Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 7/3/2012 20:29'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả quản lý giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

 Sáng 7/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

*Nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục đào tạo

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Trong năm 2012, Bộ đồng thời triển khai 2 khối công việc: một là tiếp tục đổi mới quản lý đào tạo giáo dục và hai là chuẩn bị kế hoạch chiến lược cho giai đoạn sau 2012 và 2015. Về đổi mới quản lý giáo dục đào tạo, với khối phổ thổng và mầm non, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, tiếp tục tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn với giáo viên, tiếp tục giảm tải chương trình phổ thông. Tập trung triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi, chú ý vùng sâu, xa, các đối tượng cần quan tâm. Với giáo dục đại học, tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho triển khai đợt thanh kiểm tra mới với 80 trường được thành lập mới 10 năm qua. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước với các cơ sở có liên kết với nước ngoài, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Về chiến lược dài hạn, Bộ đã hoàn tất chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đến 2020, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến và sẽ bàn trong hội nghị của Ủy ban Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực trong tuần này. Bộ cùng với cơ quan của Quốc hội hoàn thiện Dự thảo Luật giáo dục đại học; cùng với Ban tuyên giáo Trung ương và các cơ quan khác chuẩn bị đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6. Trong đó, triển khai đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015.

Trả lời câu hỏi bức xúc của một độc giả về bất cập trong quản lý giáo dục, t rình độ quản lí của Hiệu trưởng và có thể cả lãnh đạo trường còn chưa cao dân đến xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí ở cơ sở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: quản lý giáo dục là vấn đề cấp bách nhất. Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ với giáo dục đại học, Nghị quyết ĐH Đảng XI về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đều xác định đổi mới quản lý là khâu đột phá, rất quan trọng. Tất cả các hoạt động mua sắm từ ngân sách và các nguồn có tính chất như ngân sách đều phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Bộ trưởng cho rằng cần phản ánh những bức xúc cụ thể tới cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, nếu có dấu hiệu thất thoát, tham nhũng, các cơ quan có trách nhiệm sẽ vào cuộc xem xét, xử lý. "Tôi đề nghị chúng ta cùng tích cực làm việc này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, không chỉ Đảng, mà toàn dân cũng tham gia giám sát, phát hiện tiêu cực nếu có."

* Quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học

Trả lời câu hỏi về chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện nay khi số trường đại học được thành lập nhiều và được phép tự chủ tài chính, nhân sự, chuyên môn... trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để thanh kiểm tra thường xuyên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Khác với phổ thông, các trường giảng dạy theo kế hoạch và chương trình thống nhất, các trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành nghề khác nhau, nên có tự chủ cao hơn. Bộ chủ trương đảm bảo cho các trường ĐH có quyền tự chủ tương xứng với năng lực. Hiện, với các trường ĐH số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, các trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do Bộ Giáo dục chỉ định để được các trường này hướng dẫn… Tuy nhiên, toàn bộ việc mở ngành tại các trường này Bộ vẫn quyết định.

Liên quan tới việc Đại học Hùng Vương xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng dẫn đến không có khả năng điều hành hoạt động của trường, tuyển sinh vượt chỉ tiêu... Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đây là trường hợp cá biệt, đáng tiếc và Bộ đã có văn bản dừng tuyển sinh 2012 của ĐH này và các cơ quan chức năng của TPHCM đang xử lý việc này theo quy định của pháp luật.

Bộ cũng đưa ra quy định cao hơn về chuẩn, điều kiện mà các trường được phép tổ chức đào tạo sau đại học và tiến hành thanh kiểm tra, đối với các cơ sở giáo dục đại học không còn đủ điều kiện đáp ứng để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ bị rút chỉ tiêu. Năm 2011 Bộ đã rút hơn 100 chuyên ngành, không cho được đào tạo nữa, các trường phải củng cố lại, đáp ứng đủ điều kiện thì mới được tiếp tục đào tạo. Bộ yêu cầu và cũng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có chuyển đổi chương trình đào tạo từ hướng đào tạo những cái mình có năng lực sang hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

* Đổi mới tuyển sinh ĐH để thuận lợi hơn cho thí sinh

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trước những băn khoăn về việc đổi mới tuyển sinh trong năm nay. Về cơ bản, kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2011, chỉ có một số thay đổi chi tiết nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và người nhà. Ví dụ, về khối thi, mở thêm khối A1 là Toán, Lý, Anh văn, nhưng với các trường năm trước đã tuyển sinh khối A thì nay phải tuyển cả A và A1 để tránh bất ngờ cho thí sinh. Một thay đổi khác là mở rộng cụm thi Vinh và Hải Phòng.

Trả lời câu hỏi về quy chế tuyển thẳng vào đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khôi phục lại việc tuyển thẳng đại học đối với các học sinh đạt từ giải 3 trở lên ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Học sinh được học những ngành liên quan trực tiếp hoặc gần với môn đạt giải. Bộ ưu tiên để học sinh này vào học những ngành mà nền khoa học công nghệ, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước rất cần nhân lực chất lượng cao. Ví dụ, như các dự án điện hạt nhân, nghiên cứu về biển, nghiên cứu và làm chủ tình hình khí hậu thủy văn để chủ động trong phòng, chống…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết: Bộ đã giao cho NXB Giáo dục xuất bản và các Vụ, Cục chức năng thẩm định, cân chỉnh các thông tin cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH năm 2012". Hiện cuốn sách chưa được phát hành do một số trường đăng ký lượng tuyển sinh quá cao và đều đã được đã nhắc nhở. Trong vài ngày tới, Nhà xuất bản Giáo dục sẽ hoàn tất cuốn sách và xuất bản để thí sinh có thông tin chính xác nhất.

* Điều chỉnh sự mất cân đối trong ngành nghề đào tạo

Trước băn khoăn về giải pháp cải thiện tình trạng các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và sư phạm đang kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với các ngành tài chính và ngân hàng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Về mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, đây là một thực tế khi chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng này, đối với ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm, với giáo viên, Bộ Giáo dục có phụ cấp thâm niên đối với các giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo, có phụ cấp đứng lớp, đối với tiểu học 25%, trung học 30%, đại học cao đẳng 25%, giáo viên Mác-Lê nin là 45%... Đối với giáo viên hoạt động ở vùng sâu, xa, dân tộc đặc biệt khó khăn, có phụ cấp thu hút cao nhất lên tới 70%. Các giáo viên giảng dạy trường chuyên biệt cũng có phụ cấp để thu hút người lao động có trình độ chuyên môn vào làm việc trong ngành giáo dục. Đối với học sinh sư phạm, được miễn học phí. Đối với các ngành nông lâm ngư nghiệp, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi đại học vào học những ngành gần với môn học đạt giải. Trong những ngành đó, có nhiều ngành liên quan trực tiếp hoặc gần với nông lâm ngư nghiệp, sư phạm cũng như các ngành khoa học cơ bản cũng như những ngành mà đất nước cần.

Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ động đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại các ngành học này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ, ngành và địa phương trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của mình. Bộ Giáo dục theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang phối kết hợp với các Bộ, ngành địa phương để tổng hợp quy hoạch nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó gắn việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với nhu cầu của nền kinh tế, của xã hội về nguồn nhân lực. Bộ sẽ thông báo thường xuyên về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, học sinh sinh viên có điều kiện tham khảo, lựa chọn.

* Sẽ có biên chế bảo mẫu trong hệ thống mầm non

Để khắc phục khó khăn của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: đã ban hành định mức làm việc của giáo viên mầm non, để các cô không phải làm việc căng thẳng như vậy. Bộ cũng đang nghiên cứu để có biên chế bảo mẫu. Chính phủ đã có cơ chế chuyển giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập ở vùng khó khăn vào công lập, nhưng chuyển như thế nào phụ thuộc vào khả năng của từng tỉnh, thành phố. Các địa phương đều có bàn bạc để từng bước chuyển giáo viên mầm non tại các vùng khó khăn từ khu vực ngoài công lập vào công lập, giải quyết chế độ chính sách cho đội ngũ này.

Về tình trạng phụ huynh phải xếp hàng xin cho con học mầm non, Bộ đã chủ động làm việc nhất là với Hà Nội và TPHCM để có giải pháp quyết liệt chấm dứt nhanh nhất tình trạng chen chúc và chờ đợi từ nửa đêm để xin học cho các cháu.

Về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, các địa phương trong cả nước có rất nhiều cố gắng để thực hiện. Hiện 33 tỉnh đã chuyển đổi hơn 4000 trường bán công sang công lập và có rất nhiều chính sách thỏa đáng đối với giáo viên.

Về chế độ ưu đãi cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao, với vùng cao đã có phụ cấp thu hút, cao nhất lên tới 70%. Tuy nhiên, những khó khăn của các thầy cô, của học sinh tại các vùng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác như lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thẳng thắn và trả lời thỏa đáng các câu hỏi liên quan đến: dạy thêm học thêm, lạm thu, ... được đặt ra tại buổi đối thoại./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất