Người phụ nữ là nhân vật rất vĩ đại cả về tình cảm, tâm hồn đạo đức và sức chiến đấu bền bỉ cho hạnh phúc gia đình và vì lẽ sống của nhân loại. Chính vì vậy, phụ nữ là đề tài rộng lớn mang tính nhân văn sâu sắc đối với văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo xây dựng hình tượng cho tác phẩm của mình.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người phụ nữ Việt Nam không chỉ là người mẹ, người thầy trong việc sản sinh và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho xã hội mà những người mẹ ấy còn là biểu tượng vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng ở mọi thời kỳ của lịch sử Việt Nam. Với ý nghĩa cao đẹp sâu sắc ấy, đề tài người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận và hấp dẫn đối với văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tạo hình.
Thế giới đã có nhiều bức tranh, pho tượng thể hiện chân dung người phụ nữ với những nội dung khá phong phú, đa dạng, phản ảnh một cách sinh động đa sắc màu, giàu cảm xúc nhằm ca ngợi vẻ đẹp về đức độ, lòng nhân hậu trọng đạo nghĩa cũng như dáng thế, dung nhan của người phụ nữ một cách trân trọng, tôn vinh. Ở nước Nga có nhiều bức tượng về người mẹ, về thiếu nữ dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì dân tộc Nga vĩ đại và vì hoà bình trên thế giới. Những bức tượng, bức tranh ấy đã cùng lịch sử vệ quốc động viên hàng triệu người ra tiền tuyến chiến đấu vì hạnh phúc cho Tổ quốc mình và vì tiến bộ của nhân loại.
Ở Việt Nam, hình tượng người phụ nữ đã đi vào huyền thoại như một bản trường ca không có giới hạn cho văn, thơ, nhạc, kịch và đặc biệt cho lĩnh vực tạo hình hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc. v.v.. Hình tượng Bà Trưng, Bà Triệu, đã được các nghệ nhân dân gian thời xưa và các hoạ sĩ thời nay tạo dựng rất sinh động, thể hiện được khí phách kiên trung, bất khuất, thông qua cách biểu đạt mảng khối, đường nét màu sắc, bố cục của tượng, tranh, phù điêu đã được tôn vinh trong các đền, đình làng, bảo tàng và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam đã dày công nghiên cứu, miêu tả những anh hùng, chiến sỹ là phụ nữ, một lòng một dạ đấu tranh, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng và độc lập dân tộc. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tử Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huy Toàn, Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Dương Đăng Cẩn, Tạ Quang Bao, Nguyễn Phú Cường và nhiều nghệ sĩ tài danh khác đã có những tác phẩm đẹp ca ngợi tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Trong bài viết này tôi không thể kể hết được những sáng tác của giới Mỹ thuật Việt Nam ở các thời kỳ mà chỉ phân tích một số tác phẩm cho một số chủ đề, khắc hoạ hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ của một số tác giả.
|
Nữ dân quân Hàm Rồng. (Tranh: Hoàng Hoa Mai) |
Hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm có tác phẩm Võ Thị Sáu với chất liệu sơn dầu, đây là tác phẩm nổi tiếng của ông. Bức tranh miêu tả người con gái thành đồng Võ Thị Sáu với một dáng thế hiên ngang bất khuất trước họng súng đe doạ của quân thù. Với cách biểu đạt rất ấn tượng, chân dung người thiếu nữ anh hùng được tác giả vẽ nghiêng có ánh mắt sáng, khuôn mặt đôn hậu nhưng vẫn toát lên sự khẳng khái, đanh thép, thể hiện một niềm tin sắt đá không gì lay chuyển nổi, hướng về Tổ quốc thân yêu, thà hy sinh chứ quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù. Tác giả miêu tả nhân vật anh hùng không chỉ ở khuôn mặt, sắc thái, đôi môi mà cả những đường nét trên cơ thể, toát lên sự quả cảm, bên trong sâu thẳm là một trái tim vĩ đại của người chiến sĩ cách mạng trung kiên với tuổi đời còn rất trẻ, trong trắng. Thông qua ngôn ngữ hội hoạ, Huỳnh Văn Gấm cho người xem một hình tượng về người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XX, son sắt vì độc lập dân tộc vì hạnh phúc của nhân dân, dám đấu tranh và hy sinh cao cả, khiến kẻ thù phải kinh ngạc và khâm phục.
Sĩ Ngọc với bức tranh sơn mài Bát nước là một tác phẩm đẹp, một trong những bức tranh sơn mài tiêu biểu trong nền Mỹ thuật Việt Nam ở thời kỳ chống Pháp. Trong Bát nước hoạ sĩ đã khái quát chủ yếu hai nhân vật, người mẹ và anh lính trên đường hành quân vất vả, mệt nhọc được bà mẹ hậu phương đón tiếp và chăm sóc bằng tình cảm như người con ruột thịt của mình. Trong tác phẩm, hoạ sĩ đã nắm bắt rất sâu sắc tình nghĩa của người mẹ Việt Nam đối với người lính Cụ Hồ. Bát nước chứa đựng trong đó một triết lý sâu nặng về tình quân dân, giữa người mẹ ở hậu phương với những người con đang cầm súng ngày đêm chiến đấu kiên cường, gìn giữ giang sơn đất nước. Cách xây dựng hình tượng nghệ thuật hội hoạ ở đây là hình ảnh bà mẹ quạt mát cho người lính uống bát nước chè xanh, mong cho con đi chiến đấu thắng lợi và trở về trong tình cảm đầm ấm như lòng mẹ ở quê nhà dành cho con. Xem tranh Bát nước người ta như hoá thân vào tác phẩm để được có những giây phút thiêng liêng, giao cảm qua bát nước và làn gió quạt mát của người mẹ đối với thế hệ người lính hôm qua và cả các chiến sĩ hôm nay.
Ở một góc độ khác, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn cho người xem một cách khai thác ý tưởng xây dựng hình tượng người phụ nữ trong thời chiến chống Mỹ cứu nước qua tác phẩm Nữ dân quân vùng biển bằng chất liệu sơn dầu. Đây là một tác phẩm mà tác giả vẽ trực tiếp người phụ nữ trong một bố cục khá hoàn hảo, có phối cảnh trời biển và chủ thể chủ đạo trong tranh là người phụ nữ vai khoác súng với gương mặt hào hùng, một dáng vóc khoẻ khoắn, thể hiện một sức sống mãnh liệt, một niềm tin tất thắng trong việc giữ trời, giữ biển Tổ quốc...
Để tôn vinh những người phụ nữ, người mẹ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã dày công tìm tòi ý tưởng, chủ đề, chất liệu để xây dựng những cụm tượng đài, tượng chân dung khá phong phú, tiêu biểu cụm tượng đài ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) của Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ. Ông đã dày công nghiên cứu xây dựng nhân vật trong nhóm tượng đài này để miêu tả tính cách những nữ thanh niên xung phong với một khí phách oai hùng, quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những đường nét mảng khối đậm nhạt biểu đạt dáng vóc dung quang trong hình tượng, phần nào nói lên tình cảm trân trọng của tác giả đối với những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong không quản gian khổ, không tiếc tuổi thanh xuân của mình để giữ vững huyết mạch giao thông cho cuộc chiến dành thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Tượng đài chân dung mẹ Suốt ở Quảng Bình với gương mặt đôn hậu, cương nghị và dáng vóc mẹ Suốt chèo đò dưới làn bom đạn của giặc Mỹ, ngày đêm chuyển hàng, chuyển quân qua sông là một trong những hình tượng điêu khắc và hội hoạ đẹp về hình tượng chân dung người phụ nữ Việt Nam.
Nhìn chung cách miêu tả tính cách nhân vật người phụ nữ ở các tác phẩm hội hoạ cũng như điêu khắc đã thể hiện rất rõ về tính anh hùng trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam, thể hiện sức chiến đấu với tinh thần quả cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được nhân lên bởi chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Biết bao người mẹ, người chị đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc hy sinh cả tuổi xuân nơi hậu phương, động viên chồng con yên tâm đánh giặc cứu nước. Những người mẹ, người chị ấy đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và đó cũng là chủ đề vô cùng lớn để các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc xây dựng hình ảnh đẹp trong nghệ thuật tạo hình mà người phụ nữ là hình tượng chủ đạo trong tác phẩm mỹ thuật nước nhà./.
Hoạ sĩ Hoàng Hoa Mai