Có một thực tế, hoạt động của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đang
gặp nhiều khó khăn, hạn chế và một trong những nguyên nhân chính ảnh
hưởng đến hoạt động của công đoàn cơ sở là hành vi phân biệt đối xử với
cán bộ công đoàn của doanh nghiệp. Hành vi này đã làm giảm tính đấu
tranh của tổ chức công đoàn, làm cho người lao động không muốn trở thành
cán bộ công đoàn cơ sở.
Tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về nghị định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ
chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tổ chức ngày 9/1, tại Hà Nội để hoàn
thiện nội dung dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực công đoàn, hành vi phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn đã được đề
xuất đưa vào là hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực công đoàn để xử
phạt.
Cán bộ công đoàn bị trù dập
Theo phản ánh của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thực tế hoạt động công
đoàn thời gian qua cho thấy hành vi phân biệt đối xử với công đoàn và
cán bộ công đoàn rất đa dạng, trong cả doanh nghiệp chưa có công đoàn và
doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở, cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trong
nước và đầu tư nước ngoài.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, các hành vi phân
biệt đối xử với cán bộ công đoàn chủ yếu là chuyển sang công việc khác
hoặc chuyển sang làm ca đêm, không cho đi họp, không trả lương thời gian
hội họp khiến cán bộ công đoàn phải sử dụng phép năm để đi họp và tập
huấn… làm cho người lao động không muốn làm cán bộ công đoàn cơ sở.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai cũng
nhận định việc trù dập, trả thù cán bộ công đoàn không phải là chuyện
hiếm thấy, thậm chí doanh nghiệp còn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao
động với cán bộ công đoàn.
“Một ví dụ như ở Công ty Nec Tokin, công ty dùng cách giao nhiều việc
cho chủ tịch công đoàn để không có thời gian làm các công tác công đoàn.
Công ty có cán bộ công đoàn làm kế toán sau khi cung cấp thông tin về
tiền lương, bảo hiểm cho công đoàn để đấu tranh đã bị công ty chuyển
sang vị trí khác chỉ ‘ngồi chơi xơi nước’,” Luật sư Vũ Ngọc Hà phản ánh.
Những hành vi phân biệt đối xử với công đoàn và cán bộ công đoàn như
trên đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động công đoàn. Những hành
vi này gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho cán bộ công đoàn và là nguyên
nhân khiến cán bộ công đoàn cơ sở ngại đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Sẽ bổ xung thêm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực công đoàn vào Nghị định 95. (Ảnh: TTXVN)
Xử phạt phân biệt đối xử theo Nghị định 95
Thực tế những hành vi phân biệt đối xử đối với công đoàn và cán bộ công
đoàn vẫn xảy ra thường xuyên cho thấy đã đến lúc cần phải có những chế
tài của pháp luật đối với các hành vi này để tạo điều kiện để công đoàn
thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong quá trình sửa đổi Nghị định 09/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động
Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét đưa
những hành vi vi phạm trong lĩnh vực công đoàn vào quy định tại Nghị
định 95 để xử phạt.
Ông Lê Trọng Sang Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động
Việt Nam) cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung
thêm chương trong Nghị định 95 về các hành vi vi phạm, hình thức vi phạm
và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh lực
công đoàn.
“Theo dự thảo chúng tôi đang xây dựng thì chương quy định hành vi vi
phạm trong lĩnh vực công đoàn gồm 4 điều tập trung vào vi phạm thực hiện
quyền công đoàn, phân biệt đối xử vì lý do gia nhập công đoàn, hành vi
gây bất lợi với tổ chức và hoạt động công đoàn, vi phạm quy định đóng
phí công đoàn… Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5-100 triệu đồng,”
ông Lê Trọng Sang nói.
Đánh giá về việc đưa thêm lĩnh vực công đoàn vào nghị định xử phạt vi
phạm hành chính 95, ông Phillip Hazelton, chuyên gia về Quan hệ lao động
của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng việc bổ sung
quy định này là rất cần thiết nhưng nội dung nghị định phải liệt kê được
đầy đủ các hành vi vi phạm và phản đúng thực trạng hiện nay của Việt
Nam. Đặc biệt, các hình thức xử phạt nên được xem xét có đủ để ngăn cản
các hành vi vi phạm hay không và nếu tái phạm thì mức xử phạt cao hơn
phải như thế nào?
Việc hoàn thiện nội dung các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công đoàn
đưa vào Nghị định 95 sẽ tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi. Ông Hà Đình
Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết
dự thảo sửa đổi Nghị định 95 sẽ được hoàn thiện và gửi lấy ý kiến các
bộ, ngành trước Tết Nguyên đán 2015 và trình Chính phủ phê duyệt trong
quý 1./.
Hồng Kiều (Vietnam+)