Thứ Bảy, 5/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 9/8/2016 16:18'(GMT+7)

Xuất bản và ra mắt cuốn sách: Lê Quang Sung – Hào khí tuổi hai mươi

Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Quang Sung tại quê nhà.

Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Quang Sung tại quê nhà.

Tập sách nhằm tôn vinh những cống hiến lớn lao của đồng chí Lê Quang Sung, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Duy Xuyên, qua đó noi gương và phát huy mạnh mẽ tinh thần “Hào khí tuổi hai mươi” của đồng chí Lê Quang Sung trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Tập sách hơn 200 trang và nhiều hình ảnh minh họa, nội dung tập sách ngoài Lời nói đầu, gồm ba phần chính. Phần I: Lê Quang Sung – Hào khí tuổi hai mươi, gồm hai bài viết mang tính chất khái quát về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Sung và tấm gương người vợ - người cộng sự đắc lực của đồng chí Lê Quang Sung. Phần hai: Dấu ấn Lê Quang Sung, gần hai mươi bài viết, những bút tích của các đồng chí hoạt động cùng thời như: Lê Văn Lương, Phạm Ký, hoặc những bài viết của nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, những người con của quê hương Duy Xuyên như: Thái Duy, Trần Thận, Lưu Trung Dương, Đoàn Xoa... Phần III: Những tấm gương cộng sản cùng thời, phần này giới thiệu khái quát quá trình hoạt động cách mạng của những chiến sĩ cách mạng – những người gieo hạt giống cách mạng ở Quảng Nam – Đà Nẵng những năm đầu vận động thành lập Đảng bộ tỉnh như: Đỗ Quang, Lê Văn Hiến, Thái Thi Bôi và những  cán bộ chiến sĩ cùng trên chiến hào bị địch bắt đày ra Côn Đảo như Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diễu...

Đồng chí Lê Quang Sung (tên thật là Lê Đắc Thiềm, bí danh Lê Hoàn) sinh năm 1908, tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên. Năm 1924, khi đang học tại Trường Quốc học Huế, Lê Quang Sung đã cùng nhiều học sinh ở Nhà hội Quảng Nam tại Huế tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước. Sau đó bị đuổi học, đồng chí cùng với hai anh em Đỗ Quang, Đỗ Quỳ về Đà Nẵng thành lập Ban vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 1928, đồng chí được cử đi học lớp huấn luyện do Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên mở ở Thái Lan. Đồng chí là người in và phát hành hàng trăm cuốn “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. 

Trước sự truy lùng gắt gao của địch, năm 1929, Lê Quang Sung cùng Đỗ Quỳ chuyển vào Sài Gòn. Nhân có chủ trương “vô sản hóa”, đồng chí xin vào làm việc cho Hãng FACI - một hãng sửa chữa tàu biển có hàng nghìn công nhân. Tháng 11.1930, Lê Quang Sung làm Bí thư tỉnh Chợ Lớn. Năm 1931, bị bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn), đến ngày 7/5/1933 thực dân Pháp đem xét xử 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có các đồng chí Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung... Chúng gọi đó là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Chúng đã tuyên án 8 người tử hình, trong đó có Lê Quang Sung... với tội danh “giết người, làm loạn”. 

Năm 1934, Lê Quang Sung cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp... bị đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1934, chi bộ tổ chức cho đồng chí Lê Quang Sung, Ngô Gia Tự, Tô Chấn cùng một số người khác vượt đảo về đất liền tiếp tục hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng. Chuyến đi được chuẩn bị công phu nhưng cuộc vượt ngục sau đó không thành công, Lê Quang Sung cùng các đồng chí của mình đã hy sinh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Sung tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí với phong trào cách mạng trong những buổi đầu gieo hạt trên mảnh đất xứ Quảng, đặc biệt là đối với phong trào công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn là vô cùng to lớn. Ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường bất khuất của đồng chí Lê Quang Sung mãi mãi là tấm gương, niềm tự hào và là ngọn lửa cách mạng luôn bừng cháy để các thế hệ thanh niên trên mảnh đất Duy Xuyên học tập và noi theo./.

Lê Năng Đông 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất