Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 23/1/2011 17:11'(GMT+7)

Tượng đài - Cái đẹp từ nhiều góc nhìn

Tượng đài Quang Trung ở Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê, Bình Đình).

Tượng đài Quang Trung ở Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê, Bình Đình).

Tượng đài - tâm thế thời đại

Đối với nền mỹ thuật nói chung và chuyên ngành điêu khắc nói riêng, tượng đài phản ánh sự phát triển về bề nổi. Bởi vì sáng tác được một tác phẩm điêu khắc đã là việc khó, triển lãm để giới thiệu tác phẩm với khán giả cũng là việc khó, nhưng khó nhất vẫn là để tác phẩm mình trở thành biểu tượng, đứng trong lòng khán giả.

Nhà điêu khắc Nguyễn Hải, người sáng tác bức tượng Chiến thắng Điện Biên đã phải chờ hàng chục năm mới được chuyển khối để bức tượng trở thành biểu tượng của thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Tượng đài Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phù Đổng Thiên Vương phải trải qua hàng chục cuộc thi, bỏ phiếu, trưng cầu dân ý, chỉnh sửa… mới được duyệt mẫu. Nói vậy để thấy việc dựng tượng đài là hệ trọng, không phải ai cũng may mắn làm được. Bởi tính chất trường tồn, biểu tượng và đại diện cho cả nền mỹ thuật nên các tượng đài phải mang tính khái quát, ngôn ngữ biểu đạt cao, tạo nên ấn tượng về sự hùng vĩ, cao cả. Tượng đài đôi khi còn là hình ảnh đại diện của một vùng lãnh thổ, một quốc gia, một giai đoạn lịch sử.

Ngay như thời thực dân Pháp đô hộ nước ta, non một thế kỷ, vậy mà tại Hà Nội-thủ phủ của Bắc Bộ-người Pháp cũng chỉ xây dựng được hai bức tượng vườn, một đặt tại vườn hoa con cóc, một đặt ở vườn hoa Pát-xtơ. Trong thời gian này, nhân dân ta cũng chỉ có được một bức tượng đồng vua Lê Thái Tổ trả kiếm báu đặt bên cạnh Hồ Gươm.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tráng khí chính là tâm thế của thời đại. Chúng ta đã có được nhiều tượng đài phản ánh tâm thế đó. Có thể kể tới tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh (tác giả Kim Giao), tượng đài Lý Tự Trọng, tưởng niệm Khâm Thiên (Nguyễn Văn Tự), tượng đài Lê-nin (G.I-xa-cô-vích và A.Chu-men-cốp), Chiến thắng Ngọc Hồi (Tạ Duy Đoán), Bác Hồ đọc sách (Lương Nguyên Phước)… Những tác phẩm này đã trở thành biểu tượng của Thủ đô. Cùng với sự phát triển của đất nước, “văn hóa tượng đài” từ Thủ đô đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành phố, đô thị khác. Nhiều tượng đài thành biểu tượng và là niềm tự hào của người dân. Nhắc tới Thái Bình, người ta nghĩ tới Tiếng trống năm 30; Nam Định có tượng đài Trần Quốc Tuấn; Thanh Hóa có tượng đài Lê Lợi; Nghệ An có tượng đài Bác Hồ; Hà Tĩnh có 10 cô gái Đồng Lộc; Quảng Bình có Mẹ Suốt; Thành phố Hồ Chí Minh có Bác Hồ với thiếu nhi… Tượng đài ở thời kỳ hòa bình, ổn định và phát triển cũng là dấu ấn đáng ghi nhận của mỹ thuật Việt Nam.

Không có tượng đài xấu…

Trở lại với vấn đề nêu ra từ đầu bài. Trong niềm vinh dự tự hào chung mà tượng đài mang lại cho nhiều miền đất, nhiều tầng lớp nhân dân, thì vẫn có những “hạt sạn” thẩm mỹ. Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, bình luận một câu “không đếm xuể, xem không xuể” với hàm ý chê trách sự “nở rộ” của “phong trào đặt tượng đài”. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, đồng tác giả của tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh đặt tại vườn hoa Vạn Xuân, thì nhắc tới sự trùng lặp mô-típ: chiến sĩ thì giương súng, công nhân giơ búa liềm, trí thức thì ôm ngang sách vở, mẹ già thì đau khổ bởi mất con... Nhân cuộc triển lãm Mỹ thuật tổ chức cuối năm ngoái, tôi gặp một nhà điêu khắc sống tại TP Hồ Chí Minh, người vừa “trúng” một mẫu tượng đài lớn, trị giá vài chục tỷ đồng. Nhà điêu khắc tâm sự rằng, đôi khi rất muốn tìm sự phá cách mới mẻ trong tư duy xây dựng tượng đài nhưng để thuyết phục Hội đồng nghệ thuật, nhà đầu tư, thì phải làm theo cách cũ, làm phá cách dễ bị đánh trượt.

Thật vậy, thuyết phục Hội đồng nghệ thuật, nhà đầu tư, như nhiều nhà điêu khắc nói: “Phải giải cho người ta thích, thế mới là giải thích”. Tượng đài Trần Nhân Tông là một ví dụ điển hình. Tham gia sáng tác mẫu tượng có không dưới 20 nhà điêu khắc. Qua từng vòng loại bớt các tác phẩm, sau lại trưng cầu dân ý loại thêm còn được 3 tác phẩm. Nhưng cuối cùng tác phẩm được chọn lại không nằm trong 3 tác phẩm ấy. Mẫu cuối cùng được chuyển khối từ bức tượng Phật Hoàng tại tháp tổ Huệ Quang. Hay như tượng đài Phù Đổng Thiên Vương, cũng có thi, cũng đặt mẫu, nhưng cuối cùng bức tượng hiện nay được làm theo ý của một nhà sư. Ý của nhà sư này, theo như lời ông kể là có từ trong một giấc mơ, ông nói: Đó là Đức Thánh Gióng báo mộng!

Việc tượng đài được sáng tác theo ý người này người kia không phải là chuyện mới, chẳng nên lấy làm lạ. Nhưng cũng xin được nhắc tới một điều rằng: Đôi khi người được quyết định đặt tượng lại không phải là người có tư duy nghệ thuật tốt, thế nên mới có chuyện tượng đài chưa đẹp, chưa thật sự ưng ý dù đã qua nhiều “khâu” xét, duyệt, đầu tư sáng tác. Thế nên khi nói chuyện tượng đài, nhiều nhà điêu khắc tâm sự: Không có tượng đài xấu, chỉ có tượng đài không được duyệt!

Tượng đài của ta nếu tính từ bức Lê Thái Tổ trả kiếm báu dựng năm 1897 đến nay đã có lịch sử 113 năm, dù xuất phát sớm nhưng lại bắt nhịp chậm so với sự phát triển của mỹ thuật đương đại.

Một điểm nữa là “tư duy” tượng đài của chính các nhà mỹ thuật chưa thống nhất. Từ năm 2006 đến nay đã có nhiều cuộc tọa đàm về chủ đề tượng ngoài trời. Nhiều cuộc bàn luận khá nóng nhưng để đưa đến kết luận chính xác thế nào là tượng đài, tượng vườn, tượng ngoài trời hay tượng thờ ngoài trời thì vẫn chưa ngã ngũ. Một nhà phê bình mỹ thuật nhận xét về tượng đài ở Hà Nội chỉ có tượng đài Lê-nin và Bác Hồ đọc sách đáng được gọi là tượng đài. Vì theo “lý thuyết” tượng đài phải có sự tương tác với môi trường. Sự hoành tráng của tượng đài tác động tới người xem một phần cũng do ngoại cảnh. Ngoại cảnh có đẹp, có hợp thì mới có tượng đài đẹp. Tượng đài đẹp thì phải đẹp từ nhiều góc. Cứ lý đó mà so, nhiều tượng đài của ta xấu, đặc biệt là góc phía sau.

Dù cho những cuộc tranh luận xung quanh các tượng đài vẫn sẽ còn tiếp diễn thì chúng tôi, những người yêu mỹ thuật, vẫn tự hào với những “tượng đài-dấu ấn mỹ thuật” mà chúng ta đang có. Chỉ xin những người hữu trách đáp ứng một thỉnh nguyện nho nhỏ rằng: Hãy làm tượng đài vì cái tâm, vì cái đẹp, để tên tuổi mình gắn liền với hào quang chói lọi của lịch sử./.

(Đông Hà/QĐND)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất