Đây là ý thức, trách nhiệm của người dân và đồng thời để các nhạc sĩ có trách nhiệm hơn với chính sản phẩm của mình
Bắt đầu từ 1/11/2012, hơn 45.000 ca khúc tiếng Việt sẽ được bán thông qua hệ thống thu phí của hơn 18 trang mạng kinh doanh nhạc số trực tuyến. Gần đến thời điểm thu phí tải nhạc trực tuyến nhưng người dân vẫn chưa sẵn sàng và hoàn toàn tiếp nhận việc thu phí.
Phóng viên VOV Online phỏng vấn NSND Thanh Hoa về vấn đề này.
Từ “Nghe có ý thức” đến hình thành văn hóa nghe
PV: Sắp đến thời điểm thu phí tải nhạc trực tuyến, từ góc nhìn của một người đang hoạt động trong làng nhạc và có thâm niên trong nghề, theo NSND Thanh Hoa, việc thu phí này có khả thi hay không?
NSND Thanh Hoa: Theo tôi, việc thu phí này bắt buộc phải thực hiện được. Nó không chỉ là trách nhiệm, ý thức của người dân mà đồng thời cũng khiến các nhạc sĩ có trách nhiệm hơn. Khi người nghe đã có ý thức đóng góp dù chỉ là một chút với những sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ, thì người nghệ sĩ phải hiểu mình có vai trò quan trọng trong văn hóa nghe và việc chia sẻ nó. Từ đó, nghệ sĩ phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.
Hơn nữa, từ việc rất nhỏ như thu phí, xã hội sẽ bắt đầu hình thành sự tôn trọng cho những người làm nghề nhạc. Đây cũng là một trong những văn hóa ứng xử mà mọi người cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Riêng cá nhân tôi rất ủng hộ phong trào “Nghe có ý thức” của nhạc sỹ Quốc Trung. Nó thể hiện rõ mối quan hệ hai chiều giữa người nghe và giới làm nhạc.
|
NSND Thanh Hoa thăng hoa trong đêm diễn "Tình khúc muôn đời" |
PV: Có rất nhiều người đã quen với việc nghe và tải nhạc miễn phí. Số tiền bỏ ra dù rất nhỏ nhưng họ cũng đắn đo, thậm chí là phản đối việc thu phí. NSND nghĩ sao về điều này?
NSND Thanh Hoa: Các bạn đắn đo trả 1.000 đồng cho một bài hát, vậy, một ca sĩ học nhạc 11 năm như Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn… hoặc có nhạc sĩ cả đời mới ra được một tác phẩm, họ ăn gì, uống gì để hát cho mọi người nghe miễn phí? Trong chiến tranh, âm nhạc chỉ là công cụ, người nghệ sĩ thành chiến sĩ nhưng trong thời bình họ phải được quyền bình đẳng. Nghệ sĩ cũng là con người, cũng phải ăn, phải uống. Nghệ sĩ đi mua mớ rau cũng phải trả tiền cho người lao động, vậy tại sao người nghe lại không trả tiền cho sức lao động của các nghệ sĩ? Đó là điều vô lý, giống như là bắt nạt nghệ sĩ vậy.
PV: Giới trẻ ngày nay, một phần rất yêu những ca khúc Việt Nam nhưng phần khác lại chỉ thích nghe nhạc nước ngoài. Việc thu phí áp dụng với 45.000 ca khúc tiếng Việt mà cho tải nhạc nước ngoài miễn phí có làm cho giới trẻ dần quay lưng lại với nhạc Việt hay không?
NSND Thanh Hoa: Âm nhạc chẳng có tội gì, miễn là nó hay. Nhưng, tôi nghĩ rằng, người có trí thức càng cao thì càng phải yêu cội nguồn của mình xong rồi mới đến văn hóa nước khác. Chỉ những người nào có kiến thức văn hóa sâu thì trách nhiệm với Tổ Quốc càng lớn. Nó không phải là những gì cao xa mà chỉ đơn giản là yêu nơi mình sinh ra, nơi mình lớn lên, nơi gia đình mình sinh sống…
“Tình khúc muôn đời” - một không gian nghe nhạc có văn hóa
PV: Tối 20/10 vừa qua, đêm đầu tiên trong chuỗi chương trình ca nhạc mang tên “Tình khúc muôn đời” đã được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Nghệ sĩ có thể chia sẻ về chương trình?
NSND Thanh Hoa: Thực ra, ý tưởng làm “Tình khúc muôn đời” chỉ xuất phát từ một lúc tùy hứng. Đầu tiên, tôi chỉ dự định tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và cũng để tri ân những người luôn yêu quý quán Aladin cũ. Khi phát hiện ra khoảng không gian ngoài trời của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam rất lãng mạng, tôi lập tức gặp Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thị Bích Vân và nhận được sự ủng hộ rất lớn. Chúng tôi quyết định tổ chức thường xuyên vào c
PV: Một phần không thể thiếu trong việc góp phần xây dựng văn hóa âm nhạc cho người nghe chính là các ca sĩ tham gia chương trình. Với “Tình khúc muôn đời” sẽ là những khách mời nào?
NSND Thanh Hoa: Các ca sĩ sẽ luân phiên thay đổi trong từng đêm diễn. Ngoài những cái tên như Tùng Dương, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung… thì tôi sẽ mời đến cả những ca sĩ không quá nổi tiếng. Tuy nhiên, họ đều được học âm nhạc chính thống để đảm bảo một không gian âm nhạc có chất lượng cho người nghe.
Tất cả các nghệ sĩ đã đến với Thanh Hoa thì dường như đều đến với sự trân trọng và chia sẻ khán giả nên không đòi hỏi cát xê đến mức quá cao như những người khác. Giá vé bán ra có 100.000 đồng/vé nên dù họ có đòi cao thì Thanh Hoa cũng không đủ sức trả. Nhưng quan trọng hơn, các nghệ sĩ không coi đây là nơi kiếm tiền mà là nơi để chia sẻ và quảng bá văn hóa Việt, làn điệu Việt cho khán giả Việt Nam. Bên cạnh đó còn tạo ra một tụ điểm văn hóa đích thực cho thủ đô.
PV: Liệu “Tình khúc muôn đời” có giống với những gì mà chị đã xây dựng cho quán Aladin cũ?
NSND Thanh Hoa: Có một thời, người ta chỉ thích nghe nhạc sến chứ không thích nghe nhạc đồng quê. Aladin mở ra lúc ấy là một chuyện rất lạ. Lúc đầu đến khán giả cũng ầm ĩ nhưng dần dần Aladin trở thành một nơi rất lịch sự. Họ đến Aladin như đến với một câu chuyện cổ tích bằng âm nhạc. Tôi phải mất 3 năm để tạo ra văn hóa nghe cho Hà thành ở Aladin. Khi tôi đóng quán, có rất nhiều người thắc mắc tại sao một tụ điểm văn hóa âm nhạc duy nhất lúc ấy của Hà Nội lại đóng.
So với ngày đó, bây giờ, thưởng thức âm nhạc của khán giả cao hơn rất nhiều. Khán giả ngày càng muốn trở lại với cái đích thực trong âm nhạc Việt Nam, nhất là những bài hát mang âm hưởng đồng quê, nhạc trữ tình Việt Nam nên tôi sẽ mở lại Aladin nhưng sẽ đổi tên thành “Tình khúc muôn đời”. Thông qua âm nhạc, tôi muốn mang đến cho mọi người niềm tin yêu cuộc sống.
PV: Xin cám ơn NSND Thanh Hoa
Thanh Thanh/VOV Online