Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 3/6/2009 23:0'(GMT+7)

Cơ chế tài chính giáo dục mới rất cần thiết cho đời sống xã hội miền Trung-Tây Nguyên

Học sinh Trường dân tộc nội trú xã Mà Cooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh minh hoạ).

Học sinh Trường dân tộc nội trú xã Mà Cooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh minh hoạ).



PGS.TS Nguyễn Văn Toàn-Đại biểu Quốc hội- Giám đốc Đại học Huế: Chừng nào có cơ chế mới, mới giải quyết được mọi bức xúc, mới đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Để có được tờ trình Quốc hội, Đề án đã qua một quá trình soạn thảo công phu, khoa học, dựa vào nhiều văn bản luật, tham khảo nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ, Ban, Ngành chức năng. Sở dĩ có những thông tin trái chiều là do người ta chưa nghiên cứu đề án, chưa hiểu hết, chỉ chú ý mỗi vấn đề học phí. Bức xúc lâu nay của các cán bộ quản lý GD, cũng là điều dư luận quan tâm là vấn đề học phí, vì đụng đến học phí là đụng đến thu nhập và khả năng chi trả; quan tâm vì mấy lẽ: Chế độ học phí hiện hành thực hiện từ năm 1998 đến nay đã 11 năm. Duy trì mức học phí không thay đổi như vậy trong điều kiện chỉ số tiêu dùng tăng, hệ số lương từ 290-650 hiện tại là bất hợp lý, không thể chấp nhận. Trong chế độ học phí cũ, bình quân hoá tất cả các ngành đào tạo đều có mức trần 180.000 đ/ tháng, mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, hạn chế sự phát triển của những ngành có chi phí đào tạo cao. Về chế độ miễn giảm học phí cho SV thuộc diện chính sách, lẽ ra nhà nước phải cấp bù, nhưng trong thực tế, trường nào giảm bao nhiêu, trường đó phải gánh chịu, trước đây nhà nước có giải quyết nhưng chưa thoả đáng. Đối với những vùng chiến tranh, vùng nghèo khó lại càng khó khăn hơn. Có trường miễn giảm đến 30% như Trường ĐH Nông Lâm(ĐH Huế) thực chất chỉ thu bình quân từ 120-130.000 đồng/tháng/SV.

Vấn đề miễn học phí cho SV Sư phạm trong chế độ học phí hiện hành bất hợp lý ở chỗ, nhà nước bỏ ra khoản tiền lớn nhưng lại không đáp ứng được mục tiêu đào tạo. Vì trong thực tế, không có số liệu nào để chứng tỏ có bao nhiêu SV sư phạm ra trường phục vụ cho ngành sư phạm? Một bộ phận ra trường vẫn đi tìm ngành nghề khác.

Một vấn đề nữa theo tinh thần NĐ 43 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì khuyến khích các trường liên kết với các đối tác nước ngoài để đào tạo chất lượng cao, thì mức thu học phí ở các cơ sở đào tạo nghề phải cao hơn. Nhưng trong khi thực hiện không được sự chấp thuận của các cơ quan kiểm toán, vì cho rằng không có quy định. Theo tính toán năm 2006, mức bình quân chi NS nhà nước cho một SV học đại học là 3 triệu 7 một năm thì với mức học phí thấp và cố định nhiều năm như thế không thể đáp ứng được chất lượng đào tạo. Chúng tôi rất đồng tình với Bộ: năm nay sẽ điều chỉnh mức học phí hiện tại lên 225.000 đồng/ tháng và sẽ thực hiện đề án học phí vào năm sau!

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Chất lượng GD đại học không thể xuất phát từ suy nghĩ chủ quan và nó không phải chỉ là trách nhiệm của ngành GD-ĐT!

Điều này, tôi đã khẳng định trong bài viết “Tài chính Đại học và việc thực hiện QĐ 09” gửi Bộ GD-ĐT mới đây, có sự phân tích cặn kẽ về sự tương quan giữa khía cạnh tài chính đại học với chất lượng đào tạo qua những số liệu cụ thể tại ĐH Đà Nẵng. Tôi chỉ nêu thêm vấn đề mà dư luận còn băn khoăn: về mức tăng học phí hàng năm, về diện miễn giảm. Theo tờ trình mới nhất ngày 20-5-2009 gửi Quốc hội về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014, Bộ GD-ĐT đã xác định cơ cấu học phí theo ngành nghề và đề xuất mức tăng học phí hằng năm một cách hợp lý để không gây khó khăn cho người học. Mặt khác Bộ cũng đã nhấn mạnh đến các giải pháp hỗ trợ cho SV, HS thuộc diện chính sách, SV thuộc diện gia đình nghèo và cận nghèo, đảm bảo cho tất cả SV, HS không vì khó khăn tài chính mà bỏ dở việc học hành. Theo đó, chính sách tín dụng cho SV được cải thiện theo hướng tăng số tiền cho SV được vay khi học phí tăng, đồng thời Nhà nước sẽ cấp tiền trực tiếp cho các đối tượng SV, HS thuộc diện miễn giảm để đóng học phí cho cơ sở đào tạo. Vừa rồi, tôi có đề xuất với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là trong đề án đã có quan tâm đến diện miễn giảm nhưng nên nhấn mạnh việc nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho diện SV miễn giảm để họ nộp kinh phí đào tạo cho trường.

PGS.TS Trần Văn Minh- Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm - ĐH Huế: Thực tế học phí tại các trường ĐH ở nước ta hiện nay đã lạc hậu rất nhiều so với tình hình tài chính của xã hội.

Hệ số trượt giá những năm qua tăng dần theo thời gian, lương của cán bộ viên chức tăng theo lộ trình của Chính phủ, mọi chi phí cho đào tạo đều tăng lên theo thời giá. Chất lượng đào tạo thì vẫn phải được giữ vững và tăng lên theo yêu cầu của xã hội, nhưng nguồn lực tài chính cho các trường đại học hoạt động thì lại không tăng. Quả thật đây là một nghịch lý có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các trường. Vì thế, Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình lên Quốc hội và Chính phủ đề án mới về học phí là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Tôi thấy rằng học phí ở cấp học phổ thông cần phải cân nhắc kỹ, vì cấp học này nhằm chủ yếu giải quyết vấn đề nâng cao dân trí. Do đó, ở cấp học này phải do Nhà nước đầu tư là chủ yếu. Ở cấp học ĐH và sau ĐH thì việc người học phải đóng học phí là điều đương nhiên, mọi người học ở cấp này đều phải có trách nhiệm đóng học phí để góp phần đào tạo nghề cho bản thân mình. Mức học phí cao hay thấp phải tùy thuộc vào từng ngành học. Đối tượng chính sách cần được giải quyết bằng trợ cấp chính sách xã hội để có kinh phí cho việc đóng học phí.

Trường Đại học Nông Lâm Huế là trường đại học thuộc khối kỹ thuật, đào tạo những kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ phục vụ cho sự phát triển nông lâm ngư nghiệp của miền Trung và cả nước. Để đào tạo kỹ sư ở các trường kỹ thuật thì việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực hành, thực tập trong phòng thí nghiệm, trại trường, xưởng trường và đi kiến tập ngoài thực tiễn xã hội là những nội dung không thể thiếu được trong chương trình đào tạo và nó có tính quyết định đến chất lượng đào tạo. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính và các điều kiện về CSVC đảm bảo. NS nhà nước cấp, học phí thu được từ người học chưa đủ để trả lương cho CB, VC, lao động và các chi phí thường xuyên khác đảm bảo cho sự tồn tại của trường. Với tình hình tài chính này thì làm sao có kinh phí để để tăng cường, bổ sung điều kiện CSVC phục vụ cho đào tạo, làm sao thực hiện được những nội dung về thực hành, thực tập, kiến tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho SV đang được đào tạo trong các trường kỹ thuật.. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trước mắt về việc thực hiện chương trình đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến lâu dài về chất lượng đội ngũ kỹ sư sau khi ra trường. Do đó, càng thấy tính cần thiết và cấp bách của Đề án. Chúng tôi ủng hộ và rất hoan nghênh đề án này. Tuy nhiên, tôi cũng nhất trí với nhiều ý kiến là phải có lộ trình thực hiện hợp lý để tránh xảy ra sự bất ổn lớn cho người học. Trước mắt trong năm 2009, các trường ĐH cần được thu bổ sung khoản học phí tương ứng với mức trượt giá của những năm qua, ít nhất là của 5 năm gần đây. Đề án học phí mới cần được thực hiện trong năm học tới với những mức thu phù hợp với từng ngành học. Đối với các trường đại học phải đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý đề nguồn thu này chủ yếu nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước.

Với tâm tư và trách nhiệm của một người đã gắn bó lâu năm với sự nghiệp đào tạo tại trường Đại học Nông Lâm Huế, tôi rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền cần xem xét đầy đủ các yếu tố để có những quyết định hợp lý và kịp thời về vấn đề quan trọng này.

PGS.TS Nguyễn Văn Yến-Trưởng ban Thanh tra Đại học Đà Nẵng: Cần phải thay đổi chế độ học phí, không nên để lâu nữa!

Tôi là phụ huynh học sinh, là giáo viên, đồng thời là người tham gia quản lý GD, có điều kiện tiếp xúc với nhiều SV, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Với mục đích góp thêm tiếng nói, để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, tôi xin có một vài ý kiến về vấn đề này:

Trong các trường đại học, cao đẳng công lập kinh phí đào tạo tính trên đầu SV quá thấp. Tại Đại học Đà Nẵng, kinh phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước và từ thu học phí của sinh viên đạt khoảng 3 triệu trên một SV trong một năm. Con số này là quá ít so với các trường dân lập. Các trường dân lập đạt khoảng 5 đến 10 triệu đồng trên một SV trong một năm. Trong khi đó các trường công lập phải đảm nhận đào tạo nguồn nhân lực cho một số ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước, với chi phí đào tạo khá lớn. Tăng kinh phí đào cho các trường đại học, cao đẳng công lập là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ được nữa. Việc bổ sung kinh phí cho các trường công lập là trách nhiệm của Nhà nước và của người học. Nhà trường gần như không có khả năng bổ sung kinh phí cho đào tạo. Điều duy nhất Nhà trường có thể làm được là tiết kiệm để duy trì hoạt động đào tạo. Bằng cách tăng sĩ số lớp học, cắt giảm thí nghiệm, cắt giảm các sinh hoạt ngoại khóa. Tất cả những điều đó đã làm giảm chất lượng đào tạo trong Nhà trường.

Tỷ lệ tiền của SV chi phí cho cuộc sống và chi phí cho đào tạo trong trường đại học công lập đang có vấn đề. Tại thành phố Đà Nẵng, vào năm 1998, SV đóng học phí khoảng 160 ngàn đồng một tháng, chi phí cho cuộc sống tại trường khoảng 450 ngàn đồng một tháng. Hiện nay SV đóng học phí 180 ngàn đồng một tháng, trong khi đó chi phí cho cuộc sống tại trường khoảng 1 triệu 200 ngàn đồng một tháng. Phải chăng, hiện nay sinh viên chỉ lo thêm được khoản tiền để sống, chứ không thể lo thêm được khoản tiền để học. Trong khi đó SV đến trường đại học là để học, chứ không phải là để sống. Đáng lẽ ra, trong bối cảnh các mặt hàng đều tăng giá, SV phải thắt lưng buộc bụng, tăng thêm 500 ngàn cho chi tiêu để sống, bỏ thêm 250 ngàn vào chi phí học tập. Có nghĩa là: chi tiêu khoảng 950 ngàn đồng, đóng học phí khoảng 410 ngàn đồng một tháng. Thực tế, vào thời điểm này, một tháng sinh viên chi tiêu 950 ngàn đồng cho cuộc sống tại thành phố là không đủ, mà có đóng 410 ngàn đồng học phí một tháng cũng không đủ cho Nhà trường chi phí. Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho SV về nhà ở, tăng thêm kinh phí từ NS cho Nhà trường, đảm bảo kinh phí đào tạo cho SV các trường công lập bằng mức tối thiểu của các trường dân lập.

Chế độ học phí đang thực hiện ở bậc ĐH và CĐ được xây dựng từ năm 1998. Từ đó đến nay đã có quá nhiều thay đổi, giá cả tăng lên gấp mấy lần, chính sách tiền lương cũng đã mấy lần thay đổi. Việc thay đổi chế độ học phí là điều cần làm ngay, không nên bàn cãi, vì nó đã quá lạc hậu so với thời cuộc. Vấn đề cần bàn là thay đổi như thế nào, để huy động được sự đóng góp của nhân dân cho GD, đồng thời phải đảm bảo cho con em của đa số người lao động có khả năng học tập trong các trường ĐH, CĐ công lập. Có thể tăng kinh phí đào tạo cho các trường ĐH, CĐ công lập bằng cách thay đổi hình thức hỗ trợ cho các sinh viên thuộc diện chính sách và hộ nghèo. Tôi luôn ủng hộ: việc miễn giảm học phí và cấp học bổng cho các SV thuộc diện chính sách, hộ nghèo. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập là đúng. Nhưng cách làm như hiện nay không ổn một chút nào cả. Các trường không thu, hoặc thu một phần học phí của SV thuộc diện chính sách và hộ nghèo. Trong khi đó lại dùng số tiền học phí thu được (vốn đã không đủ chi) cấp học bổng cho một số sinh viên thuộc diện chính sách. Tại Trường Đại học Bách khoa, (ĐH Đà Nẵng) có năm, số tiền miễm giảm học phí và cấp học bổng lên đến 30% tổng số tiền học phí. Có nghĩa là: số tiền học phí thu được của 7 SV phải dùng để chi phí đào tạo cho 10 SV. Vô hình trung, 7 SV đã làm thay Nhà nước đóng học phí cho 3 SV thuộc diện được đãi ngộ. Mặt khác, nhiều SV gia đình khá giả cũng xin được giấy “chứng nhận hộ nghèo” đem đến trường để được miễn giảm học phí. Tôi đề nghị: Bộ Lao động Thương binh Xã hội phải lo việc cấp học phí và học bổng cho SV thuộc diện chính sách, hộ nghèo, tạo điều kiện tốt cho các em hoàn thành nhiệm vụ học tập. Bộ LĐTBXH vừa lo xét duyệt, vừa cấp tiền sẽ tránh được tình trạng cấp nhầm đối tượng hoặc bỏ sót. Mặt khác trong Nhà trường mọi SV đều bình đẳng: ai đến học phải đóng học phí. Đóng học phí vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của sinh viên. Nếu được biết: chi phí học tập cho mình là do bạn đóng góp, các em sẽ tự ái. Nếu biết được: số tiền học phí của mình phải san sẻ chi phí cho người khác, các em sẽ phản đối!

TS Phan Văn Hoà, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng): Đề án mang lại sức sống mới cho GD vốn được coi là quốc sách.

Thứ nhất, về từ ngữ, người ta thường quen dùng cụm từ tăng học phí nhưng thực chất đây là một đề án mang tầm chiến lược, nhằm đổi mới cơ chế tài chính GD, góp phần đưa nền GD của đất nước thoát khỏi những yếu kém, lạc hậu để phát triển. Có thể khẳng định, mức học phí tồn tại hàng chục năm nay đã hoàn toàn lỗi thời, lạc hậu kìm hãm sự phát triển sự nghiệp GD.

Thứ hai, đề án đổi mới cơ chế tài chính GD vừa có cơ sở khoa học vững chắc vừa có tính nhân văn sâu sắc: Về cơ sở khoa học: dựa trên những vấn đề rất thực tiễn của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; rút ra những bài học GD trong khu vực và trên thế giới về mặt tài chính. Từ đó, phân tích và nêu ra những hạn chế của cơ chế tài chính hiện nay một cách hệ thống; tính toán một cách hợp lý qua những con số sống động chi phối hoặc tác động đến vai trò, sứ mệnh của GD hiện nay và trong tương lai. Trên những cơ sở phân tích khoa học, đề án xác định được 8 nội dung quan trọng, từ đó đề xuất các phương án mang tính khả thi cao và lộ trình thực hiện khá hợp lý. Về tính nhân văn, có hai khía cạnh cần nhấn mạnh: Cơ chế tài chính mới, một mặt, huy động được nguồn lực tài chính từ những đối tượng có khả năng chi trả học phí theo yêu cầu chất lượng chuẩn, chất lượng cao…Mặt khác, tính đến thực hiện công bằng xã hội, bù đắp cho người nghèo những cơ hội, điều kiện đến trường, loại bỏ nguy cơ thất học vì lý do tài chính. Nền GD của chúng ta hiện thời đang thiếu một cơ chế tài chính bền vững, từ đó không bình ổn được tài chính, thiếu mất nguồn lực đồng tiền để làm tốt sứ mệnh của nó, như thể một người bệnh thiếu máu cần truyền máu để sống và hoàn thành nhiệm vụ. Đề án tính đến các nguồn máu, lượng máu, và cách truyền máu trong những thời điểm thích ứng nhất để làm cho cơ thể GD mạnh khoẻ lên, mang lại sức sống mới cho GD vốn được xem là quốc sách. Cụ thể là, không những sẽ có nhiều người nghèo được đi học mà mọi người học sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện học tập tốt nhất: CSVC như trường, lớp, thiết bị, tài liệu …sẽ được đầu tư hợp lý. Đội ngũ thầy cô giáo đầy tâm huyết và hoài bảo với nền GD sẽ phát huy năng lực của mình, cùng nâng cao chất lượng GD, giới hạn ở mức thấp nhất nguy cơ mất nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền GD của chúng ta.

Thứ ba, đề án đổi mới cơ chế tài chính GD sẽ tạo cơ sở vững chắc cho nền GD chúng ta theo đuổi thực hiện các mục tiêu chiến lược một cách hiệu quả. Hiện nay, có sự cạnh tranh khốc liệt và nhiều khi không lành mạnh giữa GD công lập và GD ngoài công lập, nhất là trong đó có GD nước ngoài đang đầu tư kiếm lời ở nước ta, giữa GD trong nước với giáo dục ngoài nước. Nếu cơ chế tài chính GD không đổi mới, chắc chắn nền GD của chúng ta sẽ không đủ sức để sánh bước hoặc vượt lên trong cuộc cạnh tranh này.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới trong mọi lĩnh vực trong đó nhấn mạnh đến đổi mới GD và đưa GD lên hàng quốc sách. Như chúng ta thấy, đổi mới GD nhất thiết phải đổi mới cơ chế tài chính GD, bởi lĩnh vực này chi phối đến yếu tố thành công hay thất bại.

TS Huỳnh Văn Hoa- Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng: Học phí cho GD mầm non và phổ thông công lập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình là hợp lý.

Dự thảo lần này có nhiều điểm khác quy định trước đây. Theo quy định trước đây hầu như HS đều đóng học phí giống nhau. Do đó, những học sinh thuộc diện gia đình có điều kiện về kinh tế, có khả năng đóng góp cho giáo dục, cho việc học tập của con em họ thì lại không được huy động một cách đúng mức nhằm phát triển giáo dục. Đó là việc làm chưa thoả đáng. Đề án cũng đã đặt vấn đề thu học phí trong điều kiện cụ thể của từng vùng, từng miền; từng hộ gia đình ở từng địa phương có thu nhập khác nhau sẽ có cách tính khác nhau về việc chi trả học phí. Đảm bảo sao cho, học sinh thuộc diện gia đình khó khăn sẽ được miễn giảm học phí một cách hợp lí. Cũng có thể nói việc miễn giảm và thu học phí theo dự thảo đề án là rộng rãi hơn quy định trước đây đối với các đối tượng học sinh vùng khó khăn và đối tượng thuộc diện chính sách.

Từ lâu nay, ở thành phố Đà Nẵng học sinh thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn, HS thuộc các xã miền núi, HS thuộc diện gia đình bị thu hồi đất sản xuất,... đều được miễn hoặc giảm học phí. Kể cả HS học tại các trường THPT tư thục thuộc các diện trên thì học phí của HS được UBND thành phố cấp bù cho nhà trường. Trong năm học 2008 – 2009, UBND thành phố đã chi trả cho các trường THPT tư thục trên địa bàn là 122.940.000 đồng cho 78 học sinh đang học tại các trường này thuộc diện gia đình khó khăn, hộ gia đình bị thu hồi đất. Bình quân mỗi học sinh là 180.000 đồng /tháng. Mức này cao gấp 4 lần một học sinh đang học ở trường THPT nội thành. Điều này đã thể hiện rõ quan tâm của Nhà nước đối với việc học tập của HS.

Tôi xin đề nghị: Trên cơ sở điều tra, tính toán, xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành với thời gian dài của Bộ GD-ĐT, Đề án đã được xin ý kiến rộng rãi và hoàn chỉnh. Theo chúng tôi cần thiết được đưa ra áp dụng, nếu thấy bất hợp lý sẽ thay đổi, điều chỉnh, nếu cần thiết; không nên kéo dài một quy định đã hơn thực hiện hơn 10 năm nay, sẽ có ảnh hưởng đến điều kiện tổ chức dạy học ở các trường học.

Tiến sĩ Phan Văn Bé - Giám đốc Sở GD-ĐT Đăk Nông: Đề án nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý tài chính

Những thông tin trong trong Đề án đều nằm trong khả năng của các cơ sở giáo dục. Vì vậy các cơ sở GD sẽ có nhiều thuận lợi trong việc minh bạch hóa cho cộng đồng nắm được những thông tin cơ bản về nhà trường từ việc cam kết chất lượng; điều kiện đảm bảo chất lượng cho đến công khai thu chi tài chính. Các biểu mẫu chi tiết thể hiện tính công khai mạnh mẽ của cơ sở GD. Ví dụ: Công khai cam kết chất lượng GD và chất lượng thực tế ở cơ sở GD mầm non. Phụ huynh sẽ nắm được cơ sở GD cam kết với cộng đồng về chuẩn sức khỏe, năng lực, hành vi của trẻ đạt được sau mỗi năm học; điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc của nhà trường. Từ đó thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để phản ảnh những điều làm được, chưa làm được của trường theo cam kết công khai. Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục: Các cấp chính quyền, phụ huynh sẽ thấy được những điều kiện về cơ sở vật chất từ đó cùng tham gia để đẩy mạnh việc đầu tư tương ứng với việc cam kết về chất lượng. Nếu cơ sở vật chất yếu kém thì khó lòng nâng cao được chất lượng giáo dục. Công khai thu chi tài chính: Qua việc công khai tài chính, cộng đồng sẽ nắm được tình hình tài chính các nguồn thu và các khoản chi của nhà trường, các dự án đầu tư của trường. Hình thức và thời điểm công khai: Hình thức công khai và thời điểm công khai là rất phù hợp. Cộng đồng tiếp cận được những thông tin về nhà trường…/.

(Theo: GD&TĐ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất