Trong bức tranh tổng thể của nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Chăm từ lâu đời đã có những đóng góp tích cực, làm nên sự đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất.
“Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012”, diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16-10-2012, với sự góp mặt của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh thành có đông đồng bào Chăm sinh sống như Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, TPHCM và Ninh Thuận.
Với chủ đề “Văn hóa Chăm - bảo tồn, phát huy và hội nhập”, ngày hội được tổ chức vào đúng dịp tết của đồng bào Chăm - lễ hội Katê. Đặc biệt, vào tối 14-10, chương trình sân khấu hóa quy mô và hoành tráng khai mạc ngày hội, diễn ra tại khu vực Tháp Chàm - Tháp Poklong Garai. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV và một số đài truyền hình các tỉnh thành.
Tổng đạo diễn - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: “Đêm khai mạc, điểm nhấn chính của chương trình là tái hiện lễ hội Katê, sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về lễ hội truyền thống dân gian này. Bên cạnh đó, sự độc đáo của bốn nhóm cộng đồng Chăm (Chăm H’roi, Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni, Chăm Islam) cũng được thể hiện với dấu ấn riêng trên sân khấu, góp phần tôn vinh nền văn hóa nghệ thuật truyền thống dân gian của đồng bào Chăm, luôn thống nhất trong sự đa dạng của 54 dân tộc anh em; được bảo tồn và thúc đẩy phát triển phù hợp với đời sống hiện đại. Ngày hội năm nay tổ chức vào đúng dịp tết của đồng bào Chăm sẽ góp phần quảng bá tốt nhất bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Chăm đến du khách trong và ngoài nước”.
Trong chương trình, bên cạnh hoạt cảnh tái hiện lễ hội Katê, các diễn viên, nghệ nhân sẽ biểu diễn các tiết mục đặc sắc: hát múa Vũ nữ Áp-Sa-Ra, tốp ca Tiếng trống Ghi Năng - Tiếng trống hòa bình, múa Chiếc khăn Ma ôm (Matara), ca múa Po Sanưh huyền thoại, Làng Chăm ơn Bác, múa Sắc màu Chăm - Những sắc màu văn hóa…
Tại ngày hội, ngoài những nội dung như biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống, triển lãm, ẩm thực, giới thiệu sách, hội thảo “Bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm”, thi dệt thổ cẩm, thi nặn sản phẩm gốm, ban tổ chức còn thiết kế chuỗi hoạt động ngay tại các làng nghề, giúp khách tham quan tiếp cận trực tiếp với đời sống sinh hoạt, quy trình sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Bà con nhìn nhận có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như hôm nay là do có sự quan tâm đầu tư chăm lo của Đảng và Nhà nước, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường, trạm… để tạo điều kiện sinh hoạt ngày càng tốt hơn cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Từ nội dung phong phú và hấp dẫn của sự kiện ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch đặc biệt này, nhiều công ty du lịch đã đánh giá cao và thiết lập nên các tour du lịch mới trên mạng, chào hàng tại các điểm giao lưu về du lịch, kịp thời phục vụ du khách muốn tham gia lễ hội. Đây là một cách làm thiết thực, nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Chăm, đồng thời cổ vũ tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, cùng dốc sức dốc lòng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua việc định hướng phát triển du lịch về nguồn, du lịch khám phá và tìm hiểu về các di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống các dân tộc Việt Nam, ngành du lịch đang có thêm nhiều thuận lợi thu hút đối tượng du khách tìm đến, hưởng ứng, ủng hộ.
Người Chăm ở Việt Nam có khoảng 140.000 người, có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đa dạng, từ kiến trúc, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, múa… phản ánh nét tài hoa, óc thẩm mỹ tinh tế và sâu sắc. Văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm luôn mang đậm dấu ấn riêng nhưng đồng thời cũng hòa quyện, lan tỏa trong môi trường văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. |
SGGP