Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 26/1/2011 21:49'(GMT+7)

Cái nhìn lệch lạc về văn hóa và đạo đức xã hội Việt Nam

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2010.(Ảnh minh hoạ)

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2010.(Ảnh minh hoạ)

Trên một số trang tin điện tử mới đây đã đăng bài viết của tác giả Phạm Anh Tuấn. Trang thông tin này cho biết thêm, đây là bài tham luận gửi hội thảo “Sự xuống cấp văn hóa và đạo đức trong xã hội ngày nay” do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức ngày 27-11-2010 tại Hà Nội. “Khi tâm hồn con người bị tước đoạt”.

Từ quan điểm được đề cập ngay từ đầu bài viết: “Tôi cố gắng không để mình bị hạn chế vào một cách nhìn cột chặt vào một chuyên ngành đó, chẳng hạn như nhìn văn hóa, đạo đức hoặc sự xuống cấp văn hóa và đạo đức từ góc nhìn của đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, tội phạm học, luật học, v.v.. là những lĩnh vực mà tôi thực ra không có kiến thức trường ốc chuyên sâu”, tác giả đã “quan sát một con người bình thường trong xã hội hôm nay” với những góc nhìn ảm đạm, lệch lạc. Chẳng hạn, tác giả coi lứa tuổi học sinh tiểu học và phổ thông hiện nay chịu ảnh hưởng của “Một nền giáo dục quá lý trí, cái gì cũng giảng giải làm đầu óc của đứa trẻ bị đần độn đi, tâm hồn nó bị đồng phục hóa và sau này lớn lên nó sẽ tìm cách trả thù khi có dịp”. Nhận xét về sinh viên đại học, tác giả cho rằng: “Nó vẫn tiếp tục bị coi là “học trò”, nó không biết cách đọc sách, nó không biết tranh luận, tóm lại nó không biết bất kỳ một phương pháp tư duy nào khác ngoài một phương pháp duy nhất được dạy đồng loạt cho tất cả… Nghĩa là chẳng được học cái gì cho ra hồn, cho đến nơi đến chốn. Nó lười học không phải là lỗi tại nó”.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi nhận định “Dân sống ở thành phố sẵn sàng làm bất cứ điều gì phạm luật để có chỗ để ở, người nông dân sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giữ lấy mảnh đất của mình”, tác giả nói như đinh đóng cột: “Tâm hồn khô cằn, chán chường, mệt mỏi, tầm thường, rỗng lòng tin là những yếu tố quyết định thái độ cư xử thiếu văn hóa và đạo đức của hầu hết những con người trong xã hội hôm nay. Ngày nay rất hiếm gặp những con người có tâm hồn sôi nổi, trong sáng. Xã hội giống như một sới vật khổng lồ mà ở đó hầu hết các đô vật đều không chơi đúng luật, sẵn sàng phạm luật để chiến thắng đối phương. Bức tranh xã hội bây giờ nom thật ảm đạm, thảm hại, bế tắc. Sự ảm đạm, thảm hại, bế tắc càng trở nên ảm đạm, thảm hại, bế tắc hơn khi rất nhiều người cố tình không nhìn ra sự ảm đạm, thảm hại, bế tắc này!”.

Thử mang ra vài luận cứ chứng minh để nhận diện những nhận định, đánh giá về văn hóa, đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay của Phạm Anh Tuấn liệu đã đúng đắn, sát thực tế chưa?

Chỉ số giáo dục trong chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá ngày càng tiến bộ. Năm 2009, chỉ số giáo dục của Việt Nam ở vị trí thứ 69/182 nước được xếp hạng. Điều đó trước hết xuất phát từ quan điểm, nội dung, chương trình giáo dục của Việt Nam đã và đang ngày càng tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, tự thân hai từ “giáo dục” theo đúng nghĩa của nó đã bao hàm sự tích cực, tiến bộ, nhân văn, chứ không phải là sự nhồi nhét áp đặt những tư tưởng, nhận thức, hành vi phi nhân văn, phản khoa học như các thế lực phản động từng gây ra trong lịch sử nhân loại. Do đó, cố tình nhìn nhận nền giáo dục-vốn được coi là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị văn hóa và đạo đức-rằng ở bậc giáo dục phổ thông “làm cho đứa trẻ bị đần độn đi” và bậc giáo dục đại học làm cho sinh viên “chẳng được học cái gì cho ra hồn, cho đến nơi đến chốn” vừa phản giáo dục, vừa vô căn cứ!          

Người dân Việt Nam từ lâu vốn quý tình, trọng nghĩa và đối đáp với nhau theo phương châm, đạo lý “Thương người như thể thương thân” và “Lá lành đùm lá rách”. Đó là một nét văn hóa ứng xử tinh tế, nhuần nhụy và phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng. Nhưng không vì thế mà người dân Việt Nam bất chấp luật lệ, coi thường luật pháp và luôn có tư tưởng, hành vi “sẵn sàng làm bất cứ điều gì phạm luật để có chỗ ở và giữ lấy mảnh đất của mình” như tác giả rêu rao. Nếu quả thật người dân ai cũng “sẵn sàng vi phạm pháp luật” như thế, thì bạn bè quốc tế không bao giờ lại đánh giá rằng, môi trường và an ninh của Việt Nam hiện nay là một trong những điểm đến “an toàn nhất, tin cậy nhất thế giới”. Liệu tác giả có biết sự thật và nhận định khách quan này?

Bất cứ người Việt nào có lương tri, nặng tình với mảnh đất đã sinh thành, đùm bọc, chở che và nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành cũng khó có thể chấp nhận được lời đánh giá sai trái về bản thân mình như vậy. Rồi lời kết luận: “Bức tranh xã hội bây giờ nom thật ảm đạm, thảm hại, bế tắc” của tác giả cũng thật liều lĩnh. Bởi nếu “ảm đạm, thảm hại, bế tắc” thật thì làm gì dân tộc Việt Nam có đủ vị thế văn hóa để thiết lập quan hệ ngoại giao với 171 quốc gia, là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hàng trăm tổ chức phi chính phủ trên thế giới?

Nói về phương diện khoa học, tác giả đã không thể hiện rõ một cái nhìn khách quan, toàn diện và thực tiễn. Vì như lời “tự thú” trong phần mở đầu bài viết, do không đứng ở góc nhìn của đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, tội phạm học, luật học… nên bài viết mang nặng tính chủ quan, thiếu tính chất học thuật. Viết về một bài văn hóa, đạo đức có thể không khó. Nhưng viết một bài tham luận hội thảo về một vấn đề quan trọng, phức tạp và nhạy cảm như văn hóa và đạo đức của một quốc gia dân tộc thì phải có cái nhìn khoa học với một phương pháp tư duy biện chứng, đưa ra các cơ sở luận cứ, luận giải, chứng minh, phân tích phải có tính hệ thống, lô-gích, chặt chẽ mới bảo đảm sức thuyết phục. Còn cố ý “nói lấy được” như bài viết của Phạm Anh Tuấn, là thiếu cả tình và sai cả lý./.

(Theo: Thiện Văn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất