Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 15/9/2009 9:46'(GMT+7)

Bốn mươi năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trước hết nói về Đảng”

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc vô cùng xúc động.

Người ra đi trong nỗi niềm trăn trở: miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất, đồng bào Nam Bắc chưa được sum họp một nhà. Đó là thời điểm cả dân tộc Việt Nam đang phải chịu nỗi đau đất nước chia cắt, toàn Đảng, toàn dân đang phải đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền, thời điểm đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với một chiến lược chiến tranh mới - chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với mưu mô nham hiểm, thâm độc và đánh phá cách mạng Việt Nam một cách toàn diện hơn, khốc liệt hơn. Ra đi trong nỗi niềm canh cánh, nhưng với niềm tin tất thắng, trong Di chúc, Người căn dặn lại: Trước hết nói về Đảng, chỉ gói gọn, súc tích trong bốn khổ văn, nhưng đã chứa đựng đầy đủ giá trị lý luận và thực tiễn cho quá trình xây dựng Đảng một cách sâu sắc:

Thứ nhất, Người chỉ rõ từ khi có Đảng, dân tộc ta đã “tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đó là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân quyết định dẫn đến những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ vì sao Đảng lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thắng lợi: Trước hết “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.

Thứ hai, bằng sự trải nghiệm trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, Người chỉ rõ, để đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng phải biết phát huy giá trị truyền thống của dân tộc và của chính bản thân Đảng, đó là “Đoàn kết”. Người chỉ rõ: “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thứ ba, để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, cần phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê và phê bình”. Nhấn mạnh sự nghiêm chỉnh phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng, nhưng đồng thời Người cũng chỉ rõ “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Thứ tư, người khẳng định Đảng ta là một đảng cầm quyền. Đó là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng chỉ rõ để xứng đáng là đảng cầm quyền, đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì mỗi đảng viên và cán bộ - tế bào của Đảng, cần “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Hơn thế nữa, Người còn chỉ rõ phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây chính là một sự bao quát thật đầy đủ ý nghĩa nhưng cũng vô cùng sâu sắc về vai trò, vị trí và năng lực lãnh đạo của một đảng cầm quyền cần phải có: Đảng thật trong sạch. Trước hết là phẩm chất, đạo đức cách mạnh của đội ngũ đảng viên. Đó phải là một Đảng: ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác. Thứ hai, “phải xứng đáng là người lãnh đạo” - thể hiện ở năng lực lãnh đạo, bản lĩnh, trí tuệ và sức chiến đấu của Đảng. Trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt nào, Đảng phải thể hiện được là đội ngũ tiên phong kết tinh trí tuệ, phẩm giá cao đẹp của toàn thể dân tộc.

Quán triệt sâu sắc Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng mà Người trao lại. Bốn mươi năm qua, Đảng đã không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đã giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, từng bước đưa cả nước đi lên CNXH và giành những thành tựu có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành quả cách mạng của Việt Nam, trong đó “Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng là thành quả của quá trình Đảng ta đã quán triệt sâu sắc lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong mọi thời điểm lịch sử, để đáp ứng với vai trò. vị trí lãnh đạo của Đảng, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thể hiện ở đường lối chính trị đúng đắn. Bốn mươi năm qua, Đảng ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Từ đó tiến hành tập hợp, tổ chức, động viên toàn thể nhân dân, biến đường lối của Đảng thành hành động cách mạng của quần chúng. Tinh thần cơ bản của bản Cương lĩnh ấy được phát triển, cụ thể hoá đáp ứng những nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ vào mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi đó đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định mở đường cho dân tộc Việt Nam tiến vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất và CNXH.

Sau 30 năm chiến tranh giải phóng, cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH từ những buổi đầu mới mẻ, đối diện với những thách thức, khó khăn gay gắt cả trong nước, trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bước thăng trầm ấy, với bản lĩnh kiên cường của một chính đảng cách mạng dám nhìn thẳng vào sự thật để cùng cả dân tộc tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Đặc biệt vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp và tình hình đất nước có muôn vàn khó khăn, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, Đảng ta kiên định mục tiêu mà Đảng, nhân dân đã lựa chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió, tiếp tục tiến lên, tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đảng đã đề ra và từng bước bổ sung, hoàn thiện đường lối cách mạng một cách đúng đắn sáng tạo, bước đầu hình thành một hệ thống các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, khai phá con đường đi lên CNXH phù hợp với thực tế nước ta, kế thừa và phát huy giá trị văn hoá và bản sắc dân tộc. Đây là kết quả của một quá trình trăn trở, tìm tòi, tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy lý luận, nhận thức đúng đắn hơn về thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đảng ngày càng trưởng thành và có thêm kinh nghiệm lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh mới .

Qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước đã vượt qua thử thách hiểm nghèo, phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để đất nước ngày càng phát triển CNH, HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng thể hiện ở bản lĩnh chính trị của Đảng cũng như của từng cán bộ, đảng viên đặc biệt trước những bước ngoặt khó khăn của cách mạng. Bản lĩnh chính trị thể hiện trước hết là sự kiên định con đường cách mạng: kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Không bi quan, dao động trước những khó khăn thử thách, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng và con đường XHCN vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bản lĩnh chính trị cũng thể hiện ở sự dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa vì lợi ích của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã quán triệt quan điểm của Người: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(1).

Bản lĩnh chính trị còn là tinh thần đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Bản lĩnh chính trị của Đảng còn thực hiện ở quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối, nhất là ở những bước ngoặt khó khăn, thách thức của cách mạng.

Là một Đảng chiến đấu cách mạng, Đảng không chỉ có đường lối chính trị đúng, mà còn thể hiện ở sức mạnh tổ chức của Đảng. Do vậy, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng vững mạnh về mọi mặt từ Trung ương đến cơ sở, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng là những vấn đề có ý nghĩa quyết định để củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện Di chúc của Người, trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã biết kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc và của chính bản thân Đảng. Trước hết, đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, truyền thống quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trên cơ sở: thống nhất về hệ tư tưởng, thống nhất về đường lối chính trị; đoàn kết trên cơ sở phê bình và tự phê bình với ý thức xây dựng, có lý, có tình. Đó cũng chính là kinh nghiệm mà Đảng đã rút ra từ thực tiễn thực hiện đường lối đổi mới: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình thương yêu đồng chí”(2).

Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Để tập hợp, đoàn kết toàn dân, Đảng đề ra những mục tiêu cụ thể phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, của toàn dân tộc. Sức mạnh của Đảng không chỉ thể hiện ở chỗ mọi hoạt động của Đảng phải xuất phát vì lợi ích của nhân dân mà còn thể hiện Đảng luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và che chở. Trước hết, về mục tiêu chính trị, đường lối chính trị của Đảng phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng cho đến nay đã chứng minh: Đảng tồn tại, trưởng thành và phát triển trong phong trào cách mạng của quần chúng. Đó chẳng những là nguyên tắc của Đảng đã quán triệt trong xây dựng đảng mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của bản thân Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Liên hệ mật thiết với nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng và cũng là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Chính vì Đảng đã nhận thức sâu sắc: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”(3).

Một trong những truyền thống của Đảng, đó là truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng, của các thế hệ đảng viên. Bởi vì, Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo không chỉ thông qua hệ thống tổ chức Đảng, mà còn thông qua đội ngũ cán bộ đảng viên, bằng công tác thuyết phục, giáo dục và bằng hành vi gương mẫu của cán bộ đảng viên.

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống quý báu đó của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng không chỉ quan tâm đến xây dựng đội ngũ đảng viên về số lượng (1975: có 1.516.000, nay: trên 3 triệu đảng viên), mà còn chú trọng xây dụng đội ngũ đảng viên đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo, tổ chức quán chúng phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng. Thể hiện ở tính kỷ luật của Đảng, tính tiên phong gương mẫu của từng đảng viên là luôn luôn đấu tranh làm trong sạch đội ngũ. Có thể khẳng định rằng, với đội ngũ đảng viên trung kiên được tôi luyện qua quá trình cách mạng đã góp phần to lớn làm nên những kỳ tích vĩ đại mà dân tộc Việt Nam đã giành được trong đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm chiến tranh giải phóng, đặc biệt là những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Đến Đại hội IX, Đại hội Đảng đầu tiên của thế kỷ XXI, sau khi nhìn lại 7 thập niên lãnh đạo của Đảng: “Chúng ta tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo, tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lậåp, lãnh đạo và rèn luyện, một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”(4).

Nhìn lại lịch sử Đảng từ khi ra đời cho đến nay, đặc biệt trong 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, coi đó là điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi đường lối, chính sách của Đảng: Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng Đảng ta thật là vĩ đại. “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(5). Đó chính là cơ sở thực tiễn để Đại hội X của Đảng bổ sung cách diễn đạt một cách đầy đủ và đúng bản chất về Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(6)

Nhận thức sâu sắc rằng, phía trước còn không ít thách thức, gian nan bởi những yếu kém của nền kinh tế đang chuyển đổi; bởi những tiêu cực xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; bởi những mưu toan thâm độc của các thế lực thù địch... Song, với một Đảng có bề dày truyền thống và bản lĩnh cách mạng kiên cường, với tất cả những gì toàn Đảng và toàn dân ta đã được tạo dựng hơn gần 80 năm qua là cơ sở quan trọng, bồi đắp niềm tin, cổ vũ toàn thể dân tộc ta vững vàng, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tiến bước mạnh mẽ trong tiến trình đổi mới toàn diện, đáp ứng mong muốn cuối cùng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(7) thành hiện thực sinh động trên đất nước ta./.

PGS, TS. Trần Thị Thu Hương

Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh

——————

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.5, tr.261.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.143-144.

(3), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, t.10, tr.197, 5

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2006, tr.52.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2001, tr.64.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.12, tr.515.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất