Hơn 200 đại biểu đại diện các hội, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng (gọi chung là các tổ chức xã hội) trong và ngoài VUSTA; các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương; các nhà tài trợ trong nước và quốc tế; các liên hiệp hội địa phương; các viện nghiên cứu, nhóm cộng đồng và các cơ quan báo chí tham dự Hội thảo.
Có gần 30 bản tham luận và báo cáo được gửi tới Ban Tổ chức và tham vấn tại Hội thảo. Các tham luận tập trung phân tích một số vấn đề chủ chốt của các tổ chức xã hội (TCXH): Môi trường pháp lý và nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội; tài chính bền vững; tư vấn phản biện và xây dựng chính sách.
Một góc quang cảnh Hội thảo |
Hội thảo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò các TCXH, xác định thêm những vấn đề ưu tiên chung bổ sung vào các hoạt động của từng tổ chức theo từng giai đoạn, đang là một nhu cầu thực tế mang lại lợi ích dài hạn cho các tổ chức; đồng thời, là diễn đàn cho các TCXH giao lưu, học hỏi lẫn nhau; qua đó, phác thảo bức tranh chung về sự hình thành, phát triển, các đóng góp và các vấn đề tồn tại của khu vực này sau 30 năm đất nước đổi mới phát triển.
Hội thảo còn là kết quả tổng kết của ba hội thảo được coi là "vệ tinh" tổ chức trước đó từ 7/7 - 26/7/2016, cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, tính giải trình của Chính phủ thì sự tham gia đóng góp của các TCXH vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật cũng như thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia ngày càng được mở rộng, góp phần làm hoàn thiện hơn các chính sách, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể, những đóng góp trực tiếp có hiệu quả vào các lĩnh vực đời sống, xã hội như giáo dục-đào tạo; phát triển khoa học – công nghệ; xoá đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chăn sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống HIV/AISD, bình đẳng giới...
Hội thảo đã nhận định, các TCXH Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển, chỉ tính riêng trong hệ thống Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đến nay đã có 78 hội, tổng hội khoa học kỹ thuật ngành toàn quốc, 63 liên hiệp hội địa phương, hơn 800 tổ chức khoa học và công nghệ (trong đó trực thuộc cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam là 430), hơn 200 các cơ quan báo chí, xuất bản với hơn 400 đầu ấn phẩm. Liên hiệp hội Việt Nam đã tập hợp trên 2 triệu hội viên cả nước. Chính phủ luôn quan tâm, ghi nhận vai trò và sự đóng góp tích cực của các TCXH. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động của các TCXH, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Bên cạnh đó, nhận thức của dân chúng và các nhóm cộng đồng khác nhau về vai trò, sự hiện diện của các TCXH cũng đã được thay đổi theo hướng đoàn kết vì cộng đồng, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong khuôn khổ Hội thảo thường niên 2016 còn có triển lãm giới thiệu thành tựu chính của khoảng 20 tổ chức xã hội tiêu biểu ở Việt Nam.
PV