Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 24/12/2011 23:4'(GMT+7)

Tấm lòng của Bác Hồ với Linh mục Phạm Bá Trực

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ ra tuyên bố “tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết”, và đặc biệt quan tâm đến đông đảo quần chúng tín đồ các tôn giáo. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và cả khi hoà bình lập lại, mỗi dịp lễ trọng của bà con theo đạo Thiên chúa, Người đều gửi thư, điện chúc mừng, thăm hỏi, động viên bà con “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa yêu nước”, thực hiện lời Chúa dạy “Hoà bình cho người lành dưới thế”.

Đặc biệt, từ những ngày đầu đầy khó khăn, thử thách của nền dân chủ cộng hòa, với tinh thần đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời và bổ nhiệm một loạt các chức sắc tôn giáo, trong đó có chức sắc Công giáo và nhân sĩ trí thức công giáo vào bộ máy nhà nước, như Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Hà đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Vũ Đình Tụng - Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ thương binh, Cựu binh trong Chính phủ, đặc biệt là Linh mục Phạm Bá Trực đã được bầu làm Phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội khóa I.

Linh mục Phạm Bá Trực sinh ngày 21-11-1898 tại Bạch Liên - Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình. Từ năm 1916 - 1925, ông học thần học tại Rôma – Ý, và đỗ ba bằng tiến sĩ. Năm 1929, ông được bài sai làm linh mục xứ Khoan Vỹ - Lý Nhân, Hà Nam. Từ năm 1930 - 1945, ông vừa làm bổn phận của một linh mục, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Do có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1946 ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Uỷ viên Ban thường trực Quốc hội, Phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội từ 1947-1954 và là Phó Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với cương vị Phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội, linh mục Phạm Bá Trực đã có nhiều dịp dự các cuộc họp Hội đồng Chính phủ, hội nghị hành chính kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì; thay mặt Quốc hội phát biểu, báo cáo tại hội nghị, tiếp các đoàn khách trong nước và khách quốc tế cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc... Những hoạt động khi đó diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn tại chiến khu Việt Bắc, biết bao nhiêu vấn đề cấp bách Chính phủ cần giải quyết, nhiều phiên họp Hội đồng Chính phủ kéo dài đến tận đêm khuya, nên linh mục Phạm Bá Trực thường nghỉ lại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng đó, mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và linh mục Phạm Bá Trực là mối quan hệ giữa người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Người luôn gương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc để kháng chiến và kiến quốc với một Linh mục ái quốc tận tuỵ - người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào công giáo nói chung và riêng linh mục Phạm Bá Trực thể hiện ở trong những bức thư Người gửi cho nhiều người, như ngày 19-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Vũ Đình Huỳnh - Đặc phái viên của Bộ Nội vụ tại Ninh Bình, phần tái bút có viết: “Gửi lời hỏi thăm cụ Từ, cụ Trực, cụ Trung và tất cả đồng bào Công giáo. Chú Nam mong gặp cụ Ngô Tử Hạ”[1]. Trong Nhật ký của một Bộ trưởng, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến ghi lại hoạt động của các Uỷ viên Ban thường trực Quốc hội bên cạnh Chính phủ, trong đó có linh mục Phạm Bá Trực như sau: “Ngày 7-2-1948 (28 tháng Chạp âm lịch) Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đại biểu Ban Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy... dự bữa cơm liên hoan tất niên và đón mừng năm mới. Người kể những mẩu chuyện hồi hoạt động ở Trung Quốc, ở châu Âu, những lần bị giam và những kỷ niệm ngày Tết ở nơi đất khách quê người”[2]; “Ngày 1 và 2-10-1948, được tin đoàn đại biểu Nam Bộ đã đến Sơn Dương, Hội đồng (Hội đồng Quốc phòng tối cao) phái 3 vị là cha Phạm Bá Trực, Nguyễn Văn Tạo và Trần Duy Hưng đi đón đoàn đại biểu đặc biệt”[3]

Ngày 25-1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp hội đồng Chính phủ, và trong trong cuộc đốt lửa và truy điệu đức cha Hồ Ngọc Cẩn, cố vấn Chính phủ hôm đó, “trong bầu không khí cảm động Hồ Chủ tịch nói vài lời tiếp đến cha Phạm Bá Trực tụng kinh mặc niệm và tỏ lời cảm ơn Chính phủ. Sự đoàn kết dân tộc được hai bên nêu lại trong buổi lễ này”[4]. Ngày 19-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc dự thảo Lời kêu gọi của Quốc hội nhân ngày 19-12, trực tiếp góp ý kiến, sửa chữa trực tiếp vào bản thảo, và sau đó viết thư gửi ông Chánh văn phòng Chủ tịch Chính phủ Phan Mỹ đề nghị “trình lại cụ Tôn và cụ Trực, xem hai cụ có đồng ý không, nếu hai cụ đồng ý thì gửi đi ngay cho kịp”[5]. Ngày 6-2-1951 (mùng 1 Tết Tân Mão), Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Liên - Việt do linh mục Phạm Bá Trực và ông Phan Kế Toại dẫn đầu đến chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cảm ơn Quốc hội, nhân dân, Chính phủ và chỉ ra rằng, mỗi năm mỗi tiến bộ nhưng sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa, cần phải chú ý sử dụng hợp lý lực lượng của nhân dân. Sau đó, Người cho mang ra một mâm cam, đưa biếu mỗi người một quả với câu nói mang đầy ý nghĩa: “Khổ tận cam lai”…

Nói đến sự quan tâm ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với linh mục Phạm Bá Trực là phải nhắc đến sự chăm lo, thăm hỏi của Người khi cha Trực lâm bệnh, điều trị tại Bệnh xá của Ty Y tế, và khi linh mục điều trị bệnh tại Việt Bắc. Đó là khi “Cha Phạm Bá Trực, phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội bị bệnh 2 năm liền, không mấy chủ nhật Hồ Chủ tịch không đến thăm, tuy công việc của Người rất bộn bề. Người ra lệnh cho các bác sĩ, y sĩ phục vụ cha Trực phải đến báo cáo luôn luôn với Người về bệnh tình cha Trực. Đến lúc bệnh cha Trực quá trầm trọng, không còn phương cứu chữa, mất đi, Hồ Chủ tịch rất thương xót, Người đã vừa khóc vừa viết điếu tang, và cử một ông Bộ trưởng đến đọc thay Người”[6].

Linh mục Phạm Bá trực đã tạ thế vào ngày 5-10-1954, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng tại xã La Bằng - Đại Từ, Thái Nguyên. Thể theo nguyện vọng của bà con giáo dân địa phương, thi thể của linh mục được đưa về an táng tại nhà thờ xứ Yên Huy, Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên. Được tin cụ Phạm Bá Trực qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi vòng hoa viếng, kèm Lời điếu linh mục Phạm Bá Trực do Bộ trưởng Phan Anh đọc tại lễ an táng.

Lời điếu cụ Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban thường trực Quốc hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, số 237, ra ngày 11-12 tháng 10-1954:

“Tôi xin thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ.

Từ ngày nhân dân tin cậy cử Cụ làm Đại biểu Quốc hội và Quốc hội cử Cụ vào Ban thường trực, Cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tình thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam.

Nay Cụ mất đi, Chính phủ và nhân dân vô cùng thương xót.

Trong lúc ốm nặng, Cụ thường nói với tôi: Mong trông thấy kháng chiến thắng lợi thì dù chết Cụ cũng thoả lòng.

Nay hoà bình đã trở lại, Cụ đã thoả lòng.

Nhưng tiếc rằng Cụ không còn nữa để giúp nước, giúp dân.

Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tuỵ ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn Cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm trọn dự nghiệp mà suốt đời Cụ mong muốn tức là: củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quí của chúng ta”[7].

Trong Lời điếu linh mục Phạm Bá Trực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao công lao, đức độ của vị linh mục yêu nước kháng chiến và thay mặt nhân dân, Chính phủ, hứa trước anh linh của Cụ tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp chung: “Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tình thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam”. Hơn nửa thế kỷ sau, những dòng phân ưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân tang lễ của cụ vẫn còn lay động lòng người: “Cụ linh mục Phạm Bá Trực đã tỏ rõ tinh thần kính Chúa và yêu nước của đồng bào công giáo Việt Nam. Cụ luôn luôn cố gắng thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa lương và giáo, giữa các tôn giáo với nhau để đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của đất nước. Cụ linh mục Phạm Bá Trực đã mất nhưng tinh thần đó sẽ được đồng bào công giáo và nhân dân ta nêu cao mãi”[8]./.

Cùng với thời gian, tình cảm của Bác Hồ với đồng bào Thiên Chúa giáo nói chung, với linh mục Phạm Bá Trực nói riêng luôn làm ấm lòng "những con chiên nơi nước Chúa"./. 


Ngọc Lan


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.53.

[2] Lê Văn Hiến, Nhật kí một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 1995, t.1, tr.270.

[3] Lê Văn Hiến, Nhật kí kháng chiến (23/01/48- 08/05/49), tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, tr. 55.

[4] Lê Văn Hiến, tài liệu đã dẫn, tr.66.

[5] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.4, tr.373.

[6] Linh mục Vũ Xuân Kỷ: “Có Hồ Chủ Tịch là có tự do rồi” , Báo Cứu Quốc số 1708, ngày 15-5-1955.

[7] Báo Nhân dân, số 237, ra ngày 11-12 tháng 10 năm 1954.

[8] Báo Nhân dân… Tài liệu đã dẫn, tr.1.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất