Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 22/1/2011 16:9'(GMT+7)

Thất vọng không của riêng ai

 

Sự thật, từ năm 2005, Bảo tàng Cổ vật Hoàng Gia đã đóng cửa.

Độc đáo và đắc địa

Bảo tàng Cổ vật Hoàng Gia do Cty liên doanh quốc tế Hoàng Gia (Quảng Ninh) đầu tư, có diện tích 1.500m2 được xây dựng giữa công viên Hoàng Gia - một công viên nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy, với trên 700 hiện vật được chế tác từ nhiều nhóm chất liệu: Gỗ, đá, đất nung, đồng, gốm sứ. Cho dù không rộng lớn, đây vẫn được xem là một không gian văn hoá độc đáo và hấp dẫn.

Đặc trưng nhất của nhóm gỗ là mộ thuyền của người Việt cổ có nguồn gốc khai quật từ vùng lấn biển Vành Kiệu (xã Phương Nam, Uông Bí - Quảng Ninh) niên đại được xác định 2.200 năm. Nhóm đất nung điển hình là ngôi mộ Hán cổ (khai quật tại Đông Triều) hình vòm cuốn bề thế với khá nhiều đồ vật tuỳ táng cùng chất liệu, niên đại từ 1.800 - 2.000 năm trước. Nhóm đá là các tượng Phật, vũ nữ, rắn thần Naga - đặc trưng của nền văn hoá Chăm.

Nhóm đồng là chiêng, trống Đông Sơn; tiền tệ và các binh khí cổ. Phong phú nhất vẫn là nhóm gốm sứ Việt với hai dòng điển hình Chu Đậu và Bát Tràng với sự kế tiếp liên tục về lịch sử qua 4 triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn kéo dài trên 1.000 năm. Bên cạnh đó là các sưu tập về gốm sứ Trung Hoa từ Đường, Tống đến Minh, Thanh hoặc gốm sứ Nhật Bản, Thái Lan và vật thờ; công cụ sản xuất tiêu biểu của một số dân tộc vùng Đông Nam Á.

Để ra đời Bảo tàng Cổ vật Hoàng Gia, nhiều nhà sử học và khảo cổ học hàng đầu của VN cùng Bảo tàng Quảng Ninh đã công phu thẩm định, giúp đỡ việc phân loại và tổ chức bài trí khoa học. Năm 2000, bảo tàng này chính thức mở cửa. Đây cũng là bảo tàng tư nhân đầu tiên trong cả nước được khai sinh trước khi Luật Di sản ban hành - một nỗ lực đáng trân trọng không chỉ thuộc về đơn vị chủ sở hữu mà của cả ngành văn hoá Quảng Ninh. Thế nhưng, điều gì đã khiến nó "hạ màn" một cách lặng lẽ?

Cần  một cơ chế tài chính năng động

Ông Phạm Ngọc Nam - Phó Tổng GĐ Liên doanh quốc tế Hoàng Gia - cho biết: "Từ năm 2000 - 2005, trung bình mỗi năm, bảo tàng đón trên 300.000 lượt khách tham quan. Điều này thật có ý nghĩa đối với  một trung tâm du lịch. Chúng tôi không hề muốn đóng cửa. Thế nhưng, thực tế quá phức tạp".

Sự phức tạp theo ông Nam chính là tính hiệu quả không tương xứng với giá trị đầu tư. Nói đơn giản như là "tiền bán vé xem chim không đủ mua thức ăn chim". Tại sao không đủ? Bởi một vé vào các trung tâm dịch vụ thuộc công viên Hoàng Gia là 10USD. Trong chiếc vé chung này, khách sẽ được xem biểu diễn ca nhạc dân tộc, múa rối nước, tham quan bảo tàng hoặc shopping. Vì vé bán chung, nên doanh thu giữa mỗi mảng buộc chia đều.

Trong sự chia đều này, người ta thấy nhà bảo tàng như một kẻ ăn theo mà quên mất rằng nó chính  là thành viên của một thiết chế văn hoá không thể thiếu đối với một không gian du lịch vốn dĩ mong muốn  và đã được sinh ra như ở đây. Việc gộp chung, tách riêng; tăng hay giảm giá vé hoàn toàn tuỳ thuộc quyền của chủ sở hữu. Thực tế cho thấy, nhu cầu thưởng lãm văn hoá của khách tham quan tới đây là luôn có, thậm chí là lớn nhất, cho dù nó có thể bị chính đội ngũ hướng dẫn viên du lịch làm lệch lạc vì lợi ích cá nhân của họ.

Rõ ràng là, Liên doanh quốc tế Hoàng Gia đã từ lúng túng bởi thiếu một cơ chế tài chính năng động dẫn đến việc bảo tàng mất khả năng doanh thu và phát triển. Ông Trần Trọng Hà - GĐ Bảo tàng Quảng Ninh - bình luận: "Chúng tôi xem đây là một tổn thất không chỉ đối với riêng Liên doanh quốc tế Hoàng Gia. Bởi vì để ra đời được một bảo tàng tư nhân đâu phải sự giản đơn. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ họ trong mọi khả năng có thể. Chỉ có điều, họ có muốn hay không".

Sự thật, Liên doanh quốc tế Hoàng Gia hoàn toàn có thể làm sống lại bảo tàng cổ vật của mình. Có điều, cho đến tận bây giờ, cộng đồng du lịch và ngành văn hoá Quảng Ninh hầu như chưa ai đặt một câu hỏi nghiêm túc về sự im lìm của bảo tàng này./.

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất