Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 23/4/2010 11:44'(GMT+7)

Để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và hiệu quả cạnh tranh trên thị trường

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn sau đây.Các doanh nghiệp nước ta có cơ hội thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thành viên của tổ chức WTO; có điều kiện thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh thúc đẩy kinh tế xí nghiệp nói riêng và kinh tế cả nước nói chung phát triển có tốc độ tăng trưởng cao, GDP những năm đầu thế kỷ XXI đạt bình quân 7%/năm. Năm 2008 và 2009 do tác động xấu của khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, song tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2 năm vẫn đạt 5,77%/năm, đứng thứ hai các nước khu vực Đông Nam Á, Quí I năm 2010 GDP tăng 5,83%. Thực tế cho thấy trong những năm qua, đầu tư nước ngoài có vai trò quan tọng trong nền kinh tế nước ta và xu thế này ngày càng nổi trội: năm 2006 và 2007 đầu tư nước ngoài chiếm 37% giá trị sản xuất công nghiệp, gần 56% kim ngạch xuất khẩu và 15,5% GDP thu hút hàng nghìn lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2008 và 2009 do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính tín dụng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta cũng rơi vào tình trạng khó khăn, lạm phát cao và giá cả leo thang, đời sống của nhân dân gặp khó khăn. Các chỉ số trên bị giảm sút so với năm 2006, 2007. Song kim ngạch xuất khẩu năm 2008 vẫn đạt hơn 63 tỷ USD và 56,5 tỷ USD năm 2009, quí I năm 2010 đạt trên 14 tỷ USD. Từ khi gia nhập WTO tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ta triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại theo phương châm: Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi nói trên các doanh nghiệp nước ta phải chấp nhận những thách thức lớn, đó là: sự cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong nước và thị trường thế giới, trong cả lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp đều phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta hiện nay nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng còn nhiều yếu kém. Những yếu tố chủ yếu quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam như: năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, trình độ khoa học công nghệ, năng lực quản lý, kỹ xảo tổ chức thị trường và tiếp thị v.v... đều còn yếu kém. Nếu so sánh trình độ công nghệ, chúng ta tụt hậu khoảng từ 25 - 30 năm so với Thái Lan và một số nước trong khu vực. Năng suất lao động thấp hơn các nước ASEAN từ 2 - 15 lần. Việt Nam tuy có một số mặt hàng có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. Lợi thế cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên nguồn lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên sẵn có, song những lợi thế này đang có xu hướng giảm. Vì vậy sự đương đầu với các doanh nghiệp lớn của các nước phát triển có sức cạnh tranh mạnh là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Mặt khác từ khi gia nhập WTO, tập đoàn các doanh nghiệp Việt Nam cũng như từng doanh nghiệp riêng lẻ phải đối mặt với chính sách tự do hóa thương mại đang có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới. Tổ chức WTO chỉ cho phép các nước thành viên bảo hộ sản xuất trong nước bằng thuế quan với mức bình quân ngày càng giảm, thấp hơn nhiều so với mức chúng ta thực hiện trước đây. Kinh nghiệm của các nước mới gia nhập WTO cho thấy họ phải cam kết đối với 100% số dòng thuế công nghiệp với mức thuế trung bình thấp từ 0 - 5% và không áp dụng các biện pháp phụ thu đối với hàng xuất khẩu. Các nước gia nhập WTO sau thường phải cam kết thuế suất ở mức thấp hơn các nước gia nhập trước. Như vậy, khả năng bảo hộ của Nhà nước để các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức đối phó hiệu quả với sức ép cạnh tranh sẽ rất hạn chế và ngày càng bị thu hẹp. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp của nước ta buộc phải chấp nhận một cuộc chơi không cân sức và phải nỗ lực tối đa để vươn lên mới có thể thắng cuộc trong cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Ngoài việc giảm tỷ lệ thuế đáng kể, chúng ta phải dỡ bỏ các hàng rào phi thuế như: hạn ngạch giấy phép, thủ tục hải quan, trợ cấp v.v... trong một thời gian nhất định. Trước khi gia nhập WTO, thuế xuất nhập khẩu bình quân ta thực hiện đối với hàng nhập khẩu khoảng 15% và vẫn còn áp dụng phụ thu nhập khẩu đối với trên 10 nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh thấp. Nay phải thực hiện giảm tỷ lệ thuế, dỡ bỏ hàng rào phi thuế, bỏ phụ thu nhập khẩu sẽ có một số loại sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp như thép, giấy, hóa chất, phân bón, dệt may, một số loại sản phẩm cơ khí và sản phẩm nông sản... sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất từ phía hàng nhập khẩu. Để có thể giành thắng lợi trong cạnh tranh ở thị trường thế giới và thị trường trong nước các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiến hành đồng bộ bốn giải pháp cơ bản sau đây:

1. Từng doanh nghiệp phải biết tận dụng lợi thế so sánh đã có và tạo ra lợi thế so sánh mới cho mình

Trong cạnh tranh thị trường thế giới hiện nay các doanh nghiệp nước ta không chỉ có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý do thiên nhiên ban tặng, mà các doanh nghiệp còn có một yếu tố được coi là lợi thế so sánh quan trọng đó là lao động rẻ so với nhiều nước trong khu vực và đặc biệt là so với các nước phát triển. Công lao động ở nước ta chỉ bằng một nửa của họ, thậm chí có ngành còn thấp hơn, trước mắt chúng ta có thể tận dụng tối đa khả năng này trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và thị trường thế giới. Tuy nhiên, lao động rẻ của chúng ta cũng đang bị cạnh tranh gay gắt từ phía Trung Quốc. Mặt khác, trong những năm tới, lao động kỹ thuật trình độ cao mới là loại lao động mà "nền kinh tế tri thức cần đến". Do vậy, đông và rẻ sẽ không còn là lợi thế cho lực lượng lao động của ta. Cần phải tự tạo ra lợi thế so sánh mới, lợi thế mới này mỗi doanh nghiệp phải tự tìm và tạo ra cho mình từ chính những nguồn lực của mình.

2. Phải biết kết hợp tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh và hợp tác với các doanh nghiệp khác trong hệ thống

Các doanh nghiệp cần hiểu rằng để có thể thắng trong cạnh tranh, thay vì mạnh ai nấy làm. Mỗi doanh nghiệp đều phải nỗ lực tiến nhanh hơn đồng đội, đó là yêu cầu của cạnh tranh; nhưng đồng thời cũng sẵn sàng hợp tác với động đội trong lúc cần thiết do yêu cầu của hợp tác cạnh tranh. Làm được điều đó, chúng ta sẽ tận dụng được cả những ưu điểm của cạnh tranh và hợp tác. Cạnh tranh để có được sản phẩm tốt nhất và giá hạ nhất chiếm lĩnh được thị trường ngày càng cao (điều kiện sống còn của doanh nghiệp), hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài hệ thống đều cùng phát triển (điều kiện sống còn của hệ thống doanh nghiệp).

3. Không ngừng tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ thương mại

Hiện nay nước ta đã có một số mặt hàng có sức cạnh tranh mạnh ở thị trường một số nước trên thế giới như: gạo, cà phê, giầy da, hàng mỹ nghệ thủ công, máy móc công cụ nhỏ và một số mặt hàng nông lâm, hải sản. Song còn nhiều mặt hàng khác tuy có thế mạnh sản xuất, nhưng chất lượng kém, mẫu mã đơn điệu..., do đó chưa cạnh tranh được ở thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường các nước công nghiệp tiên tiến, đông dân cư và có sức tiêu thụ lớn. Để những hàng hóa và dịch vụ nói trên có sức cạnh tranh cao ở thị trường thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường các biện pháp quản lý để đạt mục tiêu chất lượng cao, giá thành hạ, giá bán rẻ và tương đối ổn định, thương hiệu rõ ràng, hấp dẫn để thu hút đông đảo người tiêu dùng. Từ thực tế cho thấy nước ta hiện nay đã có một số thương hiệu nổi tiếng được đông đảo người tiêu dùng trong nước và ngoài nước mến mộ như: xi măng Bỉm Sơn, xi măng Hà Tiên, gạch Đồng Tâm, gạch Thạch Bàn, thép Thái Nguyên, lốp ôtô DDC Đà Nẵng, nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong, khóa Việt Tiệp, ác quy Pinacô, giầy dép Bitis, gấm Thái Tuấn, quần áo Việt Tiến, bánh kẹo Kinh Đô, Hải Hà, bia Sài Gòn, bia Hà Nội, sữa Vinamilk... Rõ ràng là doanh nghiệp nào chọn hướng đầu tư đúng và biết cách quảng bá thương hiệu chiếm được niềm tin của khách hàng thì đó là sức mạnh của doanh nghiệp để cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và thị trường thế giới. Vì vậy phải coi trọng phát triển những sản phẩm có thế mạnh và xây dựng được những thương hiệu nổi tiếng, đối với những mặt hàng công nghiệp và nông sản phẩm chất lượng cao, tập trung quảng bá và giới thiệu những sản phẩm nói trên để người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu biết đến và tổ chức phục vụ thuận tiện văn minh cho người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Kinh nghiệm cho thấy thương hiệu hàng hóa nổi tiếng là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện cạnh tranh lành mạnh giúp cho doanh nghiệp dành thắng lợi lớn.

4. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản trị kinh doanh, cán bộ nghiệp vụ của các doanh nghiệp để giúp họ nắm vững và tinh thông về luật pháp, nhất là luật pháp thị trường thế giới để mỗi khi quan hệ với đối tác nước ngoài không bị phạm luật, không bị người ta lừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và Nhà nước. Đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao sức mạnh cạnh tranh thị trường thế giới.

Trên cơ sở 4 giải pháp nói trên các doanh nghiệp cần áp dụng đồng bộ với các chiến lược cụ thể sau đây:

Một là, tìm kiếm chiến lược sản phẩm: chọn những sản phẩm mà doanh nghiệp có thế mạnh, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng phát triển và nâng cao của xã hội đòi hỏi. Khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh trong lựa chọn sản phẩm kinh doanh, chú trọng đến khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa sản phẩm, chọn lựa hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới phù hợp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp mình. Đi liền với nó là chiến lược hạ thấp chi phí: bao gồm các chi phí đầu vào để hạ giá thành và chi phí đầu ra để có điều kiện bán hàng ra thị trường với giá cạnh tranh thấp ở cả thị trường trong và ngoài nước, nhằm thu hút người tiêu dùng mở rộng thị phần về phía mình.

Hai là, luôn luôn tìm mọi cách để sản phẩm của doanh nghiệp mình có tính khác biệt, độc đáo về kiểu mốt, mẫu mã bao bì, giá trị sử dụng... so với sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác để thu hút khách hàng về phía mình. Làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, tạo được một đội ngũ những người tiếp thị giỏi; luôn có kế hoạch mở rộng thị trường; phát triển mạng lưới tiêu thụ, thường xuyên đưa ra các hình thức khuyến mại phù hợp với từng lúc, từng nơi, cải tiến phương thức phục vụ khách hàng. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phân phối, kể cả dịch vụ trước và sau khi bán hàng phù hợp với đặc điểm văn hóa tiêu dùng ở những thị trường tiêu thụ khác nhau, và nắm bắt, phản ứng nhanh trước các thay đổi của đối thủ cạnh tranh trên thị trường để có đối sách kịp thời. Tăng cường hoạt động quảng cáo, giới thiệu hàng hóa với người tiêu dùng.

Ba là, thường xuyên đổi mới dây chuyền công nghệ, thay thế dần công nghệ cũ bằng công nghệ mới hiện đại để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa. Đây là vấn đề rất quan trọng và mấu chốt đối với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Bốn là, coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh, điều hành, quản lý doanh nghiệp, nhất là nâng cao trình độ và kinh nghiệm kinh doanh và điều hành của Giám đốc, trình độ tay nghề của người lao động, trình độ và kiến thức về tiếp thị, tiếp thu khoa học kỹ thuật, trình độ công nghệ thông tin, chú trọng những sáng kiến cải tiến của người lao động ở các khâu khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp, áp dụng kịp thời vào sản xuất và quản lý của doanh nghiệp mình.

Năm là, xây dựng chiến lược vốn: trên cơ sở chiến lược kinh doanh dài hạn và các mục tiêu trước mắt, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược huy động vốn bảo đảm có đủ vốn kinh doanh. Bên cạnh nguồn vốn vay từ ngân hàng, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ các nguồn khác để tăng nguồn vốn cho mình và cố gắng tạo thế ổn định về nguồn vốn.

* Về phía Nhà nước: Để tạo thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, thực tế đã chỉ rõ: thể chế nào, doanh nghiệp ấy. Một thể chế kinh tế nếu phù hợp với lòng dân, phù hợp với thực trạng đất nước và quy luật phát triển của thời đại sẽ có tác dụng thúc đẩy to lớn đối với sự phát triển của một đất nước, thúc đẩy sự hình thành một hệ thống doanh nghiệp hùng mạnh có khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý ổn định, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mọi lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường đều xuất phát theo Luật định (Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh...) ngoài ra không còn ràng buộc gì nữa.

Hai là, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp xây dựng cho mình một chiến lược mang tính cạnh tranh không những ở tầm khu vực, mà trên toàn cầu. Từ chiến lược đó Chính phủ và doanh nghiệp phải đưa ra được những chiến lược cụ thể đối với từng thị trường và đúng với từng nơi từng lúc. Điều này rất cần khi nền kinh tế đã được quốc tế hóa cao, một sự biến động của một nước hay một số nước cũng ảnh hưởng đến các nước còn lại, từ thực tế cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu từ giữa năm 2007 đến nay đã chứng minh điều đó.

Ba là, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiến hành được thuận lợi và thông thoáng mà vẫn bảo đảm đúng luật pháp. Xóa bỏ chế độ đẳng cấp doanh nghiệp, trả lương theo kết quả phân loại doanh nghiệp; thực hiện cơ chế trả lương theo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, kích thích Giám đốc năng động, sáng tạo phát huy tài năng trong kinh doanh.

Bốn là, hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường, chú trọng các thị trường cơ bản như thị trường tư liệu sản xuất, thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ và những thị trường hiện mới sơ khai ở nước ta như thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường địa ốc, thị trường khoa học công nghệ, thị trường tư vấn và hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh chương trình cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, kiên quyết giải thể những doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả; sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo hướng hình thành loại hình Công ty Nhà nước đa sở hữu, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống mô hình Công ty mẹ và Công ty con và các tập đoàn kinh tế.

Năm là, tiếp tục cải cách hệ thống ngân hàng, trong đó, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tập trung vào cải cách thủ tục thẩm định tín dụng, cải tiến dịch vụ ngân hàng, hướng các ngân hàng trở thành người bạn đồng hành trong kinh doanh có gắn bó lợi ích với các doanh nghiệp, không nên chỉ coi doanh nghiệp là người cần mình, người vay tiền và là con nợ của mình. Nhà nước cần có những chính sách tài chính, hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp trong quá trình tham gia hội nhập như ưu tiên tín dụng cho vay lãi suất thấp hoặc không thu lãi trong một thời gian nhất định; sửa đổi bổ sung những ưu đãi thuế cho sản xuất hàng xuất khẩu; thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu..., tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt là ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lúc gặp khó khăn để giúp họ đứng vững và vươn lên.

Sự mạnh hay yếu của các doanh nghiệp trong cạnh tranh thị trường không phải chỉ có ý nghĩa riêng đối với lợi ích của từng doanh nghiệp mà còn là lợi ích của toàn xã hội, lợi ích của người tiêu dùng. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến sức mạnh của Nhà nước, của sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", điều đó nói lên trách nhiệm của Chính phủ, của doanh nghiệp và của toàn xã hội. Vì vậy đòi hỏi phải tiến hành càng sớm càng tốt trong một chiến lược cạnh tranh tổng thể, gắn điều kiện trong nước với điều kiện thế giới đầy biến động hiện nay. Làm được điều đó chúng ta sẽ tạo điều kiện chủ động cho các doanh nghiệp nước ta tận dụng được tối đa những cơ hội tốt để phát triển và vượt qua những thách thức, khó khăn để không ngừng tiến lên.


  • PGS. TS Cao Duy Hạ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất