Thứ Ba, 12/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 21/1/2011 21:29'(GMT+7)

Dòng tộc trong tâm thức người Việt

Ngày xuân đi vãn cảnh chùa. (Ảnh minh hoạ).

Ngày xuân đi vãn cảnh chùa. (Ảnh minh hoạ).

Tại sao con người phải duy trì tộc danh, mà là tộc danh đứng về phía bố? Có ít nhất hai lý do để giải thích điều này: Trước hết là nhằm duy trì chế độ ngoại hôn, nghĩa là lấy vợ, lấy chồng không bị lẫn người nội tộc. Thứ nữa là để bảo đảm duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Với cái ý thứ nhất, đây là một nhận thức đánh dấu sự trưởng thành của tư duy con người. Bởi lẽ bằng kinh nghiệm sinh tồn, con người nhận ra rằng, nếu lấy vợ, lấy chồng cùng dòng nội tộc gần đời sẽ có thể sinh ra những đứa con lại giống ốm đau bệnh tật. Như trên đã nói, việc duy trì tộc danh còn mang một ý nghĩa tâm linh đã trở thành sâu rễ bền gốc trong đời sống tinh thần người Việt, đó là việc duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Việt quan niệm: Con chim có tổ, con sông có nguồn, con người có tổ tiên. Nguồn gốc của tục thờ cúng tổ tiên cũng cần nhắc lại: Trước kia, có một số ý kiến cho rằng, tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn bên Trung Hoa. Nhưng các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng, tục này thuộc tín ngưỡng bản địa. Chứng cớ là hiện nay khảo cứu vào tín ngưỡng, phong tục người Mường, vẫn thấy các gia đình người Mường có cách thờ cúng tổ tiên rất nguyên sơ, có từ lâu đời, không một dấu tích nào mang hơi hướng của văn hóa Hán. Người Mường và người Việt vốn cùng chung một gốc, rồi do những biến đổi lịch sử-văn hóa, nên mới tách ra thành hai dân tộc anh em. Cho nên, một trong những con đường tìm về với văn hóa bản địa của người Việt là phải tìm hiểu qua văn hóa Mường. Như vậy, việc khẳng định tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là của người Việt, chứ không phải tiếp nhận bên văn hóa Hán là có cơ sở.

Việc thờ cúng tổ tiên lại nằm trong một tín ngưỡng rộng hơn là thờ cúng người đã khuất. Từ ngàn xưa, người Việt ta quan niệm con người có linh hồn, linh hồn là bất tử, tụ tán đi về, tìm cách tham dự vào cuộc sống của người trần thế một cách bí ẩn và màu nhiệm. Từ đó, cộng đồng người Việt từ cộng đồng làng, tới cộng đồng nước mới có tục thờ cúng những bậc tiên hiền, những anh hùng hào kiệt có công với làng với nước. Xét trong phạm vi gia đình, dòng họ thì người Việt ta sau này theo tục người Hoa mà thờ 5 đời. Lấy bản thân mỗi cá nhân làm bản vị thì lần lượt trở lên trên có cha mẹ (phụ mẫu) , ông bà (tổ phụ mẫu), cụ ông cụ bà (tằng tổ phụ mẫu), kỵ ông kỵ bà (cao tổ phụ mẫu), trên nữa là cao cao tổ cho đến thủy tổ. Việc thờ tự được ghi dấu trên ban thờ bằng các bài vị. Đến hết đời thứ 5 thì có thể hóa đi, gọi chung là Cụ Tổ.

Người Việt ta đặc biệt coi trọng ngày giỗ, gần là giỗ cha mẹ, xa là giỗ họ. Ngày giỗ do đích trưởng đứng ra lo liệu (riêng người miền Nam có thể là con út). Những anh em con cháu ở xa không về được có thể tiến hành giỗ vọng (thờ vọng). Xét trong đơn vị họ tộc, ngày giỗ họ trở nên rất quan trọng. Trước hết được xem là ngày biết ơn tiên tổ, sau nữa mang nhiều ý nghĩa như củng cố tình cảm huyết thống, giáo dục con cháu nhiều thế hệ biết sống yêu thương nhân nghĩa, cũng là dịp nghĩ về cái hữu hạn của kiếp người để sống sao cho tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn…

Tuy nhiên, có thể nói rằng, cái gì cũng có mặt trái của nó. Cộng đồng dòng tộc nếu không có người cầm cân nảy mực tốt cũng nhiều khi sinh loạn. Rồi nữa, tình trạng “quần ngư tranh thực” (đàn cá tranh mồi) trong làng xã cũng gây ra không ít phiền toái. Hoặc giả không ít dòng họ trong làng xã chạy đua nhau theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” bèn tiến hành giỗ họ linh đình, xây nghĩa trang dòng họ xa hoa lãng phí…

Ngày nay, duy trì tình cảm cố kết dòng họ, ngoài việc khắc phục những hiện tượng tiêu cực trên, nên nghĩ rộng rãi và thoáng đãng hơn. Thí dụ, có người quá chú trọng vào họ nội tộc mà sơ sài chăm lo thờ phụng bên ngoại. Đặc biệt, sinh hoạt cộng đồng dòng họ ngày hôm nay đang rất được chú trọng. Có những dòng họ duy trì sinh hoạt tầm cỡ quốc gia. Có dòng họ lập Ban điều hành, tập hợp những người thành đạt, tổ chức trang web, xuất bản in ấn tài liệu… Những việc làm đó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó góp phần tác động, làm cuộc sống của các thành viên mỗi gia đình, mỗi cá nhân ngày một tiến bộ hơn lên và cộng hưởng chung với cộng đồng dòng họ khác để cùng tiến bộ./.

PGS. TS. Văn Giá

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất