Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 9/6/2014 9:32'(GMT+7)

Các chủng virus sởi chưa biến đổi gen và thay đổi về độc lực

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học).

Đến cuối tháng 3-2014, có 25 trường hợp tử vong do sởi. Các trường hợp tử vong do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi. Trong số đó, có khoảng 28% là trẻ dưới 9 tháng tuổi (tức là chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin sởi theo quy định của Bộ Y tế).

Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc-xin đủ mũi bị mắc bệnh (chiếm khoảng 4,2%).

Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng - nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao - dịch xảy ra rải rác; điều này cho thấy, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt, tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng.

Các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông-xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm khiến các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh; trong khi đó, nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do virus, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh viêm phổi là nguyên nhân cao nhất gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi với khoảng 1,1 triệu trẻ tử vong hàng năm.

Để ứng phó với dịch bệnh sởi, thời gian qua, các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sởi, trong đó, tại các tỉnh có ổ dịch tập trung tổ chức tiêm vắc-xin chống dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ định của cơ quan y tế tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang với số lượng 190.464/205.404 trẻ đạt 92,7%.

Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng chống dịch và tiêm vét vắc-xin sởi với số đối tượng tiêm khoảng 710.000 trẻ. 

53 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vét trong tháng 3, trong đó có 41 tỉnh đã có báo cáo ban đầu với 222.000/504.000 trẻ được tiêm vét vắc-xin sởi đạt tỷ lệ 44%. Các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành tiêm vét trong tháng 4-2014.

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh sởi hiện nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010 và đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014, đặc biệt sau khi các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vắc-xin sởi và triển khai các biện pháp phòng chống. Dự kiến, bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi. Việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn, tiêm vắc-xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vắc-xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới. Tuy nhiên, sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi.


Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất