Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 31/8/2012 21:22'(GMT+7)

Buông lỏng quản lý !

(Hình minh hoạ).

(Hình minh hoạ).

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe một cụm từ đã trở nên rất quen thuộc: "buông lỏng quản lý". Bốn tiếng trên chỉ sự tắc trách, không làm trọn chức năng, phận sự được giao của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào đó dẫn tới những hậu quả không mong muốn, nhẹ thì khiến công việc ngưng trệ, đình đốn, nặng có thể gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, thậm chí nguy hại đến tính mạng con người v.v..

Trong tất cả mọi lĩnh vực, bên cạnh những thành tựu đạt được, ta đều thấy còn có những điều bất ổn, hạn chế, khuyết điểm, kìm hãm bước tiến của xã hội. Từ quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị đến giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, rồi xây dựng nông thôn mới… trong địa hạt nào cũng không nhiều thì ít bộc lộ sự non yếu về quản lý ở một số vị trí, để xảy ra những vụ việc tiêu cực. Và tất cả đã được chỉ ra căn nguyên bằng một từ khái quát, rất cô đọng, hàm súc là do "buông lỏng quản lý.

Nhưng nếu suy xét kỹ, cụm từ trên liệu có chính xác ở mọi trường hợp? “Buông lỏng” - rất dễ hiểu là buông lơi, dẫn đến lỏng lẻo, tức là người nắm quyền quản lý không lưu tâm, ngó ngàng tới, để cho mọi việc trong phạm vi quản lý của mình muốn diễn ra thế nào cũng được, có khi lọt ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Nếu chỉ như vậy đã là rất đáng trách, vì dễ để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng lại có một khả năng khác - đây mới là phổ biến hơn và là bản chất của vấn đề - người có trách nhiệm quản lý không hề “buông lỏng” mà ngược lại, luôn theo dõi sát sao, nắm vững mọi diễn biến công việc và đối tượng mình quản lý. Dĩ nhiên là họ thấy rõ đối tượng làm ẩu, làm bậy, vi phạm nguyên tắc và luật, nhưng đã cố tình làm ngơ, coi như không biết, để mặc cho đối tượng tự tung tự tác, thậm chí có trường hợp còn gợi ý, tiếp tay để lách luật, trục lợi. Như vậy, sao có thể gọi họ là “buông lỏng” được? Ví dụ như một công trình xây dựng nào đó, do những người thi công làm ẩu, rút ruột dẫn tới công trình bị sớm hư hỏng (cầu sập, nhà đổ…) thì có phải người quản lý việc xây dựng công trình này “buông lỏng” quản lý? Sự thật là ở những trường hợp này họ biết rất rõ mọi điều nhưng đã thông đồng để cùng chia chác lợi nhuận. Và họ phải biết rất tường tận tình trạng “rút ruột” ra sao, đến mức nào, lợi nhuận dôi ra là bao nhiêu để chấp nhận mức ăn chia! Để đạt được điều này, họ phải theo sát diễn biến công trình, mức tiêu hao nguyên vật liệu, các loại nguyên vật liệu được thay thế khuất tất ra sao...

Vậy thì họ - những người quản lý - không thể lơi lỏng được mà ngược lại, phải rất chặt, bám sát!

Một ví dụ khác rất dễ nhận thấy là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phục vụ cho việc buôn bán, kinh doanh lâu nay, gần như "vô phương cứu chữa", mặc dù các lực lượng chức năng đã rất cố gắng, tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự. Vậy nguyên nhân của tình trạng này có phải do chính quyền sở tại buông lỏng quản lý? Tất nhiên là không phải như vậy, mà những người có trách nhiệm vẫn thường xuyên đi thị sát, kiểm tra, nhưng đã cố tình cho qua vì họ có "đặc quyền, đặc lợi " ở chính những sự lộn xộn vỉa hè, lòng đường đó! Rõ ràng ở đây không thể gọi là “buông lỏng” được. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao cũng những tuyến phố có lệnh cấm buôn bán, kinh doanh mà có nơi thì vi phạm tràn lan, có nơi lại thực hiện được nghiêm túc?

Không thể chỉ nói nơi vi phạm là "buông lỏng", nơi tuân thủ đàng hoàng là "xiết chặt" mà vấn đề chính là phẩm chất trong sạch, chí công vô tư của người quản lý, xứng đáng là công bộc của dân.

Trở lại câu chuyện về vụ cưỡng chế, thu hồi đất tai tiếng ở Tiên Lãng - Hải Phòng hồi cuối năm ngoái. Người ta vẫn nhận định một câu chung chung khi tìm nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc trên, đó là do sự "buông lỏng quản lý". Nhưng sự thật là trước khi cưỡng chế, chính quyền sở tại đã xin ý kiến các cơ quan chức năng và cấp trên. Được chấp thuận, họ mới dám làm. Vậy không thể cho rằng đó là do “buông lỏng quản lý” mà là sự thiếu hiểu biết về pháp luật - cụ thể ở đây là Luật Đất đai - của một số "nhà quản lý".

Ở nhiều đô thị, thành phố, các trung tâm du lịch, nghỉ mát, rồi cả một số vùng quê từ lâu vẫn tồn tại tệ nạn mại dâm núp dưới rất nhiều hình thức... Ở đâu tệ nạn này phát triển, ở đó người ta nói rằng do các cơ quan chức năng "buông lỏng quản lý"! Sự thật là không ít nơi, cơ quan chức năng nắm rõ trong địa bàn mình quản lý có bao nhiêu cơ sở như vậy. Truy tìm nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm pháp luật trong những trường hợp này không thể gọi tên là "buông lỏng quản lý” mà phải là “lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để đồng lõa với tội phạm”.

"Buông lỏng quản lý" chỉ chính xác khi người có nhiệm vụ xao nhãng, lơ là hoặc do trình độ bất cập không có khả năng quán xuyến mà để lọt ra khỏi phạm vi quản lý của mình những việc gây hậu quả xấu, tiêu cực, chứ họ không có động cơ tư lợi. Như vậy, tội của họ là lười biếng, thiếu trách nhiệm - sẽ nhẹ hơn nhiều so với những "công bộc" cố tình quản lý rất chặt đối tượng để liên kết ăn chia, trục lợi.

Hiện nay, những tiêu cực, những vụ việc đáng tiếc xảy ra ở nơi này, nơi khác phần nhiều là do có sự thông đồng, làm ăn phi pháp giữa người có trách nhiệm quản lý với các đối tượng xấu hơn là sự vô trách nhiệm, lơi lỏng quản lý như đã nói. Đây chính là vấn đề mấu chốt để nhận diện ra nguyên nhân của những vụ việc tiêu cực./.

Ninh Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất