữ văn tại Hội đồng thi Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Thí sinh làm bài môn Ngữ văn tại Hội đồng thi Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Hai đợt thi đại học chính quy năm 2014 được tổ chức vào ngày 4-5/7 dành cho khối A, A1, V và ngày 9-10/7 dành cho khối B, C, D cùng các khối Năng khiếu đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Tại buổi họp báo chiều 10/7, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác coi thi, đề thi cũng như định hướng của Bộ trong việc xây dựng đề án hướng tới một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Công tác coi thi nghiêm túc, an toàn

Đánh giá chung công tác tổ chức thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo thi đại học, cao đẳng năm 2014 cho biết công tác chuẩn bị và coi thi được triển khai tích cực, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo tổ chức thi, nhất là Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đã có hiệu quả rõ rệt, giảm số lượng thí sinh ảo trong quá trình tổ chức thi.

Năm nay, toàn quốc có 141 trường đại học tổ chức thi đợt I và 141 trường tổ chức thi đợt II. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đại học cả 2 đợt gần 1,53 triệu; số thí sinh đến dự thi hơn 1,19, đạt tỷ lệ 77,84, tăng 0,24% so với năm ngoái.

Các Hội đồng thi kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vi phạm Quy chế. So với năm 2013, số thí sinh bị xử lý kỷ luật đã giảm (năm 2013 có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật). Trong cả hai đợt thi đại học năm nay cả nước có 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật; trong đó, khiển trách 50 thí sinh; cảnh cáo 5 thí sinh; đình chỉ thi 171 thí sinh, đến muộn, không được dự thi 14 thí sinh.

Trong 2 đợt thi vừa qua, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội; các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện,… đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ kỳ thi có hiệu quả. Trong đó, có hơn 83.840 chỗ ở miễn phí, hơn 62.460 suất ăn miễn phí đã được phát cho thí sinh, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Chương trình Tiếp sức mùa thi tiếp tục được triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang.... 

Cả 2 đợt thi đã huy động được gần 43.820 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại các khu vực thi.

Đề thi không đánh đố học sinh và đồng bộ với kỳ thi tốt nghiệp

Tại cuộc họp báo, trước một số băn khoăn về đề thi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh khẳng định: Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường đại học và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, của dư luận xã hội cũng như của thí sinh dự thi, đề thi đại học của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình Trung học phổ thông, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh.

Đề thi đã ra theo hướng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để xử lý những vấn đề thực tiễn, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Anh văn được đánh giá cao ở chỗ lồng ghép các nội dung có tính thời sự liên quan đến chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ...

Về việc “câu hỏi mở,” đáp án có “mở” không? Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, đáp án đóng là đếm ý lấy điểm. Đáp án mở là trên cơ sở bài làm của thí sinh, nếu các em lập luận hợp lý, đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam, sẽ được tính điểm. Đối với những câu hỏi đặc biệt như “vai trò của ASEAN,” đại diện Bộ Giáo dục khẳng định đáp án hoàn toàn dựa trên kiến thức ở mức độ phổ thông, không bắt buộc các em phải trả lời như một chuyên gia.

Những năm vừa qua, các trường phổ thông đã tích cực đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá vì vậy đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở phù hợp với đổi mới và đồng bộ với kỳ thi tốt nghiệp.

Sẽ kiểm tra chất lượng các trường tuyển sinh riêng

Trước những băn khoăn về chất lượng của các trường tuyển sinh riêng năm nay, cũng như việc các trường có thể tuyển thấp hơn mức sàn chất lượng mà Bộ Giáo dục yêu cầu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết năm nay có 62 trường có Đề án tuyển sinh riêng, được xác nhận phù hợp với quy chế.

Các trường đã triển khai các đề án tuyển sinh riêng theo kế hoạch. Bước đầu quy định tuyển sinh riêng đã phát huy hiệu quả tích cực, một số ngành tuyển sinh riêng đã thu hút được một số lượng lớn thí sinh xin đăng ký xét tuyển. Khi các trường thực hiện tuyển sinh riêng xong thì Bộ sẽ thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra lại nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường.

Hướng tới một kỳ thi quốc gia chung

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định: thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong bối cảnh suy thoái kinh tế nhằm tránh lãng phí, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu một kỳ thi quốc gia sử dụng chung kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Từ những kết quả bước đầu đổi mới thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia và sẽ đưa ra tham khảo dư luận trong thời gian tới. Những góp ý của dư luận cho đề án này sẽ được Bộ chỉnh sửa, hoàn thiện đến khi xã hội có sự đồng thuận cao, sẽ áp dụng thi theo hướng này./.



Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất