Năm năm qua, Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhiều tấm gương thuyết phục và có sức lan tỏa.
Để phát huy kết quả đạt được, Bộ Chính trị có Chỉ thị 03 (5/2011), tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 03, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 1973 (11/2011) với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, tham ô, tham nhũng; rà soát chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp;… lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét đối với cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện.
Chúng ta biết tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở nước ta và đối với việc xây dựng nhân cách mỗi con người. Đạo đức của Bác, trên hết là phụng sự Tổ quốc, phục vụ dân, phong cách của Bác như một chỉnh thể được thể hiện trong phong cách tư duy, làm việc, diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt… là những gì hết sức chuẩn mực và giản dị, trong sáng và gần dân, mang đậm triết lý nhân sinh. Học tập và làm theo gương Bác, đòi hỏi mỗi người có một sự tự giác, bền bỉ, không ngừng rèn luyện để làm việc tốt hơn, và cũng để hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ.
Để có sự chuyển động mạnh mẽ, người đứng đầu và cấp trên có vai trò quan trọng. Sự nêu gương ở cấp trên sẽ tạo những hiệu ứng và sẽ có sức lan tỏa lớn. Các chi bộ, các cơ quan, đơn vị cần đề ra chương trình hành động cụ thể, sát hợp và mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tệ quan liêu, xa dân, xa hoa, lãng phí, tham nhũng… Chúng ta không chỉ coi trọng việc nghiên cứu, học tập mà hết sức coi trọng việc làm theo.
Do cách làm việc của chúng ta còn hội họp, giấy tờ nhiều nên việc dành thời gian đi cơ sở, sâu sát với thực tiễn, lắng nghe trực tiếp tiếng nói của người dân, thấu hiểu những đòi hỏi từ cuộc sống là điều phải được khắc phục. Cấp trên phải tạo điều kiện, phải ít triệu tập và triệu tập đúng thành phần.
Do bệnh hình thức, bệnh thành tích còn nặng nên không ít đơn vị tổ chức kiểm điểm qua loa, nể nang trong việc phê bình những hạn chế, yếu kém… Lễ hội nhìn chung còn rình rang, tốn kém và có khi lạm dụng sân khấu hóa… Lễ cưới cũng chưa khắc phục bao nhiêu theo tinh thần của Chỉ thị 27. Do tự dễ dãi, do chưa có sự nghiêm khắc, sự nêu gương nên nhiều chủ trương đúng, hợp lòng dân chưa thực hiện tới nơi, tới chốn, nhiều việc như “đánh trống bỏ dùi”. Trong thực tế, còn không ít kho bãi, nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước dùng không đúng công năng, còn không ít tài sản, ngân sách sử dụng kém hiệu quả… Và những cảnh báo về lợi ích nhóm tác động vào chính sách…
Quyền lực biết tự kiểm soát, không lạm dụng sẽ tốt cho dân. Còn ngược lại sẽ gây hậu quả khó lường. Vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát có ý nghĩa quan trọng trong cuộc vận động này.
Những tấm gương, những điển hình tiêu biểu qua cuộc vận động cần được các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, nhân rộng. Cuộc sống, người dân, nhất là tuổi trẻ luôn có nhu cầu biết điều hay, người tốt, luôn có nỗi khao khát người hùng. Giới truyền thông nên quan tâm, nên đưa nhiều hơn những nhân vật chính diện trong đời sống, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
PHẠM PHƯƠNG THẢO
Nguồn: SGGP