Đứng trong vườn cao su đang mùa thay lá, A Xem tính với chúng tôi: Mỗi ngày, nhà A Xem thu về trên 6 triệu đồng từ tiền bán mủ cao su, trừ chi phí thì mỗi ngày lãi khoảng 5 triệu đồng. Có lẽ, ở Tây Nguyên này, số người có thu nhập như A Xem ít lắm.
A Xem năm nay 57 tuổi, là người dân tộc Xơ Đăng. Theo cách mạng từ nhỏ giữa núi rừng biên giới Đắk Xú (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), 19 tuổi A Xem đã được kết nạp vào Đảng. Đến nay, người đảng viên gần 40 năm tuổi đảng ấy đã gần trọn đời gắn bó với đất rừng biên giới vùng sâu này. Khát vọng vượt qua nghèo khó, gia đình A Xem đã khai mở những vùng đất rừng hoang hoá, đưa cây cao su về trồng.
“Giờ làm ăn không còn khó khăn như hồi trước. Mình sẽ làm giàu được nếu biết tính toán và chịu khó...”. A Xem nói rồi hồi tưởng lại thời kỳ đầu đầy khó khăn. Ở nơi rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, cuộc sống rất vất vả, thiếu thốn, muốn trồng cao su mà không có vốn, không máy móc, không lao động. Người dân ở đây không ai đi làm thuê nên gia đình A Xem phải gồng sức bạt đồi, phát cỏ, khai phá đất rừng hàng năm trời. Để đắp đổi lấy vốn, lần lượt phải bán tài sản, bán cả đàn bò là tài sản cuối cùng lớn nhất của gia đình lúc bấy giờ. Người dân ở đây chưa ai trồng cao su, thấy cây cao su A Xem đem về trồng thì nhiều người ngơ ngác, có người còn cho A Xem là “không bình thường” vì “trồng cái cây gì mà không ai biết”! A Xem dành nhiều thời gian để tuyên truyền, giới thiệu cho bà con lợi ích kinh tế của cây cao su, nhưng nói mãi mà "ít người chịu hiểu", hoặc có biết nhiều người cũng lè lưỡi lắc đầu. Không quản khó khăn, A Xem quyết tâm “phải làm cho bằng được, phải làm cho cây cao su mọc trên vùng đất này”, “mình không được dừng bước, phải nghĩ cách mà làm giàu thôi”….
Hàng năm trời dồn sức người, sức của khai phá đất hoang, bạt núi, mở đường, khoanh lô, cắm tiêu..., những cây cao su đầu tiên của A Xem đã bật dậy những chồi xanh, từng ngày vươn cao trên đất rừng Đắk Xú. Lúc này ở gần đấy đã có nông trường cao su Plei Kần, A Xem tìm đến gặp anh em kỹ thuật của nông trường để được hướng dẫn cách chăm sóc, khai thác. Và A Xem được anh em nông trường hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn tỉ mỉ, sát cánh cùng gia đình từ khâu chăm sóc vườn cây đến khai thác những sản phẩm đầu tiên.
Trải qua những biến cố, thăng trầm, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, đến nay gia đình A Xem đã có 20 ha cao su với 11.000 cây, trong đó 16 ha đã cho thu hoạch, mỗi ngày thu từ 450 đến 500 kg mủ tươi. Doanh thu mỗi tháng của gia đình A Xem khoảng 180 triệu đồng, trừ các chi phí thuê mướn, mỗi tháng tiền lãi thu về cũng được 150 triệu đồng. A Xem thuê thêm 7 lao động thường xuyên, 1 bảo vệ để giúp thu hoạch, khai thác, vận chuyển sản phẩm mủ cao su. Hỏi chuyện các anh Bùi Văn Bảy, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Kiên... - những lao động ở đây, các anh đều rất yên tâm vì có công việc thường xuyên, thu nhập ổn định, bình quân mỗi tháng 3-4 triệu đồng, làm tốt thì cuối năm được thưởng xứng đáng.
Rừng cao su bạt ngàn xanh trên đất rừng biên giới là thành quả lao động hơn 15 năm của người “đảng viên đi trước”, đưa cây cao su sâu rễ, bền gốc nơi ngã ba biên giới Ngọc Hồi. Ông tâm sự: “Mình là đảng viên mà lại là người dân tộc thiểu số, mình nghĩ phải làm, mà mình làm thật. Dù có người không ủng hộ”. Sau khi thăm vườn cây, A Xem đưa chúng tôi vào nhà ở ngay đầu lô cao su. Trời Tây Nguyên những ngày này khá nắng nóng. Vừa bước vào nhà, bà Y Nia - vợ A Xem đon đả mời khách, nhanh tay bật công tắc chiếc máy lạnh rồi mở tủ lấy bia đãi khách. Cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy toát trên gương mặt thuần hậu của người phụ nữ Xơ Đăng quanh năm gắn bó với đất rừng Đắk Xú. Bà nguyên là thiếu uý quân đội trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, đã gặp A Xem và hai người nên nghĩa vợ chồng trong khói lửa chiến tranh. Năm 1975, sau giải phóng ông khoác ba lô dắt con trai đầu, bà cõng con gái bé về làng Đắk Xú. Đặt ba lô xuống, ông nói với bà: “Ta làm nhà ở đây thôi”.
Và đến hôm nay, hơn 30 năm trôi qua, chính mảnh đất này đã trở thành ngôi nhà hạnh phúc của ông bà và các con. Ông bà có bốn người con, bà khoe: “Thằng trai đầu đang dạy học cấp 3 trường huyện, con gái thứ hai đã làm việc tại UBND xã Đắk Xú, con gái thứ ba đang học Đại học Tây Nguyên, còn gái út gần tốt nghiệp Học viện Quân y rồi”. Chúng tôi chúc mừng ông bà rồi nhìn ra ngoài sân, chiếc xe con màu sáng còn rất mới chạy vào cổng. Bà cho biết đó là con trai của bà - thằng Thao Nuông đi làm về. Xe mới mua trên 500 triệu đồng. Hai xe tải mà gia đình cũng vừa mua trị giá trên 1 tỷ đồng để phục vụ cho sản xuất.
Chia tay A Xem giữa vườn cao su đang mùa thay lá, trời Tây Nguyên trong xanh, nắng vàng rực rỡ, tôi ôm lấy ông vì quá đỗi cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và lòng quả cảm của con người này. Xiết chặt tay tôi, ông nói: “Bây giờ có thể anh đã giàu rồi em ạ. Nhưng làm sao để có nhiều hơn nữa bà con các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng, người Tày, người Mường… ở đây cũng biết trồng cây cao su, để bà con giàu lên”. Và trong ánh mắt người đảng viên gần 40 năm tuổi đảng này, lại ánh lên niềm tin về cuộc đời.
Nguyễn Văn Chiến/ Tc Xây dựng Đảng