Thứ Sáu, 22/11/2024
Hỏi - Đáp
Thứ Tư, 24/9/2008 15:15'(GMT+7)

Hỏi - Đáp về các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Phần 3)

NGHỊ QUYẾT VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Câu hỏi 1: Vì sao Hội nghị Trung ương 7, khoá X bàn và ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

Trả lời:

- Nông nghiệp và kinh tế nông thôn là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nông nghiệp bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp; xuất khẩu nông sản đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế; tạo việc làm và thu nhập cho đa số người dân. Nông thôn là môi trường sống của đa số nhân dân, nơi bảo tồn và phát triển các truyền thống văn hoá dân tộc.

- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ, giai cấp nông dân luôn là lực lượng hùng hậu nhất đi theo Đảng, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức là nền tảng chính trị của cách mạng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược. Trong hơn 20 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn liên tục phát triển, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Thành tựu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói, giảm nghèo là một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của nước ta trong thời kỳ đổi mới.

- Tuy vậy, hiện nay đang xuất hiện nhiều thách thức mới trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hoá đất nước.Trước tình hình đó, Đảng cần phải xem xét, đánh giá đúng tình hình và có những quyết sách mạnh mẽ, giải quyết kịp thời các vấn đề đang đặt ra.

Câu hỏi 2: Giai đoạn 2000 - 2007 nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu như thế nào?

Trả lời:

- Trong điều kiện có nhiều khó khăn, toàn ngành vẫn có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, giá trị gia tăng đạt bình quân 3,71%/năm, giá trị tổng sản lượng tăng bình quân 5,24%/năm.

- Cơ cấu nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng phát triển các cây trồng, vật nuôi có thị trường, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn; tỉ trọng ngành trồng trọt giảm, chăn nuôi, thủy sản tăng.

- Khoa học - kỹ thuật được áp dụng khá rộng rãi, đã tạo nên cuộc cách mạng thực sự trong nông nghiệp, nông thôn.

- Cơ khí hóa nông nghiệp có bước tiến bộ.

- Năng suất và giá trị sản xuất năm 2007 đạt 29,2 triệu đồng/ha/năm; tỉ suất hàng hóa và xuất khẩu tăng nhanh, bình quân 16,85%/năm; một số mặt hàng xuất khẩu có vị thế quan trọng trên thị trường thế giới.

Câu hỏi 3: Các hình thức tổ chức sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã đạt được những kết quả như thế nào trong giai đoạn 2000-2007?

Trả lời:

- Kinh tế hộ tiếp tục phát triển theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, bình quân một hộ nông nghiệp sử dụng 0,63 ha đất.

- Kinh tế trang trại phát triển theo hướng đa dạng và hiệu quả hơn. Đến ngày 01-7-2006 cả nước có 113,7 nghìn trang trại (tăng 86,4% so với năm 2001).

- Kinh tế hợp tác có chuyển biến tích cực, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục được đổi mới và phát triển cả về số lượng, quy mô và vốn góp của doanh nghiệp.

- Cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, tỉ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ trong GDP ngày càng tăng. Năm 2007, công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 80%, riêng ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 60%.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là thuỷ lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Đến năm 2006, cả nước có 96,9% tổng số xã có đường ôtô đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã.

- Các lĩnh vực điện, nhà ở, chợ, trường học, lớp học, trạm y tế, văn hoá, thể thao, thông tin liên lạc, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đều có bước phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn nước ta.

Câu hỏi 4: Thành tựu chủ yếu trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, phát huy dân chủ, xoá đói, giảm nghèo… thể hiện như thế nào trong nghị quyết?

Trả lời:

- Từ năm 1996 đến nay, thu nhập bình quân đầu người nông thôn tăng lên hơn 2,7 lần, năm 2006 bình quân đạt 6,1 triệu đồng/người, bình quân một hộ nông thôn đạt 26,1 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng, tăng 75,8% so với năm 2002.

- Tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm nhanh, từ 66,4% năm 1993; 45,5% năm 1998; 35,6% năm 2002; 27,5% năm 2004 xuống còn 18% năm 2007, mặc dù chuẩn nghèo đã tăng lên.

- Hầu hết các xã có sổ khám bệnh cho người nghèo, nhiều bệnh dịch được phòng ngừa và khống chế kịp thời. Năm 2006, tỉ lệ người được khám, chữa bệnh là 38,1% (cao gấp 2,07 lần năm 2002); có 51,6% cư dân nông thôn có bảo hiểm y tế.

- Số người biết chữ tăng từ 90,9% năm 2002 lên 92% năm 2006 (tính từ 10 tuổi trở lên).

- Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao được tăng cường. Đã có trên 70% khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; có 20,6% dân số thường xuyên tập thể dục thể thao, 3,4% dân số tham gia tập thể dục thể thao.

Câu hỏi 5: Nghị quyết đã nêu những khuyết điểm, yếu kém về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thế nào?

Trả lời:

Các khuyết điểm, yếu kém đó là:

- Nông nghiệp phát triển kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các tiềm năng và nguồn lực.

- Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn (các nhà máy chủ yếu là quy mô nhỏ, trên 70% có vốn dưới 5 tỷ đồng).

- Các hình thức tổ chức sản xuất đổi mới chậm, chưa đủ sức phát triển mạnh sản xuất hàng hoá ở nông thôn. Kinh tế hộ nhỏ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong nông nghiệp ở nước ta.

- Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn kém, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn thấp.

- Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn còn thấp, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng ngày càng lớn; số hộ nghèo còn nhiều; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: thu nhập, việc làm và tình trạng nghèo, đói; đời sống ở nhiều vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là người nông dân còn chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi; hệ thống an sinh xã hội yếu kém; xã hội nông thôn bị phân hoá...

Câu hỏi 6: Nghị quyết đã nêu nguyên nhân khách quan, chủ quan và những bài học kinh nghiệm trong vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thế nào?

Trả lời:

- Về nguyên nhân khách quan:

+ Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đi lên từ mức phát triển rất thấp, còn mang tính chất của một nền sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ, phân tán; có nơi thậm chí vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp, công nghệ, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, nhân lực ít được đào tạo, trình độ kỹ năng nghề thấp.

+ Nước ta nằm trong khu vực thường xuyên có bão lụt (khoảng 10 cơn bão/năm), hàng năm thường bị thiệt hại lớn về người và của nhất là trong nông nghiệp, nông thôn.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Tư duy và nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập so với thực tiễn. Chưa hình thành được một cách cơ bản hệ thống lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.

+ Cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính đột phá, một số không hợp lý nhưng chậm được điều chỉnh, tổ chức thực hiện kém, đặc biệt về các chính sách đất đai, tài chính, thương mại...

+ Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ hưởng lương và trợ cấp ngân sách hiện đã khá đông và có xu hướng tăng thêm nhưng vẫn thiếu cán bộ giỏi.

- Về những bài học kinh nghiệm:

Một là: phải luôn xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng có tính chất chiến lược và mối quan hệ gắn bó hữu cơ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai là: kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kịp thời điều chỉnh và ban hành chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Ba là: tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, cải thiện điều kiện sống của nhân dân.

Bốn là: tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cư dân nông thôn, chú trọng phát triển khoa học- công nghệ, tạo bước đột phá cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông nghiệp.

Năm là: huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là cấp cơ sở, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn, làm nền tảng cho quá trình phát triển.

Câu hỏi 7: Nghị quyết đã nêu những quan điểm chỉ đạo nào trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta thời gian tới?

Trả lời:

Từ thực tiễn trong nước, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Nghị quyết nêu bốn quan điểm phát triển chính cho giai đoạn mới như sau:

- Nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

- Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là khâu then chốt.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực. Phát huy cao nội lực; đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.

- Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường, vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Câu hỏi 9: Mục tiêu tổng quát và mục tiêu đến năm 2020 về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì?

Trả lời:

- Mục tiêu tổng quát trong giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta là:

+ Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng; tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn.

+ Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

+ Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

+ Hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân – nông dân – trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Mục tiêu đến năm 2020 khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đạt:

+ Tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thuỷ sản đạt 3,5 - 4%/năm.

+ Duy trì diện tích đất lúa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.

+ Phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện nay. Lao động nông nghiệp còn 30% lao động xã hội, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 50%.

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

- Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.

Câu hỏi 10: Những nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đã đề ra cần thực hiện trong giai đoạn mới.

Trả lời:

Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:

Một là: Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

- Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở, căn cứ cho xây dựng các chương trình, đề án phát triển của lĩnh vực này.

- Hiện đại hoá ngành trồng trọt trên cơ sở đẩy mạnh tổ chức các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến và ứng dụng khoa học công nghệ.

- Hiện đại hoá ngành chăn nuôi trên cơ sở phát triển mạnh chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp.

- Hiện đại hoá ngành thuỷ sản, lâm nghiệp, ngành muối, các ngành công nghiệp và dịch vụ ở các vùng nông thôn.

Hai là: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại gắn với phát triển các đô thị.

- Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn về giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin- truyền thông, cơ sở hạ tầng thương mại, y tế, giáo dục.

- Xây dựng nông thôn mới, phát triển mạng lưới thị trấn, thị tứ làm cơ sở phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm áp lực gia tăng dân số tại các thành phố lớn. Phát triển nhà ở nông thôn.

- Tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường.

Ba là: Nâng cao nhanh đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn.

- Chú trọng tạo việc làm từ phát triển nông nghiệp.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo.

- Tăng cường nỗ lực nâng cao nhanh đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Phát triển giáo dục, y tế, văn hoá ở nông thôn; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; bảo đảm quyền lợi bình đẳng của nông dân; phát huy dân chủ cơ sở; ngăn chặn tiêu cực xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở nông thôn; thực hiện bình đẳng giới; giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn hài hoà ở các vùng.

Bốn là: Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.

- Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, sản xuất hàng hoá gia trại và trang trại.

- Phát triển các tổ chức của nông dân.

- Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, các nông, lâm trường quốc doanh.

- Phát triển mạnh doanh nghiệp nông thôn (tư nhân, FDI...) về cả số lượng và chất lượng.

Năm là: Phát triển nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn.

- Về đào tạo nhân lực: đào tạo nghề nông cho nông dân; đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ; kiên trì và quyết tâm thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ sở; tổ chức đào tạo nông dân.

- Về phát triển nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học - công nghệ: Tập trung nghiên cứu các vấn đề trọng tâm, tạo đột phá về khoa học công nghệ đưa vào sản xuất. Tăng đầu tư ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Tạo nguồn cung cấp khoa học công nghệ chất lượng cao. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phát triển công tác khuyến nông. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật cho nông nghiệp - nông thôn. Xây dựng mạng lưới dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn.

Sáu là: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, huy động cao các nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

- Chính sách về đất đai gắn với quản lý rừng, biển và tài nguyên thiên nhiên.

- Chính sách bảo đảm nguồn vốn cho quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Phát triển thị trường nông thôn.

Bảy là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

- Đổi mới thể chế, tăng cường quản lý nhà nước để hỗ trợ hữu hiệu hơn cho phát triển nông nghiệp - nông thôn.

- Tăng cường công tác xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công - nông và đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

- Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể.

Câu hỏi 11: Nghị quyết đã xác định những nhiệm vụ cấp bách nào cần thực hiện từ nay tới năm 2010?

Trả lời:

Để đạt được mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ X đề ra tới năm 2010, Nghị quyết xác định cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau đây:

- Hoàn thành cơ bản việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, khu công nghiệp và quy hoạch chuyên ngành theo vùng. Triển khai nhanh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị.

- Hoàn thành sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật khác có liên quan. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn.

- Bảo đảm tiến độ các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai; thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là nước biển dâng; khống chế, dập tắt kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực ở nông thôn.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, nhất là xóa đói, giảm nghèo ở các huyện, xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%. Khắc phục nhanh những vấn đề bức xúc ở nông thôn, trước hết là những tồn tại liên quan tới vấn đề thu hồi đất. Triển khai chương trình "xây dựng nông thôn mới", trong đó thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước.

- Tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn nông thôn; củng cố bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp.

Hết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất