Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 23/4/2010 21:36'(GMT+7)

Cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)



Bà Victoria Kwakwa

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc World Bank tại Việt Nam: "Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt về khả năng đối phó khủng hoảng"

Việt Nam đã một lần nữa tạo ấn tượng cho tôi về khả năng đối phó với những thách thức kinh tế lớn. Việt Nam đã tránh được một cuộc suy thoái trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính diễn ra nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Bằng chứng là Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá và cho đến nay đã không để xảy ra sự xáo trộn lớn nào về kinh tế vĩ mô. Thành công này cũng được các đối tác nói riêng và cộng đồng toàn cầu nói chung ghi nhận.

Tôi đánh giá cao về hiệu quả của gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đã triển khai trong năm 2009. Gói kích thích kinh tế đã có nhiều tác động rất tích cực đến kinh tế - xã hội của Việt Nam mà nhiều nước cần phải học hỏi. Nó không những giúp DN duy trì sản xuất - kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định việc làm mà quan trọng hơn là nó vực dậy lòng tin của các nhà đầu tư (NĐT), cộng đồng DN cũng như người dân. Nhờ đó mà đầu tư và chi tiêu của DN, người dân không bị sụt giảm mạnh, dẫn đến kinh tế Việt Nam không bị suy thoái sâu như các nền kinh tế khác. Một điều đặc biệt nữa thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của tôi trong gói kích thích kinh tế của Việt Nam là cơ chế hỗ trợ lãi suất. Đây là một cơ chế tốt, rất đặc thù trong bối cảnh của Việt Nam. Hỗ trợ nhưng là hỗ trợ lãi suất, lại thông qua ngân hàng để ngân hàng kiểm soát. Tôi có thể khẳng định không ai có thể hiểu thấu đáo sức khỏe từng DN một bằng ngân hàng. Ngoài việc cứu DN, cơ chế hỗ trợ này còn tránh được tình trạng đóng băng tín dụng như đã xảy ra ở một số nước.

Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong tương lai còn có khá nhiều vấn đề được đặt ra. Đó là cần xác định rõ ràng và chính xác nhất tác động của khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam, vấn đề xóa đói giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội... Đồng thời, cần tính đến những bước kế tiếp sau gói kích cầu của Chính phủ là gì? Xác định rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…

Ông Simon Andrews

Ông Simon Andrews - Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan Tổ chức tài chính quốc tế (IFC): "Môi trường kinh doanh Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng"

Chúng tôi nhìn nhận năm 2010 đối với Việt Nam khá lạc quan. Cơ sở để chúng tôi lạc quan là vì lần đầu tiên các vấn đề về quản lý kinh tế vĩ mô, tiếp cận thông tin, văn bản pháp luật, tiếp cận vốn, chi phí kinh doanh, hệ thống quản lý thuế được giới đầu tư ghi nhận là có nhiều đổi mới tích cực.

Một kết quả khảo sát được chúng tôi thực hiện cho thấy, đa số NĐT đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, gần 2/3 DN nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất khả quan; 83,2% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh vòng 3 năm tới, tỷ lệ này cao hơn mức 78% của năm 2008; 34,67% DN thừa nhận môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam là rất tốt; 28,24% DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng đồng tình với đánh giá trên. Cá nhân tôi cho rằng, sự đồng thuận tích cực này đã góp phần không nhỏ để tạo thành công trong điều hành chính sách của Chính phủ, cũng như mức tăng trưởng GDP 5,32% trong năm 2009. Mặt khác, đây cũng là nền tảng quan trọng để Chính phủ thực hiện những quyết sách về phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại, vấn đề tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ lại nổi lên. Đặc biệt, khó khăn trong tiếp cận ngoại tệ, thủ tục đất đai, tiếp cận đất đai vẫn là những rào cản của hoạt động kinh doanh trong năm tới. Năm 2010 và những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn cần chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường vốn; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường cải cách hành chính...nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ giấy phép, quy định, thủ tục không cần thiết, không nhất quán; tiếp tục cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng; ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng; cải cách việc soạn thảo và ban hành văn bản pháp quy theo hướng kịp thời, hoàn chỉnh, đồng bộ và tuân thủ các thông lệ quốc tế; cải cách hệ thống giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của DN... Đây chính là lý do mà mức kỳ vọng cho môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2010 tăng lên đáng kể, cao hơn cả năm 2007 - thời điểm trước khủng hoảng. Đặc biệt, nếu Đề án 30 được thực hiện nghiêm túc như cam kết, thông điệp về cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam, sẽ tạo thêm lòng tin cho giới đầu tư.

Ông Thomas Siebert

Ông Thomas Siebert - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham): "Việt Nam sẽ là lực hấp dẫn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư"

Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao cơ hội được tham gia vào các cuộc bàn thảo về cải cách, mở cửa của Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, được tham gia xây dựng phương hướng rà soát lại thủ tục hành chính theo Đề án 30 đang triển khai thực hiện quyết liệt. Sở dĩ tôi đánh giá cao việc làm này của Chính phủ Việt Nam là vì đây là tinh thần cầu thị. Hơn thế nữa, Chính phủ Việt Nam đã đặt cải cách thủ tục hành chính lên đúng tầm quan trọng của nó đối với việc tạo dựng hình ảnh về một môi trường đầu tư thân thiện, cởi mở đối với các DN, các NĐT nước ngoài. Tôi kỳ vọng, khi Đề án này được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả thì cả thế giới sẽ biết rằng Việt Nam đã có một môi trường kinh doanh tốt, sẽ là lực hấp dẫn cho các DN và NĐT tìm đến.

Hiện nay, nhiều NĐT Hoa Kỳ tiềm tàng coi sự thiếu hạ tầng và cơ sở hậu cần là một nhân tố cản trở lớn đến hoạt động đầu tư của mình. Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng hiện cơ sở hạ tầng Việt Nam cơ bản vẫn còn thiếu và chậm đổi mới, nhất là đường liên tỉnh, đường tiếp cận, cầu, cảng biển, điện năng... Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch, quản trị và chống tham nhũng cũng là thách thức lớn của Việt Nam và là mối quan ngại hàng đầu của gần 70% DN Hoa Kỳ ở Việt Nam trong năm qua.

Ngoài một số vấn đề còn bất cập cần giải quyết, Chính phủ Việt Nam cũng cần chú ý đến một chiến lược dài hơi hơn là cần phải lấy khu vực tư nhân làm động lực. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cần được cải thiện, nâng cao để Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai. Trước hết, cần có hành lang pháp lý, cơ chế công nhận và tạo đà cho sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân, bởi đối tương này chính là động lực đầu tàu kéo nền kinh tế đất nước phát triển trong tương lai.

Chúng tôi cũng thấy, mặc dù Việt Nam đã có một số thành công ban đầu của mô hình hợp tác Công - Tư (PPP) trong các dự án điện, đường, cảng biển nhưng vẫn còn rất chậm, chưa phát huy được hết tiềm năng. Để PPP đạt hiệu quả hơn thì Việt Nam cần phải có một khung pháp lý minh bạch và chính sách rõ ràng về PPP trong từng lĩnh vực cụ thể của cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển một thị trường PPP cạnh tranh cao, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm giá dịch vụ xuống mức thấp nhất có thể.

 

Ông Alain Cany

Ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham):
"Điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu"

Việt Nam được các NĐT châu Âu đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Hiện vốn giải ngân FDI của các NĐT châu Âu vào Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Nhật Bản. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam là điểm lựa chọn để quyết định của NĐT bởi đây là thị trường lớn, đầy tiềm năng với dân số trẻ. Hơn nữa, môi trường đầu tư của các bạn đã thực sự hấp dẫn hơn rất nhiều từ khi các bạn trở thành thành viên của WTO.

Chúng tôi đánh giá cao những chính sách hỗ trợ DN của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Đơn cử như việc miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra cho vận tải quốc tế; Luật Thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ giảm thuế từ 5% đến 35% đã được giãn, sau đó được miễn trong sáu tháng đầu năm đã tạo thuận lợi rất lớn cho người lao động; Thuế Thu nhập DN giảm còn 25%, dù vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực nhưng đây cũng là điểm hấp dẫn đối với các NĐT khi đến kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam hiện vẫn còn không ít rào cản đối với các NĐT nước ngoài. Ví dụ như, chưa có quy định rõ ràng cho các công ty dược nước ngoài thành lập các chi nhánh 100% sở hữu nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù những cam kết với WTO về lĩnh vực này đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 nhưng đến nay chưa có công ty dược nước ngoài nào được cấp giấy phép nhập khẩu. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhiều dự án đang bị trì hoãn, triển khai quá chậm do vướng các thủ tục, đền bù và giải phóng mặt bằng. Đơn cử như các dự án điện luôn chậm khiến việc thiếu hụt điện sẽ ngày càng trầm trọng khi mức tiêu thụ điện năng hiện đã tăng 15% mỗi năm. Eurocham lưu ý mức này đã vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế và dự kiến sẽ gấp 3,5 lần vào năm 2020 so với con số năm 2009...

Năm 2010 đánh dấu một giai đoạn quan trọng vì nhiều hạn chế về phương thức đầu tư và sở hữu của các NĐT nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ sẽ được dỡ bỏ. Rất có thể FDI sẽ tăng mạnh trong năm 2010 khi các cam kết WTO được Việt Nam thực hiện...

Ông Martin Rama - Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank: "Việt Nam đang sở hữu một nền kinh tế năng động, dân số trẻ và thị trường lao động linh hoạt"

Trong bối cảnh khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, trong khi rất nhiều cường quốc phải chật vật vượt khó, Việt Nam vẫn tạo được ấn tượng tốt về tăng trưởng. Không chỉ có vậy, điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay là các bạn đang sở hữu một nền kinh tế năng động, dân số trẻ và thị trường lao động linh hoạt. Chính điều đó đã giúp Việt Nam giảm thiểu các tác động xã hội và những tổn thương do suy giảm kinh tế. Tôi cho rằng, mức độ tổn thương thấp vì người dân và DN không dựa nhiều vào nguồn vốn vay, khả năng kinh doanh linh hoạt thể hiện qua việc tìm kiếm các bạn hàng và thị trường xuất khẩu mới… Những lý do này đã giúp nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu sắc nét về khả năng phục hồi kinh tế.

Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu. Do đó, các biện pháp kích thích kinh tế sắp tới cần được tính toán kỹ để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, không bị méo mó môi trường kinh doanh. Hiện nay, “độ nóng” của thị trường bất động sản và chứng khoán đều tăng, thâm hụt thương mại lớn, tình trạng mua vàng, USD để dự trữ cao khiến quá nhiều tiền tích tụ trong nền kinh tế... Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc cẩn trọng các chính sách tiền tệ và tài khoá để đảm bảo gói kích thích kinh tế tiếp theo của Chính phủ đạt mục tiêu.

Một vấn đề nữa khiến tôi lo ngại là việc các DN, tập đoàn nhà nước đã quá lạm dụng vốn đầu tư vào tài chính, ngân hàng... nhưng hiệu quả không cao mà hành lang pháp lý cho các hoạt động này vẫn chưa được cụ thể và chặt chẽ. Trong khi thâm hụt thương mại, tỷ lệ đi vay lớn, Việt Nam cần quản lý quá trình đầu tư vốn cho các DN, tập đoàn lớn của Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, các DN, tập đoàn đều muốn kiếm tiền bằng cách đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Điều này chứa đựng rủi ro, tạo ra những bất ổn tiềm năng.

Ông Paul Fairhead

Ông Paul Fairhead - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (Auscham): "Việt Nam có một nền kinh tế mở, môi trường kinh doanh đang được cải thiện"

Việt Nam có một nền kinh tế mở, môi trường kinh doanh đang được cải thiện một cách quyết liệt nhằm hướng đến sự minh bạch, thông thoáng. Tuy nhiên, dưới góc độ là NĐT cảm nhận về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong các lĩnh vực: Phát triển nguồn nhân lực; Cải cách thủ tục hành chính.

Mặc dù nền giáo dục Việt Nam đã có những bước cải tiến, nâng cao chất lượng nhưng nhiều thách thức to lớn cũng đã đặt ra trong quá trình hội nhập mà Việt Nam đang phải đối mặt để giải quyết. Các bạn đang sở hữu nguồn lao động dồi dào nhưng còn thiếu và yếu về kỹ năng, trình độ tay nghề nên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của NĐT. Thực tế, nền giáo dục Việt Nam đang đào tạo một cách dàn trải, thiếu tập trung, chưa chú ý cao đến chất lượng và nhu cầu của nhà tuyển dụng. Một nghiên cứu mới đây của chúng tôi đã chỉ ra rằng, hơn 50% sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp không thể tìm được việc làm phù hợp với ngành đã được đào tạo.

Bên cạnh đó là vấn đề về cải cách thủ tục hành chính. Mặc dù lĩnh vực này đã có sự cải thiện, nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo và phức tạp ở nhiều cấp ngành, như những khó khăn về thủ tục cấp phép xây dựng, thực thi pháp luật, đất đai… Những vấn đề về thuế, tiếp cận vốn ngoại tệ và cơ sở hạ tầng… cần được cải thiện quyết liệt hơn nữa để đảm tính tích cực trong môi trường kinh doanh./.

Quỳnh Chi - Hải Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất