Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 31/1/2012 21:23'(GMT+7)

Cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo lời dạy của Bác Hồ

Có thể nói, bản Di chúc là kết tinh những quan điểm cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là tài sản tinh thần vô giá, là nguồn sức mạnh lớn để Đảng ta và nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức hoàn thành mọi nhiệm vụ trong từng giai đoạn Cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng có thể khái quát thành bốn nội dung cơ bản là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu nước thương người, Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó, Trung với nước, hiếu với dân và cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là hai nội dung được Bác đề cập nhiều nhất trong các bài nói, bài viết của mình về đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới. Đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.”

Trung với nước, hiếu với dân. Điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách và Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư là một phẩm chất đạo đức gắn liền với các hoạt động hàng ngày của mỗi người. Nhưng đối với người cán bộ, đảng viên thì đây là một phẩm chất quan trọng nhất. Vì đạo đức cách mạng là cái gốc, là phẩm chất nền tảng trong nhân cách người cán bộ. Đạo đức cách mạng của cán bộ được Hồ Chí Minh ví như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Do vậy, tôi luyện đạo đức cách mạng đòi hỏi phải có sự phấn đấu không ngừng nghỉ của mỗi con người, mỗi thế hệ và toàn xã hội. Chăm lo cái gốc, cái nguồn ấy là nhiệm vụ của Đảng và mỗi cá nhân con người.

Cần, là lao động cần cù, siêng năng, có kế hoạch chuyên sâu, sáng tạo, thi đua sản suất cho mau, cho tốt, cho nhiều, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tự lực cánh sinh, không ỷ lại, không lười biếng, dựa dẫm, phải kiên trì, bền bỉ, dẻo dai, có thái độ đúng với lao động, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của con người.

Kiệm, tức là tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tiền bạc của nhân dân, của Nhà nước và của bản thân, từ việc nhỏ, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi. Cái gì cần chi thì chi, không hoang phí, phô trương. Tiết kiệm khác với bủn xỉn “xem đồng tiền to bằng cái nống”. Bác dạy cần và kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm, “thì làm từng nào xào từng ấy”, không lại hoàn không. Kiệm mà không cần, “thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì cũng không tiến tức là thoái”.

Liêm, là trong sạch, không tham lam, không tham ô, tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không chiếm dụng của công làm của tư, sách nhiễu nhân dân. Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại.

Không bao giờ hủ hoá, chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.Chính, là không tà, thẳng thắn, đúng đắn. Cần, kiệm, liêm, chính là cái rễ của mình. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng phải chính mới là người hoàn thiện.

Chí công vô tư, theo Hồ Chí Minh, đây là một câu châm ngôn của người xưa, có tính định hướng mọi người phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để vươn tới cái tốt đẹp. Người nói: Khi làm bất cứ một việc gì cũng đừng nghĩ tới mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau. “Phải lo trước thiên hạ”. Ngược lại là “dĩ công vi tư” phải loại bỏ.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra mối quan hệ giữa các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và có được nhiều đức tính tốt khác.

Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, người cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì trách nhiệm trước nhân dân chính là một trong những thước đo quan trọng về phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, thì tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc không thể thiếu được trong xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng mà chính bản thân Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người khẳng định: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính”.

Thấm nhuần lời dạy của Người, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã phấn đấu quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là người chiến sĩ xung phong có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng được quần chúng tin yêu, mến phục. Những cán bộ, đảng viên đó đã “lấy lời dạy của Bác làm phương châm hành động: Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đáng tiếc là bên cạnh những tấm gương hy sinh quên mình đó vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ chưa thực hiện nghiêm túc những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: nhiều chuẩn mực, nguyên tắc được Người nêu ra đã không được thực hiện trong cuộc sống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ ró: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (2) Những sai phạm đó đã và đang đưa lại những tổn thất rất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Điều đáng lo ngại là những sai phạm đó đã không những làm thiệt hại lớn đến kinh tế của Nhà nước mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Để chấn chỉnh và kịp thời ngăn chặn thực trạng đó, thiết nghĩ rằng Đảng ta cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, theo chúng tôi cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là: Đảng ta phải tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vấn đề giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào. Bởi Đảng ta xác định: Trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên những tri thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là để giúp cho họ có bản lĩnh và giữ vững bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ giúp cho cán bộ không dễ bị lay động trước những khó khăn, những cám dỗ vật chất. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người cán bộ cũng vẫn một lòng, một dạ tin Đảng và theo Đảng. Làm được điều đó mới xứng đáng là người “đầy tớ trung thành” của nhân dân.

Hai là:Muốn giáo dục đạo đức có hiệu quả, trước hết người cán bộ lãnh đạo quản lý phải là tấm gương cho quần chúng noi theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh người cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng là những người có văn hoá, phải xung phong, gương mẫu làm trước thiên hạ và phải hưởng bổng lộc sau thiên hạ. Cái gì lợi cho Đảng, cho dân thì khó mấy cũng làm, cái gì hại đến Đảng, đến dân thì kiên quyết chống lại. Chính vì vậy, trong bất kỳ cơ quan, tổ chức nào người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Người cầm quyền phải thanh liêm thì mới cảm hoá được quần chúng. Đặc biệt người lãnh đạo phải có phẩm chất đạo đức trong sạch, làm gương cho quần chúng noi theo. Quần chúng học tập, tu dưỡng phấn đấu và làm theo lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên vì họ là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ quý mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “Nếu mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không?. Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(3).

Ba là: Người cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự rèn luyện, tự tu dưỡng đạo đức. Bác nói: “Đạo đức Cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”

Để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đổi mới hiện nay, người cán bộ phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cá nhân, tự rèn luyện, tự đánh giá, tự điều chỉnh mình theo các giá trị đạo đức. Thực tế chứng minh rằng sự tác động có mục đích của giáo dục chỉ bắt đầu phát huy tác dụng khi có sự hưởng ứng của đối tượng một cách tự giác. Muốn dân tộc phát triển thịnh vượng thì mỗi cán bộ phải ham mê học tập và ứng dụng những điều đã học vào trong thực tiễn có hiệu quả. Người cán bộ không chỉ tu dưỡng đạo đức trong học tập, trau dồi đạo đức cách mạng mà còn phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong tất cả mọi lĩnh vực.

Bốn là: Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành nền nếp thường xuyên đạt hiệu quả ngày càng cao. Điều này đòi hỏi cấp ủy đảng các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt sâu sắc, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo đúng Kế hoạch số 03-KH/T.Ư ngày 1-7-2011 của Ban Bí thư về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị từ nay đến năm 2015. Trong bối cảnh của tình hình và nhiệm vụ mới, chúng ta quyết tâm làm cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa ý thức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Phải coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là việc làm hằng ngày, là trách nhiệm và là lợi ích thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, các cuộc vận động đang triển khai; các phong trào thi đua yêu nước; tạo nên động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Ðây là công việc đòi hỏi ý thức tự tu dưỡng tự rèn luyện của từng người. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu cho cấp dưới và các tầng lớp nhân dân học theo, noi theo, kể cả tác phong, phong cách công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế về trách nhiệm tự giác gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định về đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Tiếp tục xây dựng và thực hiện chương trình giảng dạy và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là các quy định, quy chế kiểm tra, giám sát đồng bộ, chặt chẽ của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hằng ngày, thường xuyên, tiến tới trở thành nhu cầu tự thân của từng tập thể và cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh vào trong sinh hoạt hàng ngaỳ

Tóm lại: Tuỳ theo từng thời kỳ cách mạng, Bác đề ra những yêu cầu đạo đức thích hợp để mọi người phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, đạo đức của Bác được soi sáng một cách toàn diện, bao gồm mọi lĩnh vực hoạt động, trên mọi phạm vi và mối quan hệ chủ yếu của mỗi người. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những điều Người căn dặn về đạo đức vẫn luôn có ý nghĩa trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân./.

Trần Thông (Nam Định)

(1), (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tr252 – 253; 552

(2). Nghị quyết trung ương 4 khoá XI đăng trên báo QĐND ngày 26/12/2011.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất