Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 18/1/2011 18:3'(GMT+7)

Tìm hướng bảo tồn đền An Thọ

 Mới đây, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa đã cùng ngồi lại để nhìn nhận lại những giá trị của ngôi đền và tìm hướng bảo tồn phù hợp.

Di tích giá trị ít được biết tới

Nằm ở số 12 đường Thanh Niên (xưa đường Cổ Ngư), đền An Thọ xưa vốn là Miếu An Thọ, có thể đã tồn tại cùng với thời gian tạo lập đình Yên Phụ, và có liên quan mật thiết đến di tích lịch sử quốc gia này. Trong quá khứ, ngôi đền đã có một vị trí quan trọng và liên quan đến quần thể di tích danh thắng ven hồ Tây.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đền An Thọ là một trong bốn cơ sở thờ tự quan trọng, hội đủ yếu tố văn hóa tín ngưỡng tâm linh đậm đặc trên đường Thanh Niên: gồm đền Nghĩa Dũng, chùa Trấn Quốc, đền Cá (nay gọi là đền Cẩu Nhi) và đền An Thọ. Đây là nơi thờ hoàng hậu Minh Đức đời Trần và cũng là nơi thờ thánh Linh Lang. Ngoài việc thờ bách linh, đền còn thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Đền hiện còn lưu giữ các dấu tích kiến trúc, điêu khắc giá trị, đặc biệt còn nhiều hiện vật quý như những pho tượng dát vàng. Với kiến trúc đặc trưng truyền thống, quay mặt ra Hồ Tây lưng dựa vào gò đất, đền từng là một cảnh trí đẹp của Hồ Tây.

Khảo sát của nhà nghiên cứu, PGS-TS Phan Khanh cho biết, hằng năm lễ hội đình Yên Phụ được tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch với sự tham gia của người dân chung quanh Hồ Tây như Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân. Trong đình Yên Phụ hiện còn chiếc kiệu sơn son thếp vàng lộng lẫy cổ kính. Trong lịch sử đã từng diễn ra những cuộc rước kiệu từ đình Yên Phụ sang đền An Thọ với nghi thức rất oai nghiêm, có năm còn rước kiệu các thánh đến chùa Trấn Quốc rồi mới trở về đình Yên Phụ.

Tuy nhiên, dấu tích của ngôi đền quan trọng gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân một vùng đất, là cảnh trí đẹp bên Hồ Tây trong quá khứ, hiện nay rất ít được biết tới.

TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, bà đã hai lần đưa các đoàn khảo sát văn hóa của Hàn Quốc và Indonesia đến thăm đền. Trong khi bạn rất thán phục về giá trị lịch sử, tính thiêng liêng, vẻ đẹp của không gian văn hóa ngôi đền, thì trong thực tế, công chúng lại khó nhận biết và tiếp cận với di tích văn hóa quý giá này.

Cấp thiết phải bảo tồn

Ngôi đền hiện nằm khuất lấp giữa những ngôi nhà cao tầng, thậm chí nhiều hộ dân chung quanh còn lấn chiếm sang không gian của đền. Dấu tích kiến trúc cảnh quan gốc, với khoảng không và mặt nước trước cửa đền hầu như hoàn toàn bị biến dạng. Và để “cạnh tranh” với những ngôi nhà cao tầng chung quanh, ngôi đền đã được xây lên mấy tầng, và như vậy, là đã phá vỡ yếu tố căn bản của văn hóa tâm linh.

Còn lại đến ngày nay, dù trải qua nhiều biến cố, đền An Thọ thực sự là một di tích quý báu từ đời Trần, cần được chú ý bảo tồn cấp thiết. Theo PGS-TS Phan Khanh, cần đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bằng di tích lịch sử cấp thành phố và phải được xem như một di tích hợp thành của di tích quốc gia đình Yên Phụ.

Việc bảo tồn đền An Thọ đặt ra rất nhiều vấn đề nan giải. Hiện ngôi đền đã được đẩy lên tầng ba để “đua chen” với những ngôi nhà dân lấn chiếm chung quanh. Nhưng theo PGS Trần Lâm Biền thì điều đó không thích hợp với các kiến trúc tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Theo ông, kiến trúc đó không tạo nên được mối giao hòa giữa hai khí âm dương đất trời, và khi hành lễ, con người không nhập được vào dòng chảy thông tam giới.

Mong muốn trả lại cho đền An Thọ “một mảnh không gian tâm linh vốn có”, nghĩa là giữ nguyên ngôi đền hiện tại, nhưng một nguyên đơn kiến trúc ở phía trước giáp Hồ Tây cần được dựng lại.- đó là ý kiến của ông. Ông cũng cho rằng, ngôi điện này cần phải bám đất, để giữ được khía cạnh bản sắc văn hóa từ ngàn xưa, khi việc thờ Mẫu luôn gắn liền với đất và nước.

Khôi phục cảnh quan đền An Thọ cần đặc biệt đến không gian văn hóa đất và nước quanh Hồ Tây như một vùng văn hóa nhân văn – sinh thái cũng là lưu ý của TS. Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản và nhà sử học Lê Văn Lan.

Khôi phục vị trí cảnh quan: vấn đề nan giải

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, đền An Thọ - nơi thờ những vị thần thuộc hàng thượng đẳng bách thần Việt Nam, nên rất xứng đáng được bảo tồn để duy trì tín ngưỡng thờ phụng những người có công với nước.

Theo ông, nếu có thể giải phóng toàn bộ khu vực quanh nơi thờ tự, tạo thành một cảnh trí đẹp bên Hồ Tây thì thật là đáng quý.

TS. Lê Thị Minh Lý cũng lên tiếng cảnh báo về sự mai một cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của ngôi đền. Vì vậy, theo bà, đền An Thọ cần được “bảo vệ triệt để” bằng những biện pháp khoa học – thực tiễn và hành chính – pháp lý song hành.

Hiện nay, di tích đang bị lấn chiếm, cảnh quan ngổn ngang, xiêu vẹo. Việc giải tỏa những ngôi nhà xây trái phép vi phạm di tích cần được giải tỏa theo đúng Luật Di sản Văn hóa và Luật đất đai. Đặc biệt, từ khi con đường ven Hồ Tây được mở, thì việc tồn tại một ngôi đền nhếch nhác, tiều tụy như hiện nay là đáng trách.

Tuy nhiên, việc giải tỏa lấn chiếm để trả lại cảnh quan vốn có cho di tích là một vấn đề hết sức nan giải.

 MINH NHẬT-NhanDan ĐT 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất