Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 30/8/2023 14:49'(GMT+7)

Cách tổ chức nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng ở Bình Phước

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo “Lịch sử - Truyền thống Đảng bộ huyện Phú Riềng”

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo “Lịch sử - Truyền thống Đảng bộ huyện Phú Riềng”

KẾT QUẢ TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN, XUẤT BẢN LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG, LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống là nhiệm vụ chính trị quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, trong 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có chuyển biến tích cực, từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành và xã, phường, thị trấn anh hùng đã xuất bản lịch sử truyền thống cách mạng, góp phần làm rõ sự ra đời, phát triển và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng; giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là giúp cho thế hệ trẻ vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vun đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước của mỗi người, góp phần đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, mưu toan xuyên tạc lịch sử, chống lại Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các ấn phẩm lịch sử của các đơn vị trong tỉnh được xuất bản ngày càng nâng cao cả về chất lượng và hình thức, phục vụ thiết thực cho việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các đảng bộ trực thuộc và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt Chỉ thị 20-CT/TW bằng các hình thức lồng ghép trong hội nghị giao ban; sinh hoạt chi bộ, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng. 

Qua 5 năm (từ 2018 - 2023) thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử của Đảng” và Kế hoạch số 99-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã xuất bản 86 công trình lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống ngành, kỷ yếu, hồi ký, cụ thể: Cấp tỉnh: Triển khai biên soạn, bổ sung, tái bản 25 công trình, kỷ yếu, hồi ký tiêu biểu như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930 - 2020); Hồi ký của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Phước; Bình Phước - Di tích và danh thắng; Biên soạn Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước (2005 - 2020); Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (1997 - 2021); Kỷ yếu ngành tổ chức tỉnh Bình Phước (1997 - 2022) … Các huyện, thị, thành ủy, xã, phường, thị trấn hoàn thành biên soạn 61 công trình; trong đó 39 công trình, kỷ yếu và 22 công trình cấp xã.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIẢNG DẠY LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua cuộc thi, tham quan về nguồn, chăm sóc di tích lịch sử, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ … Qua đó tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.… Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo và Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch biên soạn và đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong Trường chính trị, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị và các Trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều huyện, thị trong tỉnh đã biên soạn và đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học như thị xã Đồng Xoài, thị xã Phước Long, huyện Bù Đốp, huyện Bù Đăng và huyện Đồng Phú. Công tác giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và động viên mọi người tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nổi bật, trong đó có Đồng Xoài, Bù Đốp, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phước Long, Bù Đăng… tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ ở địa phương. Phước Long phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nhà tù Bà Rá và phong trào đấu tranh chống chế độ lao tù (1940 - 1945). Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo như: Hớn Quản triển khai lồng ghép tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương trong sinh hoạt định kỳ của các chi bộ, các ngày lễ lớn; Bù Đăng đã tổ chức chương trình “Tôi yêu lịch sử Việt Nam”… Việc đưa nội dung tuyên truyền giáo dục lịch sử vào sinh hoạt chi bộ được thực hiện qua nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Định hướng các nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương nhằm tuyên truyền kịp thời, hiệu quả đến cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. 

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư đã được các cấp ủy đảng trong tỉnh thực hiện đồng bộ, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, qua đó góp phần tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Cách thức, phương pháp, quy trình biên soạn được thực hiện khoa học, số lượng, chất lượng các công trình và ấn phẩm xuất bản nâng lên; nhiều công trình lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học. Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác nghiên cứu biên soạn, lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành. Kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn tuy đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, song vẫn còn thấp. Công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu lịch sử ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm, nhiều tư liệu lịch sử bị hư hỏng, thất lạc; nhân chứng lịch sử phần lớn đã qua đời hoặc sức khỏe yếu nên khó khăn trong việc khai thác nhân chứng sống… cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng có thể rút ra một số kinh nghiệm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW và Kế hoạch số 99-KH/TU nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính đặc thù của nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử; từ đó, đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị chưa hoàn thành theo tiến độ của Kế hoạch số 99-KH/TU; đồng thời, phải đảm bảo chất lượng của tác phẩm, xác định rõ mốc thời gian cụ thể để hoàn thành việc biên soạn các tác phẩm; có sự phân công, hỗ trợ phù hợp để các xã thực hiện tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng trong toàn xã hội, với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Chú ý tăng cường công tác giáo dục truyền thống trong trường học, giáo dục cho thế hệ trẻ. Phải thật sự coi trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng cấp huyện và cấp cơ sở trong toàn tỉnh.

Bìa sách

Bìa sách cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1930 - 2020)

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN LỊCH SỬ TRONG THỜI GIAN TỚI

Trên cơ sở đánh giá toàn diện hoạt động công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương Bình Phước phát huy những thành tích đạt được; khắc phục những tồn tại, yếu kém; rút kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chính trị - tư tưởng.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ; quan tâm đến lực lượng cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở huyện, thị, thành, xã, phường, thị trấn. Chú trọng xây dựng kế hoạch từng năm và dài hạn trong việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng theo hướng đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, phẩm chất và bản lĩnh chính trị, nắm vững phương pháp luận sử học, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học lịch sử.

Cần tăng cường đầu tư kinh phí từ các nguồn kinh phí của Đảng, Nhà nước, trang bị tốt cơ sở vật chất và tạo điều kiện làm việc phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời đối với đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt công tác lịch sử Đảng ở địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng một cách thường xuyên, thống nhất trong hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức và đánh giá đúng thực trạng chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng trong trường chính trị tỉnh, các trường phổ thông, các trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị trên phạm vi toàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị trong tỉnh phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Xây dựng kế hoạch công tác lịch sử Đảng hàng năm và từng giai đoạn; có biện pháp cụ thể, sát thực trong việc giúp đỡ các huyện, thị, thành nhất là các xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ban, ngành, đoàn thể.

Minh An

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất